HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 30 NĂM NGÀY THÀNH LẬP LIÊN MINH HTX TỈNH HẢI DƯƠNG (05/11/1994 - 05/11/2024).
Mô hình HTX tiêu biểu
Trang trại nuôi thỏ tuần hoàn không gây ô nhiễm môi trường
16/09/2022 10:00:36


Dù mới thành lập nhưng mô hình chăn nuôi thỏ New Zealand theo hướng liên kết, tuần hoàn của HTX Đại Dương ở xã Đại Sơn (Tứ Kỳ) vừa mang lại hiệu quả kinh tế vừa bảo vệ môi trường.


Mô hình nuôi thỏ kết hợp giun quế đã giúp trang trại của anh Nguyễn Văn Cẩm (thứ hai từ phải sang) tăng hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường

Trước đây, khi chưa “bén duyên” với con thỏ, anh Nguyễn Văn Cẩm, Giám đốc HTX Đại Dương từng làm nhiều nghề, nuôi trồng nhiều loại cây, con nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Sau khi tìm hiểu, anh Cẩm đưa con thỏ trắng New Zealand vào nuôi thử nghiệm. Kết quả bất ngờ, dù mới đưa vào nuôi nhưng giống thỏ này đã giúp anh có thu nhập ổn định và thị trường tiêu thụ khá thuận lợi.
Đến thăm khu chăn nuôi gần 6.500 con thỏ của anh Cẩm, chúng tôi không thấy mùi khó chịu như một số nơi nuôi thỏ thông thường. Anh Cẩm cho biết toàn bộ chất thải của thỏ đều được tận dụng làm thức ăn cho giun quế hoặc thu gom ép phân khô nên giảm tối đa mùi hôi ra ngoài khu vực chuồng nuôi. Mỗi dãy chuồng thỏ được anh đặt cách mặt đất gần 1 m, phía dưới là các bể nuôi giun rộng 1,2 - 1,5 m, cao chừng 16-17 cm và được xây tường bao quanh. Khoảng cách giữa các dãy chuồng nuôi thỏ rộng 90 cm được xây để làm lối đi lại tiện cho thỏ ăn uống.
Qua thực tế và đi học hỏi nhiều nơi, anh Cẩm đã rút ra những kinh nghiệm để nuôi giun quế hiệu quả. Để phòng chống dịch bệnh, anh Cẩm thường xuyên vệ sinh chuồng trại bảo đảm sạch sẽ, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông, tiêm đủ các loại vaccine theo định kỳ từ khi thỏ được 1 tuần tuổi trở lên.
Cũng nhờ cách nuôi kết hợp này mà anh Cẩm giải quyết tốt được vấn đề ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực nuôi thỏ và có thêm nguồn thu nhập. “Nuôi giun quế bên dưới chuồng thỏ tiết kiệm được khá nhiều công vệ sinh chuồng trại, giảm tối đa nguồn chất thải chăn nuôi ảnh hưởng đến môi trường. Giun quế làm thức ăn cho ba ba, lươn, ếch… phân giun quế dùng bón rau xanh, cây ăn quả, cỏ voi để lấy thức ăn cho đàn thỏ”, anh Cẩm nói.
Với 1.000 con thỏ sinh sản, trung bình mỗi năm 1 con thỏ mẹ đẻ 5-6 lứa, mỗi lứa 6-8 con. Sau 3 tháng nuôi, trọng lượng thỏ đạt 2,5-3 kg/con là có thể xuất bán. Đầu ra thuận lợi, thương lái đến tận trang trại để thu mua. Mỗi năm anh Cẩm xuất bán khoảng 6.000 con thỏ thịt với giá trung bình từ 75.000 – 80.000 đồng/kg, thu lãi từ 300-400 triệu đồng/năm. 
Nghề nuôi thỏ đem lại hiệu quả kinh tế cao nhưng chăn nuôi nhỏ lẻ, thiếu liên kết sẽ có nhiều rủi ro hơn. Năm 2019, anh Cẩm đứng ra hô hào 11 hộ nuôi trong xã thành lập HTX Đại Dương với ngành nghề chăn nuôi chính là thỏ thương phẩm. Những thành viên mới chưa có kinh nghiệm được anh Cẩm nhiệt tình giúp đỡ hướng dẫn cách nuôi, quy trình chăm sóc và cung cấp con giống. HTX cũng đứng ra vay vốn, cung ứng thức ăn chăn nuôi, thuốc phòng trừ bệnh cho thỏ với giá ưu đãi. Nhờ liên kết sản xuất nên đầu ra cho sản phẩm ổn định hơn, các thành viên trong HTX liên tục mở rộng quy mô chuồng trại. Hiện tổng đàn của HTX là 27.000 con thỏ.
Trang trại nuôi thỏ tuần hoàn, xử lý chất thải hữu cơ như cách làm của HTX Đại Dương là một hướng đi bền vững, nâng cao an toàn sinh học và tăng hiệu quả trong chăn nuôi.
 
                                                             Nguồn: VŨ HOẠT(Báo Hải Dương)
Các tin mới hơn
Các tin cũ hơn
Hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp Mai Hồng, huyện Kim Thành, đơn vị điển hình tiên tiến(02/04/2021)
Hợp tác xã nông nghiệp sạch Nam Vũ thành công nhờ quả ổi(15/03/2021)
Quỹ tín dụng nhân dân Sao Đỏ thành phố Chí Linh tỉnh Hải Dương, đơn vị điển hình tiên tiến(10/03/2021)
Video
na
na
na
na
na
na
na
na
na
Liên kết website