HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 30 NĂM NGÀY THÀNH LẬP LIÊN MINH HTX TỈNH HẢI DƯƠNG (05/11/1994 - 05/11/2024).
Tin tức- hoạt động
Đổi đời với cây trồng cũ nhờ cách làm mới
30/11/2022 02:16:29

Hiệu quả của quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát triển kinh tế trang trại đã và đang mở ra hướng đi mới tại nhiều địa phương. Đặc biệt, nhờ thay đổi “cách nghĩ, cách làm”, những cây trồng truyền thống vốn “chỉ đủ ăn” giờ cũng giúp người dân thoát nghèo, làm giàu.

Những năm qua, gia đình anh Y Ken, người M’nông, buôn Trí B, xã Krông Na, nhờ được hưởng lợi từ đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk nên đã làm chủ mô hình trồng cây ăn trái có múi với quy mô trên 2 ha.

Đổi mới tư duy để làm giàu

Anh Y Ken cho hay, năm 2017, được hỗ trợ giống cây cam, quýt, bưởi, phân bón, gia đình anh đã mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích vườn tạp của gia đình sang phát triển mô hình trồng cây ăn trái có múi theo hướng hàng hóa.

Sau 3 năm canh tác, nhờ nắm vững kỹ thuật, ứng dụng hiệu quả kiến thức được học, các loại cây trồng của gia đình anh Y Ken đều sinh trưởng tốt, cho năng suất cao. Kể từ năm 2019 đến nay, bình quân mỗi năm gia đình anh thu về trên dưới 200 triệu đồng.

Điều đáng chú ý là những cây trồng trên vốn là những cây trồng đã tồn tại nhiều năm trên địa bàn nhưng vì không được áp dụng kỹ thuật, chăm sóc đúng cách nên năng suất thấp, hiệu quả kinh tế chỉ đủ “đồng ra, đồng vào” cho các hộ sản xuất.

Tuy nhiên, trong khoảng 5 năm qua, nhờ các chương trình hỗ trợ giảm nghèo của Nhà nước, cùng các chính sách đồng hành của địa phương, HTX, doanh nghiệp đã thay đổi tư duy sản xuất của người dân bản địa, giúp giá trị của cây trồng được nâng lên, cải thiện đời sống của người dân.

-4208-1669693842.jpg

Ứng dụng hiệu quả khoa học-kỹ thuật giúp người dân thoát nghèo, làm giàu với cây trồng bản địa.

Không chỉ các mô hình cá thể, với tư duy mới, người dân trên địa bàn huyện Buôn Đôn đã chủ động liên kết thành lập các HTX để phát huy giá trị của các cây trồng thế mạnh bản địa. Điển hình như HTX Nông nghiệp và Du lịch Phú Nông, xã Ea Nuôl với mô hình trồng cây ăn trái trên vùng ven hồ thủy điện Sêrêpốk 3.

Hiện tại, trong lĩnh vực trồng trọt, HTX triển khai các loại cây ăn trái chủ lực như cam, quýt, bòn bon, ca cao, xoài, ổi, chuối… theo hướng VietGAP, hữu cơ. Nhờ sản xuất khoa học, vùng trồng trọt của HTX luôn duy trì giá trị bình quân 100 - 150 triệu đồng/ha/năm.

Anh Lục Văn Tính, dân tộc Tày, xã Ea Nuôl chia sẻ, gia đình có hơn 1 ha đất sản xuất nhưng những năm trước đây chỉ trồng cây ngắn ngày, thời tiết thất thường nên năng suất thấp, thu nhập không đủ nuôi con ăn học.

Được sự hỗ trợ của HTX, gia đình anh Tính chuyển đổi toàn bộ diện tích vườn sang trồng ổi theo hướng VietGAP. Chăm sóc đúng kỹ thuật, vườn ổi cho trái chỉ sau một năm, chất lượng, năng suất đều vượt trội, cho thu nhập gấp 3 - 5 lần so với trước.

“Không chỉ có thành viên, HTX đã và đang tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng trọt cho hàng chục hộ sản xuất, đặc biệt là các hộ dân tộc thiểu số được hỗ trợ rất thiết thực. Nhờ sự đồng hành của HTX, chúng tôi không còn nặng gánh thị trường tiêu thụ, yên tâm làm ra sản phẩm sạch”, anh Tính nhấn mạnh.

Ứng dụng khoa học là tất yếu

Cũng có được thành công tích cực với những cây trồng truyền thống nhờ cách làm mới, những năm gần đây, xã Chiềng Ân (Mường La, Sơn La) đang phát triển mạnh cây thảo quả, giúp nhiều người dân vươn lên thoát nghèo, làm giàu.

Trước đây, người Mông ở Chiềng Ân đã trồng cây thảo quả nhưng chủ yếu trồng theo lối nhỏ lẻ, phụ thuộc vào thiên nhiên. Chính vì vậy mà tình trạng thảo quả bị chết do băng tuyết phủ trắng là chuyện không hiếm. Bên cạnh đó, vì tự sản xuất, tự bán nên đầu ra bấp bênh, nguồn thu từ cây thảo quả không cao.

Thế nhưng từ chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, những hộ đồng bào Mông ở xã Chiềng Ân đã được hướng dẫn kỹ thuật trồng cây thảo quả theo hướng hàng hóa, cây thảo ngày càng phát triển xanh tốt và trở thành cây kinh tế chủ lực.

Anh Giàng A Pánh (dân tộc Mông ở bản Ta Phù Chử) cho biết, từ khi được tham gia các lớp kỹ thuật phát triển cây thảo quả, anh và người dân đã khắc phục được số diện tích thảo quả bị chết do băng giá.

Ngoài ra, thay vì bán thô, các hộ đồng bào Mông đã đầu tư máy sấy thực hiện sấy khô thảo quả để dễ dàng vận chuyển và tăng giá trị. Trung bình thảo quả sấy khô được bán với giá trên 120 nghìn đồng/kg.

Hiện nay, bản Ta Phù Chử đã phát triển trên 20ha thảo quả. Nhờ trồng thảo quả, không chỉ anh Pánh mà 40 hộ đồng bào người Mông ở bản Ta Phù Chử đã sắm sửa được nhiều vật dụng cần thiết trong nhà, mua được xe máy, không lo cảnh thiếu ăn, thiếu mặc như trước kia nữa.

Chiềng Ân hiện có 7 bản với khoảng 516 hộ và 2.900 nhân khẩu, trong đó dân tộc Mông chiếm 95%. Nhờ trồng thảo quả, cuộc sống của nhiều hộ dân trong xã không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên khá giả, có hộ thu hàng trăm triệu đồng/năm từ thảo quả.

Đáng chú ý, để thuận tiện hỗ trợ người Mông áp dụng kỹ thuật vào sản xuất và tiêu thụ, chính quyền xã đã tạo điều kiện thành lập HTX nông nghiệp Nong Bông (bản Nong Bông).

Hiện, HTX thu hút 13 hộ gia đình người Mông làm thành viên, sản xuất 40 ha cây thảo quả. Ban giám đốc HTX đã trở thành đầu mối để thành viên tiêu thụ nông sản, từ đó người dân nơi đây đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.

Rõ ràng, bên cạnh đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tăng giá trị gia tăng, các địa phương cần tăng cường tập huấn kỹ thuật đối với từng loại cây trồng, nâng cao khả năng ứng dụng khoa học - công nghệ của người dân vào sản xuất, từ đó gia tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.

                                                                  Theo: Minh Hạnh(VnBusiness)

Các tin mới hơn
Kỳ vọng từ cánh đồng trải nghiệm xã Bạch Đằng(17/04/2024)
Nuôi cá rô phi làm chả, hướng đi mới cho người nuôi cá ở Hải Dương(17/04/2024)
Liên minh HTX tỉnh Hải Dương tích cực đổi mới công tác tuyên truyền(16/04/2024)
Để HTX không 'cô đơn' trên hành trình làm nông nghiệp hiện đại(15/04/2024)
LIÊN MINH HTX TỈNH HẢI DƯƠNG CÓ 03 ĐƠN VỊ THÀNH VIÊN ĐƯỢC TRAO GIẢI THƯỞNG NGÔI SAO HỢP TÁC XÃ VIỆT NAM 2024 (12/04/2024)
Các tin cũ hơn
Chuyên nghiệp bao bì nông sản, chuyện không dễ với HTX(30/11/2022)
Hợp tác xã nông sản sạch Thành Nhàn cung cấp hơn 50 tấn bột sắn dây ra thị trường(29/11/2022)
Để chuyển đổi số trong HTX không 'sớm nở tối tàn'(28/11/2022)
Tạo chuỗi giá trị đan xen từ xúc tiến thương mại(28/11/2022)
HTX chuẩn hóa quy trình để đáp ứng yêu cầu cao hơn của thị trường(23/11/2022)
Video
na
na
na
na
na
na
na
na
na
Liên kết website