Diễn đàn có sự tham dự của lãnh đạo các Bộ, ban, ngành: Ban Kinh tế Trung ương, Liên minh HTX Việt Nam, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương), lãnh đạo Liên minh HTX các tỉnh, thành phố; các Hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp, hợp tác xã; các chuyên gia, các nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế,…
|
Diễn đàn “Phát triển mô hình kinh tế hợp tác xã, thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững” |
"Đặt mục tiêu mỗi người dân là thành viên của ít nhất một HTX’
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân đánh giá Diễn đàn là cơ hội để lắng nghe tiếng nói của các doanh nghiệp, HTX thể hiện tâm tư nguyện vọng, đề xuất phát triển mô hình kinh tế tập thể, HTX theo hướng bền vững, trong đó ưu tiên HTX nông nghiệp, nâng cao chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp.
|
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân phát biểu khai mạc Diễn đàn. |
Theo thống kê, hiện nay, cả nước có gần 30.000 HTX, trong đó HTX nông nghiệp chiếm tỷ trọng hơn 60%, với 3,5 triệu thành viên, tác động lớn về xã hội. Vì vậy, HTX nông nghiệp cần được đặc biệt quan tâm.
“Một đất nước muốn ổn định là phải quan tâm tới lĩnh vực này”, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam nhấn mạnh.
Tuy nhiên, lâu nay, nhiều người vẫn nghĩ rằng nói tới HTX thấy yếu thế, nghèo về nhiều thứ, nhân lực, tài lực, kinh nghiệm. Song, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam nhìn nhận suy nghĩ này cần thay đổi vì HTX có nhiều “cái giàu”: giàu tính cộng đồng, tình cảm, liên kết, đất đai, nguồn lực con người. Thành viên HTX có rất nhiều kinh nghiệm.
“Có nông dân không học kỹ sư nhưng sáng tạo hơn kỹ sư, kinh nghiệm sản xuất của họ khiến nhà khoa học ngỡ ngàng”, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam nói.
Tuy vậy, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cũng thừa nhận, cái yếu của HTX là liên kết sản xuất chuỗi từ sản xuất, phân phối. Hay nói cách khác, yếu nhất hiện nay là yếu quản trị.
Theo Chủ tịch Cao Xuân Thu Vân, HTX cần chính sách đặc thù chứ không phải chính sách ưu tiên. “Trên thế giới, vai trò của HTX rất quan trọng. Tại Hà Lan, thành viên HTX gấp 3 lần dân số, một người tham gia làm thành viên nhiều HTX. Còn ở Hàn Quốc, mô hình HTX có nhiều thành viên, giáo viên của họ là thành viên HTX, phụ huynh học sinh là thành viên HTX. Các nước trên thế giới cũng có HTX giáo dục, y tế. Đây là những vấn đề mà Việt Nam cần lưu ý", Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam nêu ví dụ.
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cũng kể những câu chuyện về HTX phát triển bền vững như một HTX trồng trái sầu riêng, nhưng thay vì bán tươi đã tạo thành bánh, thu hút các du khách nước ngoài tới trải nghiệm…
Liên minh HTX Việt Nam đại diện cho HTX, thực hiện quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp cho HTX. Và sâu xa hơn, “HTX cần nhìn lại mình, tìm ra điểm nghẽn của chính mình. HTX cần phát triển xử lý điểm nghẽn nào. Liên minh HTX tham gia xử lý vấn đề gì, cơ quan quản lý cần tham gia xử lý vấn đề gì”, Chủ tịch Cao Xuân Thu Vân nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, HTX phát triển bền vững mới giúp nông nghiệp Việt Nam thoát khỏi tình cảnh manh mún tự phát. HTX phải biết phát triển vùng nguyên liệu, mà câu chuyện này rất cần sự hỗ trợ của các bộ ngành.
Chuyển đổi xanh, HTX nông nghiệp sẽ có nhiều cơ hội phát triển
Phát biểu tại Diễn đàn, TS. Vũ Mạnh Hùng, Phó vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương) cho biết, nông nghiệp bền vững phát triển hài hoà dựa trên 3 trụ cột: có sự tăng trưởng ổn định, lâu dài; bảo vệ môi trường và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, hợp lý tài nguyên thiên nhiên; bảo đảm sự công bằng quyền và lợi ích giữa các bên tham gia hoạt động nông nghiệp và không làm ảnh hưởng tới lợi ích của các thế hệ trong tương lai.
|
TS. Vũ Mạnh Hùng, Phó vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương) khẳng định chuyển đổi xanh, HTX nông nghiệp sẽ có nhiều cơ hội phát triển. |
TS. Vũ Mạnh Hùng chỉ ra 5 cơ hội phát triển cho các HTX khi chuyển đổi xanh.
Thứ nhất là có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và cả hệ thống chính trị. Điển hình là Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương Khoá XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể đã chỉ đạo “có chính sách ưu tiên cho các tổ chức kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn hoạt động sản xuất kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; ưu tiên phát triển các tổ chức kinh tế tập thể gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức”.
Thứ hai, Nhà nước có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy, tạo cơ hội cho các HTX nông nghiệp chuyển đổi xanh như: Quyết định số 1658 về Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050”, với định hướng “phát triển nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, hữu cơ bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của sản xuất nông nghiệp thông qua việc điều chỉnh, chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và áp dụng các quy trình, công nghệ sử dụng tiết kiệm, hiệu quả giống, thức ăn, vật tư nông nghiệp, tài nguyên thiên nhiên...; đẩy nhanh tiến độ các dự án trồng rừng, tái trồng rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững”.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 09 về “Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/ 6/2022, Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 140.000 tổ hợp tác, với 2 triệu thành viên; 45.000 HTX với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp HTX với 1.700 HTX thành viên; bảo đảm trên 60% tổ chức kinh tế tập thể đạt loại tốt, khá. Trong đó, có ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị; có trên 5.000 HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp…
Thứ ba, trong tiến trình chuyển đổi xanh, các HTX nông nghiệp sẽ có cơ hội nâng cao năng lực quản trị, năng lực nội tại của mình thông qua việc đào tạo nâng cao trình độ của cán bộ và lao động của HTX.
Thứ tư, các HTX nông nghiệp sẽ có cơ hội chuyển đổi, áp dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường trong hoạt động nông nghiệp. Chuyển đổi xanh là xu hướng toàn cầu, ở đó các HTX nông nghiệp sẽ có cơ hội liên kết, hợp tác, tiếp cận mở rộng thị trường cả trong nước và quốc tế, từ đó mở rộng quy mô hoạt động của HTX, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường.
Thứ năm, chuyển đổi xanh thúc đẩy các HTX nông nghiệp gia tăng tiết kiệm chi phí thông qua việc giảm con giống, vật tư, nguyên liệu đầu vào, giảm tiêu hao, nâng cao lợi nhuận trong chuỗi giá trị nông nghiệp, mang lại lợi ích lớn hơn cho HTX và các thành viên.
Tuy vậy, Phó vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, quá trình chuyển đổi xanh cũng mang đến nhiều thách thức cho các HTX nông nghiệp như sự phát triển không đồng đều của HTX giữa các địa phương, vùng, miền dẫn đến việc các HTX khó hấp thụ được các cơ chế, chính sách chuyển đổi xanh như: chính sách đào tạo, các chương trình đào tạo, tích hợp nội dung tăng trưởng xanh trong hoạt động của HTX; các chính sách hỗ trợ thuế, tín dụng đối với việc giảm phát thải carbon.
Bên cạnh đó, chuyển đổi xanh trong nông nghiệp là quá trình hết sức khó khăn, đỏi hỏi sự kiên trì và quyết tâm chính trị rất cao, trong khi không ít thành viên tham gia hoạt động của HTX còn hình thức, chưa thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ trong HTX.
Ngoài ra, năng lực nội tại của HTX còn yếu, hiệu quả hoạt động chưa cao, mô hình tổ chức lỏng lẻo, chưa phù hợp, trình độ cán bộ quản lý HTX còn hạn chế. Phần lớn HTX, tổ hợp tác có quy mô nhỏ, vốn ít, phạm vi hoạt động hẹp, năng lực cạnh tranh, lợi ích mang lại cho thành viên thấp dẫn đến khó áp dụng các công nghệ sạch, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, phát thải carbon thấp; khó hấp thụ được các chính sách tín dụng, hỗ trợ vốn; khả năng chuyển đổi mô hình hoạt động kém linh hoạt.
Mặt khác, tính liên kết trong nội bộ HTX còn rất yếu, các hoạt động liên doanh, liên kết giữa các HTX và giữa HTX với các tổ chức kinh tế khác chưa phổ biến dẫn đến khả năng cạnh tranh dựa vào lợi thế quy mô kém.
TS. Vũ Mạnh Hùng cho rằng để nâng cao hiệu quả quá trình chuyển đổi xanh của các HTX nông nghiệp cần chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, các cơ chế, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh đối với các HTX.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý quan tâm hỗ trợ các HTX thực hiện tốt các chương trình, đề án về phát triển xanh, nhất là “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050”; “Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20, Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới”; Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025.
Song song với đó là tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với HTX, gắn liền với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong phát triển HTX nông nghiệp.
Ngoài ra, cơ cấu lại nguồn lực thực hiện chính sách để đảm bảo nguồn lực được tập trung đúng và đủ cho các chính sách tạo động lực để HTX nông nghiệp tự thân phát triển bền vững như chính sách Hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ mới đối với HTX; Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; Mở rộng thị trường; Tiếp cận vốn và Quỹ hỗ trợ phát triển HTX…
Bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và cơ quan quản lý, TS. Vũ Mạnh Hùng cũng nêu rõ, các HTX nông nghiệp cần nâng cao ý thức sản xuất, tiêu dùng có trách nhiệm. Việc sản xuất có trách nhiệm chính là thực hiện sản xuất theo các tiêu chuẩn bền vững hoặc hướng tới bền vững và không làm hại tới môi trường.
“Ở đây chính là việc sử dụng hạn chế đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, là sản xuất theo các tiêu chuẩn bền vững như VietGAP hay các tiêu chuẩn thế giới; sản xuất bền vững tiến tới áp dụng các biện pháp nhằm hạn chế phát thải khí nhà kính. Việc chế biến tiêu dùng cũng cần phải thay đổi, các doanh nghiệp chế biến cũng phải đảm bảo những yêu cầu tiêu chuẩn chế biến, các tiêu chuẩn để đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu…”, Phó vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh.
Song song với đó, cần tăng cường tính liên kết giữa các chủ thể trong chuỗi giá trị nông nghiệp. Đặc biệt, cần phải có sự liên kết không chỉ doanh nghiệp, HTX và nông dân mà cần có sự tham gia mạnh mẽ của thành phần khác như doanh nghiệp cung cấp đầu vào, ngân hàng và sự tham gia của Nhà nước. Cùng với đó, cần phải có những chính sách thiết thực hiệu quả, để hỗ trợ sự liên kết này thông qua ưu đãi về thương mại, tín dụng, khoa học công nghệ, bảo hiểm, đất đai hay hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu, đầu tư cơ sở hạ tầng.
Càng nhiều nông dân tham gia vào HTX, càng nhiều hộ được hưởng lợi ích
Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), nông nghiệp tuần hoàn là một chu trình sản xuất khép kín, các chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người.
Ông Thịnh chỉ ra một số mô hình phát triển HTX tiêu biểu như mô hình kinh tế sử dụng trấu làm chất đốt trong xay xát lúa tại Nhà máy xay xát gạo Vĩnh Bình - tỉnh An Giang. Mô hình này đang được áp dụng với nhà máy xay xát gạo với công suất 80.000 tấn/năm, tạo ra 16.000 tấn trấu (lượng trấu sẽ sử dụng vào việc sấy lúa cho nhà máy chiếm khoảng 50% (8.000 tấn trấu) và phần còn lại sẽ được chế biến thành thanh củi trấu bán ra thị trường)…
|
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) |
“Giảm tiêu thụ năng lượng tại các cơ sở xay xát-sấy lúa (50% dung sấy lúa trực tiếp, 50%-củi trấu bán cho các cơ sở chế biến để đốt lò hơi) - giảm chi phí năng lượng 30%, tăng lợi nhuận 400.000 đồng/tấn từ việc bán củi trấu (8.000 tấn x 400.000 đồng/tấn = 3,2 tỷ đồng/năm)”, ông Thịnh cho biết.
Hay mô hình kinh tế tuần hoàn Vườn - Ao - Chuồng - Rừng (VACR) tại Phú Thọ. Mô hình do một hộ gia đình tại xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa thực hiện, có diện tích trên 40ha. Đây là mô hình trang trại khép kín và người chăn nuôi có thể tận dụng triệt để nguồn nước, nguồn thức ăn, các loại chất thải để đem lại hiệu quả kinh tế cao, tiết kiệm được rất nhiều chi phí.
Đáng chú ý, Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn cho biết, Bộ NN&PTNT đang triển khai nhiều mô hình hỗ trợ phát triển HTX bền vững.
Cụ thể, Bộ NN&PTNT tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về phát triển HTX nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, với mục tiêu “Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp theo định hướng phát triển bền vững. Hiện nay, các địa phương đang khẩn trương xây dựng và ban hành chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết.
Bộ NN&PTNT cũng đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tham gia xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật HTX; xây dựng Nghị định về HTX; tham mưu, đề xuất các nội dung cần sửa đổi tại các Quyết định ban hành chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX.
Đồng thời, Bộ cũng đang triển khai các chính sách, đề án, dự án, kế hoạch ưu tiên đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT ban hành để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức kinh tế tập thể, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp.
Đến nay, cả nước thực hiện các chuỗi liên kết - chế biến - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với 4 tác nhân tham gia liên kết có 286 tổ chức khoa học, 686.445 hộ nông dân, 4.228 HTX nông nghiệp tham gia liên kết với 2.167 doanh nghiệp trong sản xuất, thu hoạch chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp... Cả nước có 2.038 chuỗi liên kết được xây dựng theo quy định Nghị định 98, với 1.250 HTX nông nghiệp tham gia.
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT xây dựng đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025. Đề án đã đưa ra các nội dung, giải pháp phát triển triển các vùng nguyên liệu tập trung đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, trong đó tập trung phát huy vai trò, trách nhiệm của các HTX nông nghiệp trong việc kết nối từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Mục tiêu chính của Đề án là hình thành được 5 vùng nguyên liệu đạt chuẩn, quy mô tập trung với tổng diện tích khoảng 166.800 ha….
Đáng chú ý, Bộ NN&PTNT hỗ trợ hoạt động chuyển đổi số cho các HTX nông nghiệp, như tập huấn nâng cao nhận thức cho trên 1.400 cán bộ quản lý và thành viên HTX nông nghiệp ứng dụng phần mềm nhật ký sản xuất FaceFarm; Triển khai sàn giao dịch điện tử tiêu thụ sản phẩm cho HTX (thị trường xuất khẩu) sử dụng công nghệ blockchain (giúp dữ liệu không thể thay đổi, minh bạch quy trình, thông tin của sản phẩm); Xây dựng và quản lý thông tin, dữ liệu vùng nguyên liệu (Xây dựng và áp dụng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu vùng nguyên liệu (cây ăn quả, gỗ rừng trồng, cà phê, trái cây, lúa gạo)…
Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, quan điểm của Bộ NN&PTNT là quan tâm bao nhiêu nông dân trong khu vực HTX, càng nhiều nông dân tham gia vào HTX thì càng nhiều hộ được hưởng từ các chương trình hỗ trợ, trong đó có chiến lược phát triển bền vững.
“Nếu bình thường, HTX sinh ra là sửa đổi khiếm khuyết của thị trường, nhưng ở châu Á cứ 30-40 năm lại có một thế hệ HTX. HTX là công cụ phát triển nông nghiệp bền vững, khắc phục được công nghệ, vốn, thị trường…”, ông Thịnh nhấn mạnh. Đồng thời khẳng định, HTX tập hợp nông dân lại để tham gia vào thị trường, chứ nông dân không cạnh tranh với nhau.
Phát triển nông nghiệp bền vững không còn là vấn đề khuyến khích, mà trở thành yêu cầu bắt buộc
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đánh giá cao việc tổ chức Diễn đàn “Phát triển mô hình kinh tế HTX thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững”, là dịp để tuyên truyền xu hướng chính sách, ích lợi của sản phẩm nông nghiệp bền vững, khuyến khích sử dụng sản phẩm nông nghiệp bền vững tại Việt Nam.
Theo Vụ Thị trường trong nước, sản xuất xanh, xuất khẩu xanh, tiêu dùng xanh… đã và đang trở thành xu hướng phát triển trên toàn cầu. Tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Hoa Kỳ, Châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…, người tiêu dùng ngày càng có xu hướng quan tâm nhiều việc bảo vệ môi trường bên cạnh chất lượng và giá cả sản phẩm. Tại các quốc gia phát triển này đã và đang triển khai chương trình phát triển xanh, khung pháp lý để nhập khẩu hàng hóa của các nước phải bảo đảm sản xuất xanh.
|
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) |
Bà Lê Việt Nga dẫn ví dụ như thị trường châu Âu (EU) - khu vực vốn được mệnh danh là thị trường tiềm năng nhưng rất khó tính, đang có xu hướng dịch chuyển rất mạnh sang tiêu dùng xanh, sạch, đòi hỏi đáp ứng các yêu cầu về kiểm dịch động thực vật, các quy tắc về truy xuất nguồn gốc, các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và quy trình đóng gói, vận chuyển.
Các yêu cầu hết sức khắt khe của thị trường EU mới được cập nhật và phổ biến rộng rãi đến cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam bao gồm: Hướng dẫn 79/117/EEC của Ủy ban châu Âu (EC), dư lượng thuốc bảo vệ thực vật được phép tồn dư trên sản phẩm nhập khẩu vào EU rất thấp, gần như bằng 0; Quy định không gây mất rừng (EUDR) được EC thông qua ngày 16/5/2023; Các yêu cầu cầu nhà xuất khẩu phải tuân thủ các đạo luật về Thỏa thuận xanh châu Âu, Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM)…
“Với nền kinh tế định hướng về xuất khẩu như Việt Nam, việc chuyển đổi xanh của các HTX, doanh nghiệp được xem là tất yếu và sống còn”, bà Nga nhấn mạnh.
Theo bà Nga, có thể thấy, phát triển nông nghiệp bền vững giờ đây không còn là vấn đề khuyến khích, mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc của nhiều thị trường xuất khẩu. Vì vậy, nếu Việt Nam muốn tận dụng được cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do để tăng kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản vào các thị trường có yêu cầu cao như EU thì không thể không quan tâm đến các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững.
Đối với thị trường trong nước, bà Nga cho biết, trong 15 năm gần đây, xu hướng tiêu dùng các sản phẩm xanh, thân thiện môi trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng ngày càng nhận được sự quan tâm của xã hội.
Theo điều tra của Công ty NielsenIQ năm 2023, theo thời gian, người tiêu dùng ngày càng coi trọng yếu tố bền vững, thân thiện môi trường khi mua sắm với 55% người được khảo sát coi yếu tố này là rất quan trọng và 37% coi là quan trọng.
Trước tình hình trên, Bộ Công Thương đã triển khai thí điểm các mô hình, hàng hóa được phân phối trong các hệ thống hiện đại luôn được doanh nghiệp phối hợp với các nhà cung ứng, trong đó có các liên minh HTX, HTX, hộ nông dân cùng nỗ lực kiểm soát nhằm đảm bảo đáp ứng các tiêu chí về hồ sơ chứng từ, quy trình sản xuất, trồng trọt, đặc biệt là nông sản được kiểm tra an toàn thực phẩm để đảm bảo chất lượng trước khi đến tay người tiêu dùng.
Cùng với sự phát triển của các chuỗi siêu thị, các kênh hiện đại, các chợ truyền thống cũng từng bước có sự thay đổi, nâng cấp để phù hợp với xu hướng phát triển. Trong thời gian qua, tại 63/63 tỉnh thành phố đã xây dựng và nhân rộng mô hình thí điểm chợ kinh doanh thực phẩm. Tới nay, trên cả nước đã có gần 200 mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm. Tiêu chí chợ an toàn thực phẩm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là một trong các tiêu chí để xét công nhận xã nông thôn mới nâng cao thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Để phát triển sản phẩm nông nghiệp bền vững ở Việt Nam, Bộ Công Thương cho biết đang phát triển và kết nối hệ thống chợ đầu mối nông sản thành các đầu mối logistics, dịch vụ tổng hợp và cung ứng đầu vào cho sản xuất nông nghiệp; Nâng cao năng lực cho các tổ chức và cá nhân trong truy xuất nguồn gốc, ghi nhãn xuất xứ sản phẩm lương thực thực phẩm; Tăng cường các hoạt động thương mại điện tử, quảng bá, kết nối thị trường tiêu thụ lương thực thực phẩm theo chuỗi giá trị với các kênh thương mại điện tử, mạng xã hội...
Tuy vậy, đại diện Vụ Thị trường trong nước cũng cho rằng, cần các giải pháp tổng thể để hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế thúc đẩy phát triển bền vững, trong đó có phát triển bền vững nông nghiệp; Thực hiện quản lý năng lượng, giảm khí nhà kính, quản lý các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm bằng cách áp dụng mô hình sản xuất theo các tiêu chuẩn xanh đã được chuẩn hóa; Thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết giá trị, chuỗi giá trị sản phẩm bền vững, từ sản xuất đến thu mua - chế biến - bảo quản - tiêu thụ theo các tiêu chuẩn do thị trường đề ra, trong đó “có vai trò quan trọng của Liên minh HTX Việt Nam và các HTX đóng góp vào mục tiêu xây dựng nền kinh tế xanh và nước Việt Nam thịnh vượng”, bà Nga nhấn mạnh.
Tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn để HTX phát triển bền vững
Ông Trần Khánh, Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank) nhận định, mô hình kinh tế HTX có vai trò, vị trí quan trọng trong việc giải quyết việc làm, đảm bảo đời sống cho đông đảo người lao động.
HTX đóng vai trò là trung gian đầu mối, giúp cho các hộ sản xuất nhỏ tham gia vào chuỗi giá trị; cải thiện trình độ sản xuất, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao và có thể kiểm soát rủi ro trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
|
Ông Trần Khánh, Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank) |
Trên góc độ quản lý vĩ mô, HTX góp phần giải quyết vấn đề an ninh lương thực, tạo sự ổn định về chính trị - xã hội, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế trong hội nhập quốc tế.
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy đến cuối năm 2022, dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng đối với HTX, liên hiệp HTX đạt 6.316 tỷ đồng, với gần 1.200 HTX, liên hiệp HTX còn dư nợ. Tổng dư nợ của HTX, liên hiệp HTX mới chỉ chiếm 0,26% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế. Và với 1.200 HTX, liên hiệp HTX còn dư nợ thì chỉ chiếm 0,5% số lượng HTX, liên hiệp HTX. Ông Khánh cho rằng đây là một tỷ lệ khiêm tốn so với quy mô và đóng góp của loại hình kinh tế này.
Còn theo khảo sát của hệ thống Liên minh HTX thì chỉ có khoảng 10% số HTX được vay vốn của các Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX trung ương và địa phương; 0,5% số HTX tiếp cận được vốn vay của các tổ chức tín dụng, riêng các HTX nông nghiệp, tỷ lệ này còn thấp.
Do vậy, BacABank nhận thấy việc tiếp cận vốn của các HTX, liên hiệp HTX và các thành viên chưa tương xứng với quy mô và vai trò, đóng góp của HTX đối với nền kinh tế Việt Nam.
Ông Khánh cho hay, theo tìm hiểu của BacABank nói riêng và đánh giá chung của các tổ chức tín dụng thì việc tiếp cận vốn của HTX, liên hiệp HTX và các thành viên còn hạn chế. Nguyên nhân là do phương án sản xuất, kinh doanh khi đề xuất vay vốn chưa mang tính khả thi. Cùng với đó, năng lực tài chính, vốn tự có, phương tiện sản xuất, cơ sở vật chất… của HTX còn chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế, chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất, kinh doanh hiện nay.
Ngoài ra, các HTX thường không có tài sản bảo đảm khi vay vốn, một số ít HTX được thành viên dùng tài sản thế chấp để đảm bảo cho khoản vay, tuy nhiên giá trị thấp. Liên kết trong sản xuất của các HTX còn chưa tương xứng với số lượng, quy mô của HTX hiện nay.
Bên cạnh đó, việc hình thành các chuỗi liên kết sản xuất gắn từ đầu vào - sản xuất - tiêu thụ sản phẩm vẫn còn chưa thật sự lớn mạnh. Hiện cũng chưa có đầy đủ hệ thống sổ sách, báo cáo để đánh giá hiệu quả hoạt động.
Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp chia sẻ, BacABank đang hướng đến các khách hàng phát triển bền vững, tập trung đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và an sinh xã hội như nông - lâm - ngư - nghiệp, dược liệu sạch,… là ngân hàng phục vụ tư vấn cho các khách hàng ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, nông thôn và các ngành phụ trợ cho nông nghiệp.
Vì vậy, thời gian qua, BacABank cũng đã nghiên cứu và xây dựng các gói sản phẩm, dịch vụ ngân hàng chuyên biệt cho từng loại hình HTX để cung cấp một cách linh hoạt các ưu đãi về lãi suất và thủ tục, phương thức giải ngân, thanh toán…; Đồng thời, ngân hàng còn là đầu mối kết nối, tư vấn về năng lực quản trị, khả năng áp dụng khoa học công nghệ giúp các HTX phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao.
Điển hình như “Sản phẩm cấp tín dụng cho HTX, Liên hiệp HTX” với những điều kiện về cấp tín dụng, Hồ sơ cấp tín dụng, điều kiện về tài sản bảo đảm phù hợp với đặc thù của HTX, liên hiệp HTX của Việt Nam.
Bên cạnh đó, với tính chất đa dạng về ngành nghề kinh doanh của loại hình kinh tế HTX tại Việt Nam, BacABank cũng đã triển khai các sản phẩm cấp tín dụng cho đối tượng bao gồm HTX hoạt động trong các ngành mà HTX Việt Nam hoạt động lớn mạnh như: Gạo, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cà phê, sản phẩm tài trợ nhà cung cấp - là sản phẩm hướng tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ nói chung và HTX nói riêng trong chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn TH…
Song song với đó, BacABank có mạng lưới các chi nhánh phủ kín các địa bàn có mô hình HTX mạnh như: Hà Giang, Lạng Sơn, Yên Bái, Điện Biên, Lào Cai, Hoài Đức (Hà Nội), Hòa Bình, Sơn La, Nghệ An, Đà Lạt (Lâm Đồng), Cà Mau, Kiên Giang…
BacABank cũng liên tục đào tạo cho cán bộ tại các đơn vị để hiểu về hoạt động của HTX.
Đối với mảng khách hàng cá nhân, BacABank tiếp tục nghiên cứu để tài trợ cho các thành viên thông qua các HTX trồng dược liệu, gia công chế biến nguyên liệu cho các sản phẩm của Tập đoàn TH; đồng thời triển khai các sản phẩm tín dụng cá nhân tuỳ biến cho người nông dân như Cho vay sản xuất nông nghiệp trồng rau củ quả, Cho vay trồng và chăm sóc cây công nghiệp....
Để đạt được mục tiêu đồng hành cùng HTX, ông Trần Khánh đề xuất cơ quan quản lý HTX cần có chính sách hỗ trợ và tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo cho cán bộ quản lý, thành viên làm công tác chuyên môn, kỹ thuật, tập trung vào các chuyên đề: Kỹ năng quản lý, điều hành HTX; Nâng cao năng lực lãnh đạo của HTX.
Đồng thời, tập huấn tìm hiểu về cách thức và quy trình vay vốn ngân hàng; Các kiến thức cơ bản trong vay vốn ngân hàng cho các HTX. “BacABank sẽ đồng hành phối hợp”, ông Khánh khẳng định.
Bên cạnh đó, đại diện BacABank kiến nghị, cần có các buổi kết nối hội thảo, diễn đàn để ngân hàng tham gia cùng các hiệp hội, liên hiệp HTX nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình tiếp cận vốn của HTX.
Những kinh nghiệm quý từ chuyển đổi nông nghiệp xanh của Hà Lan
Bà Lê Thị Thu Hiền, Giám đốc Agriterra Việt Nam cho biết, Hà Lan tự hào có nền nông nghiệp phát triển, với dân số 17 triệu người nhưng đứng thứ 2 về xuất khẩu nông sản sau Hoa Kỳ. Đây là quốc gia đứng thứ 4 trên thế giới về các sáng tạo nông nghiệp, hiện có 51 nghìn trang trại, với quy mô doanh thu trung bình 600.000 USD/năm.
Hà Lan đã có 150 năm phát triển HTX, chiếm 86% phần trong nông nghiệp, hiện tại có nhiều HTX phát triển mạnh mẽ, có công ty nằm trong HTX.
Theo bà Hiền, Hà Lan cũng phải đối mặt với thời tiết khắc nghiệt, và biến đổi khí hậu.
|
Bà Lê Thị Thu Hiền, Giám đốc Agriterra Việt Nam. |
Chính phủ Hà Lan đã đặt mục tiêu 2030, tất cả các tổ chức nông nghiệp trong đó có HTX ứng phó biến đổi khí hậu; Chiến lược chính sách nông nghiệp của Hà Lan là tăng diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ…
Các HTX tại Hà Lan hiện nay cũng đã ứng dụng sản xuất xanh, thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu. Điển hình là công ty FrieslandCampia, gần như toàn bộ trang trại nuôi bò sữa là thành viên HTX. Đáng chú ý, HTX có chiến lược nuôi dưỡng hành tinh xanh với 100% các trang trại vận hành bằng năng lượng gió, năng lượng mặt trời; Đồng thời, HTX triển khai đồng cỏ đa dạng sinh học…
Từ những mô hình chăn nuôi xanh giúp HTX, thành viên, nông dân có thu nhập tốt hơn để duy trì hoạt động kinh doanh lành mạnh và phát huy sáng kiến.
Đồng thời, người tiêu dùng cá nhân, các đơn vị phân phối, ngành công nghiệp thực phẩm cần trân trọng giá trị của thực phẩm, tránh tạo ra rác thải.
|
Ông Võ Văn Vang, Giám đốc Vùng nguyên liệu An Giang - Tập đoàn Lộc Trời. |
Ông Võ Văn Vang, Giám đốc Vùng nguyên liệu An Giang cho biết, Tập đoàn Lộc Trời đang làm việc với bà con nông dân, HTX trên toàn Việt Nam. Với sứ mệnh cùng nông dân phát triển bền vững, 5 điểm trọng tâm của Lộc Trời là: kinh doanh vật tư nông nghiệp, kinh doanh giống, cơ giới hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp, lương thực, nghiên cứu giống.
Trong thời gian qua, Lộc Trời có thành công bước đầu là tổ chức vùng nguyên liệu với quy mô 300.000 ha ở Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên…, làm việc với 100 liên hiệp, HTX.
“Lộc Trời cùng địa phương thành lập 5 liên hiệp HTX, tiên phong cam kết với các tỉnh điều hành liên hiệp, HTX. Lộc Trời sẽ trả lương để các thành viên quản lý và cam kết thu mua toàn bộ nguyên liệu, xây dựng hiệu quả kinh doanh”, ông Vang thông tin.
Thêm vào đó, Lộc Trời thực hiện mô hình bền vững từ năm 2018. Trong đó, doanh nghiệp thực hiện cánh đồng không dấu chân, lúa hữu cơ, lúa mùa nổi, đem lại lợi ích cho nông dân, giảm phát thải. Lộc Trời cũng cơ giới hóa toàn bộ vùng nguyên liệu, tự đầu tư 200 máy nông nghiệp, máy bay không người lái phục vụ vùng nguyên liệu liên kết với nông dân.
Đặc biệt, Lộc Trời đang thực hiện chuyển đổi số, số hóa thực hiện trên điện thoại thông minh từ ký hợp đồng sản xuất, đặt hàng vật tư nông nghiệp, xác định giá bán.
Ngoài ra, Lộc Trời liên kết với ngân hàng để cấp vốn, đầu tư sản xuất, thu mua lúa, thông qua hợp đồng liên kết sản xuất để bà con nông dân vay tín chấp.
Để phát triển bền vững, Lộc Trời đang đồng hành với chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao, đã ký cam kết với 4 tỉnh An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, nhưng còn nhiều việc phải làm. Vì vậy, Tập đoàn kiến nghị các bộ ngành hỗ trợ kết nối với địa phương khác, đồng hành với dự án.
Thứ hai, Lộc Trời không thể một mình liên kết với nông dân, HTX mà cần sự ủng hộ lớn về chủ trương, đường lối, hỗ trợ của các cấp địa phương.
Thứ ba, Lộc Trời đang liên kết với gần 100 HTX, có những HTX đủ mạnh nhưng cũng có HTX chưa tương xứng. Vì vậy, cần nâng tầm, kết nối liên kết HTX để thực hiện thành công vùng nguyên liệu.
Bên cạnh đó, Lộc Trời cũng đẩy mạnh công tác đào tạo nhân sự. Tuy nhiên, doanh nghiệp rất mong sự hỗ trợ của các Bộ ngành tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực cho các HTX.
Về chính sách đặc thù, Lộc Trời tâm đắc với 2 chính sách đã ban hành về hỗ trợ liên kết, kết nối với địa phương nhưng việc giải ngân, thủ tục nhiêu khê. Thực tế, hiện HTX và nông dân được giải ngân chỉ đếm trên đầu “ngón tay”. Theo đó, Lộc Trời mong muốn các các bộ ngành tháo gỡ nút thắt này.
Cũng liên quan tới tín dụng, Lộc Trời đã tìm đến các ngân hàng, làm sao cung cấp tín dụng thông qua chuỗi liên kết, cho vay dựa trên tín chấp.
“Hiện nay, để mua lúa được thì phải dùng tài sản thế chấp. Nhưng vùng nguyên liệu 300ha lớn nên không đủ tài sản để vay vốn”, ông Võ Văn Vang chia sẻ.
TikTok đồng hành cùng nông dân, HTX
Theo ông Nguyễn Lâm Thanh, CEO TikTok Việt Nam, năm 2022, TikTok triển khai nền tảng thương mại điện tử cho phép người dùng bán trực tiếp sản phẩm và nhà sản xuất có thể bán hàng trực tiếp trên nền tảng. Hiện nay, mỗi ngày có trên 1 triệu đơn hàng, mô hình phù hợp với quy mô của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ, các HTX.
Hiện, TikTok triển khai hàng loạt chương trình hỗ trợ cho các sản phẩm vùng nông thôn nói riêng, trong đó có khu vực HTX. Điển hình, TikTok đã làm chương trình giới thiệu các sản phẩm OCOP.
|
Ông Nguyễn Lâm Thanh, CEO TikTok Việt Nam. |
“Sản phẩm OCOP được Chính phủ đầu tư và tuyên truyền nhiều nhưng số lượng người biết đến còn rất hạn chế. Cách đây một năm, TikTok đã chạy từ khoá OCOP - đặc sản Việt Nam trên nền tảng để các chủ thể giới thiệu sản phẩm OCOP của mình”, ông Thanh cho hay. Trong 6 tháng vừa rồi có hơn 10.000 video giới thiệu về các sản phẩm OCOP với hơn 1 tỷ lượt xem.
“Đây là một con số rất lớn, trong thời gian ngắn”, ông Thanh nhận xét.
Cũng theo CEO Tik Tok Việt Nam, nhiều chủ thể OCOP đã trở thành những nhà bán hàng thành công. Điển hình, tại HTX Ba khía Đầm Dơi (Cà Mau), sau khi giới thiệu cách ăn ba khía trên nền tảng Tik Tok, mỗi ngày HTX bán hết tất cả các sản phẩm của HTX đã được sản xuất. Hiện nay, HTX đang xây kho để mở rộng thêm.
Tương tự, HTX Vườn nhà Đà Lạt giới thiệu rau củ quả tươi sống ở Đà Lạt trên nền tảng TikTok, đến nay mỗi tháng HTX bán được 1,6-2 tỷ đồng rau củ quả tươi.
Doanh nghiệp mong không chỉ hình thành một HTX xanh, mà cần hình thành vùng sản xuất xanh
Ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam cho biết, doanh nghiệp chuyên xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp, trong đó chủ lực là vải thiều đưa sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, EU…
Để xuất khẩu sang thị trường khó tính, điều đầu tiên là doanh nghiệp phải phát triển vùng nguyên liệu sạch. Tuy nhiên, việc phát triển cũng không hề dễ.
“Giai đoạn đầu rất khó khăn. Bình thường, bà con sản xuất bao nhiêu, thương lái đóng hàng ngay vườn để xuất khẩu sang Trung Quốc, nhưng giờ buộc phải chuyển hướng sản xuất, ký kết hợp đồng với doanh nghiệp”, ông Tiến nói.
|
Ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam. |
Theo đó, doanh nghiệp phải đồng hành cùng với bà con nông dân, HTX chuyển đổi quy trình sản xuất. Đầu tư xanh là một khoản đầu tư cho tương lai không phải khoản chi phí, bởi bà con dùng phân bón hữu cơ để tiết kiệm chi phí.
“Chúng tôi nói với bà con rằng tham gia giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích tăng, doanh nghiệp cam kết thu mua 10-20% giá trị, ứng trước một phần phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Doanh nghiệp đồng hành cùng bà con đưa ra sản phẩm bền vững, xanh”, Chủ tịch Ameii cho biết.
Thêm vào đó, doanh nghiệp, HTX phát triển xanh nhưng vùng xung quanh không chuyển đổi thì sản phẩm không đồng đều nên cần sự chung tay của cấp chính quyền, địa phương.
Theo ông Tiến, doanh nghiệp rất vất vả mới tìm được nguồn hàng. Sản phẩm vải thiều, cà rốt có những thời điểm không tìm được vùng nguyên liệu. Do vậy, “chúng tôi mong muốn không chỉ hình thành một HTX, mà cần hình thành vùng sản xuất xanh đồng bộ, ông Tiến nói.
Chủ tịch Ameii bày tỏ mong muốn doanh nghiệp đi đâu cũng có nông sản xuất khẩu được, chứ không phải đi đâu cũng phải test. Có thời điểm, công ty phải test 5 lần mới tin tưởng để xuất khẩu sản phẩm.
Liên quan tới nguồn vốn, doanh nghiệp cũng gặp khó khăn là chu kỳ từ khi hỗ trợ vật tư đầu vào cho bà con để xây dựng vùng liên kết đến thu hoạch kéo dài 9 – 10 tháng. Vì vậy, doanh nghiệp rất mong được ngân hàng tạo điều kiện cho vay với lãi suất ưu đãi, từ đó doanh nghiệp mở rộng liên kết.
Khó khăn của HTX là đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử
Bà Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp Bản Dao (Hòa Bình) bày tỏ rất vui khi được tham dự Hội nghị. HTX được thành lập với mục đích phát triển mô hình kinh tế bền vững, tạo việc làm, bao tiêu sản phẩm làm ra cho người lao động. HTX còn tham gia triển khai nghiên cứu, bảo tồn cây dược liệu, cây gỗ quý hiếm.
|
Bà Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp Bản Dao (Hòa Bình) |
Hơn nữa là thành viên của Liên minh HTX Việt Nam, HTX được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, tập huấn kiến thức về phát triển KTTT, tham gia hội chợ thương mại…
Chình vì vậy, HTX có sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 4 sao. Ngoài ra, nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn thực phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cụ thể, năm 2020, HTX được Liên minh HTX Việt Nam hỗ trợ phát triển sản phẩm tinh dầu sả, đạt doanh thu cao, tăng lợi nhuận cho thành viên từ 10-12%..
HTX nông nghiệp Bản Dao còn phát triển các sản phẩm chế biến sâu như sữa rửa mặt thảo dược, dung dịch vệ sinh từ thảo dược…
Tuy vậy, bà Bình chia sẻ khó khăn lớn nhất đối với các HTX hiện tại đó là công nghệ số, đưa sản phẩm lên sàn thương mại gặp phải khó khăn. Với người nông dân thì việc cập nhật thông tin này hơi chậm, nghèo về kiến thức.
Thêm vào đó, Chủ tịch HTX Bản Dao cũng bày tỏ mong muốn được vay vốn ưu đãi, với thời gian dài hơn để vững bước trên con đường phát triển bền vững.
HTX mong có sự đồng hành, hỗ trợ trong phát triển nông nghiệp bền vững
Ông Hoàng Văn Thám, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc HTX rau quả sạch Chúc Sơn (Hà Nội) cho biết, HTX hướng đến nền sản xuất xanh. Tuy nhiên, hiện nay, HTX gặp khó khăn là thay đổi nhận thức cho người nông dân, nhưng khó khăn lớn hơn đó là thay đổi nhận thức cho đội quản lý.
“Để người nông dân tiếp cận chính sách và thay đổi nhận thức sản xuất xanh, sạch như thế nào cần quá trình. Hiện, HTX đang hợp tác với các tổ chức quốc tế như JICA để tạo môi trường xử lý phụ phẩm công nghiệp cũng như tạo mô hình công nghệ sinh thái. Tuy nhiên, dù đã diễn ra nhiều cuộc trao đổi, tập huấn nhưng hiệu quả chưa được cải thiện”, ông Thám nói.
|
Ông Hoàng Văn Thám, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc HTX rau quả sạch Chúc Sơn (Hà Nội). |
Khó khăn tiếp theo được lãnh đạo HTX rau quả sạch Chúc Sơn nhắc đến đó là nguồn nhân lực. Hiện, HTX có 7 kỹ sư, nhưng nguồn nhân lực vẫn khó khăn. Bởi, HTX mời các bạn trẻ về làm việc rất khó. Ví dụ lĩnh vực marketing hay nhân viên kinh doanh, HTX sẵn sàng trả lương 10 triệu/tháng nhưng vẫn khó thu hút được lao động.
Thậm chí, ông Thám cho biết, thu hút nhân lực trình độ phổ thông cũng không dễ dàng. Hiện, HTX có 30 công nhân nhưng vẫn thiếu nên có thời điểm công nhân phải làm đến 12-14 tiếng/ngày để đủ sản phẩm cung cấp cho thị trường.
Ngoài ra, việc tích tụ đất đai và phát triển hạ tầng cũng gặp khó. “HTX tự bỏ tiền ra để làm đường bê tông vào khu sản xuất. Tuy nhiên, có nhiều công trình địa phương bỏ không, HTX có thể tham gia quản lý các công trình này nhưng nhận thức của lãnh đạo địa phương để giao các công trình này cho HTX quản lý lại là cả vấn đề, nên cần sự vào cuộc của Liên HTX Việt Nam và Liên HTX TP Hà Nội”, ông Thám kiến nghị.
Mặt khác, các HTX cũng đang rất khó khăn về nguồn vốn để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Từ những khó khăn trên, ông Thám kiến nghị Liên minh HTX Việt Nam tạo cuộc vận động sâu rộng nhằm thay đổi nhận thức cho khu vực HTX về phát triển nông nghiệp bền vững, tăng trưởng xanh.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách thực chất hỗ trợ cho các HTX. “Thực tế, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho các HTX, nhưng xuống địa phương và HTX với nông dân đã “rơi rớt””, ông Thám cho hay.
Ngoài ra, cần có cơ chế phát triển nguồn nhân lực cho các HTX, nếu thiếu nguồn nhân lực thì HTX sẽ không phát triển được, nguồn nhân lực quyết định sự thành bại đi lên của HTX.
Song song với đó, “thuyền trưởng” HTX rau quả sạch Chúc Sơn kiến nghị cần có chính sách thúc đẩy công nghệ cho HTX. “Hiện nay, chúng tôi đã ứng dụng công nghệ 4.0 trích xuất nguồn gốc, nhưng vẫn mong Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX TP Hà Nội giới thiệu các đơn vị uy tín về quản trị HTX, kế toán… để hỗ trợ phát triển HTX”.
Đồng thời, ông Thám kiến nghị hỗ trợ cho các HTX tiếp cận các quỹ phát triển công nghệ, khuyến nông, tín dụng…
Theo: Thuý Hoa(VnBusiness)