Theo đánh giá của Kantar Worldpanel Việt Nam, niềm tin của người dân đối với triển vọng kinh tế tương lai có sự suy giảm, do tác động của những thông tin về thiệt hại kinh tế nặng nề của siêu bão Yagi.
Đề cao yếu tố an toàn
Ngoài ra, xu hướng của người Việt dần thay đổi khi chú trọng ăn Tết gọn nhẹ, đơn giản hóa thủ tục ngày Tết, dành nhiều thời gian nghỉ ngơi và giảm tụ họp.
Điều này cho thấy, áp lực cạnh tranh trong kinh doanh hàng hóa, thực phẩm của các HTX trên thị trường sẽ gia tăng, cơ hội tiếp cận khách hàng cũng có phần hạn chế hơn.
Nhìn vào thực tế mua sắm và nhu cầu của người tiêu dùng thời gian gần đây có thể thấy, những nông sản, hàng hóa chú trọng đến yếu tố sức khỏe hoặc những mặt hàng thiết thực như gạo, gia vị, rau xanh, trái cây, dầu ăn, mì gạo… đang thu hút sự quan tâm mua sắm của người tiêu dùng hơn các mặt hàng như nước ngọt, bia rượu…
Điều này được giới chuyên gia nhận định rằng xu hướng thị trường hiện nay chú trọng đến chất lượng hàng hóa, thực phẩm. Mà một trong những yếu tố nói lên chất lượng của hàng hóa, thực phẩm đó chính là yếu tố an toàn.
Tức là chưa rõ sản phẩm ngon hay chưa hợp khẩu vị thế nào nhưng hàng hóa làm ra phải an toàn. Dù sản phẩm của HTX ngon nhưng mất an toàn là không bảo đảm được chất lượng. Việc mất an toàn có thể ở mức cấp tính-nhiễm độc sẽ khiến người dùng có biểu hiện về sức khỏe ngay hoặc mức độ tích tụ, gây bệnh sau một thời gian dài sử dụng.
|
Ông Nguyễn Văn Khương, Giám đốc HTX Khánh Phát cho rằng vì HTX đi theo con đường sản xuất nông đặc sản địa phương nên cần tuân theo công thức nhất định. |
Thông thường, sản phẩm của HTX làm ra thường có các mối nguy từ kim loại nặng. Trong đó, theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm thì riêng Asen là tuyệt đối không được có. Ngoài ra, một số thực phẩm quy định kim loại Đồng phải nhỏ hơn 5mg%, Thiếc chỉ ở trong khoảng 200mg% (100 gam thực phẩm thì lượng Đồng không được lớn hơn 5mg% và lượng Thiếc không được lớn hơn 200mg%).
Do đó, theo giới chuyên gia, khi HTX sản xuất thực phẩm, cần nghiên cứu để đảm bảo được các quy định về kim loại nặng hoặc tốt nhất là loại bỏ hoàn toàn kim loại nặng vì đây đều là độc tính tích lũy theo thời gian, không thải ra ngoài cơ thể ngay được. Và những kim loại này thường xuất phát từ nước, thực phẩm sản xuất trên vùng đất-vùng nước bị nhiễm.
Đó là lý do mà ở Nhật Bản, người dân ở quốc gia này chỉ ăn cá nước ngọt trong hồ nuôi có chứng nhận chứ không ăn cá tự nhiên. Theo ông Trần Ngọc Khiêm, Giảng viên kỹ thuật thực phẩm Công nghệ chế biến lương thực Đại học nông lâm, Đại học Huế, người Nhật tin tưởng vào giấy tờ, chứng nhận pháp lý. Ngoài ra, có giai đoạn người Nhật Bản phát triển công nghiệp mạnh mẽ, vấn đề nước thải công nghiệp đổ ra ao hồ rất nhiều nên chính họ hiểu được vấn đề bảo đảm chất lượng thực phẩm cần làm gì.
Ngay như các động vật hoang dã, người Nhật Bản và người dân châu Âu được đào tạo rằng, những vật nuôi này không kiểm soát được quá trình nuôi nên nó ăn gì, mức độ nhiễm độc ra sao họ không biết nên tốt nhất không sử dụng.
Chính vì vậy, nếu muốn vươn ra “biển lớn”, các HTX cần đặc biệt lưu ý điều này. Không phải tất cả những sản phẩm trong rừng, trong tự nhiên đều ngon, quý, an toàn vì đang thiếu các cơ sở khoa học chứng minh.
Ngoài ra, sản phẩm an toàn là đồng nghĩa với việc không nhiễm hóa chất độc hại như thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt côn trùng, dung môi hóa học, các hợp chất có chứa HCN.
“Nhiều đơn vị hiện nay sản xuất và chế biến cá nóc. Nhưng một điều cần đặc biệt quan tâm đó là chất độc bên trong cá nóc là là tetrodotoxin được tạo bởi các vi khuẩn cộng sinh trên cá. Chất độc này không bị phá hủy bởi nhiệt độ khi đun sôi hay chế biến bằng cách phơi khô”, ông Trần Ngọc Khiêm cho biết.
Quan tâm giá trị dinh dưỡng
Ngoài yếu tố an toàn, sản phẩm của HTX muốn thu hút được khách hàng trong giai đoạn hiện nay cần đặc biệt quan tâm đến giá trị dinh dưỡng. Bởi trước đây, thực phẩm hàng hóa thường phục vụ nhu cầu ăn no, chống suy dinh dưỡng nên cần những thực phẩm siêu dinh dưỡng. Nhưng nay, người tiêu dùng chú trọng ăn để bảo vệ sức khỏe. Nhiều người quan niệm thực phẩm cũng là thuốc nên yêu tố dinh dưỡng cần đảm bảo “đủ”.
Ngay như nước mắm, không phải độ đạm càng cao thì càng tốt. Chỉ những khách hàng thiếu hiểu biết mới sử dụng những loại nước mắm có độ đạm cao từ 60% trở lên. Vì hiện nay bằng công nghệ, đơn vị sản xuất có thể bổ sung độ đạm cho nước mắm. Nhưng tìm hiểu nhu cầu khách hàng hiện nay cho thấy, nhiều người tiêu dùng lại quan tâm chính là nước mắm có độ đạm vừa phải nhưng phải thơm ngon, đúng mùi vị.
“Không phải cứ đầu tư công nghệ hiện đại hàng chục, hàng trăm tỷ là có thể cho chất lượng và giá trị dinh dưỡng trong nước mắm đúng chuẩn, được nhiều người ưa chuộng”, ông Lê Viết Hùng, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX nước mắm cá cơm nguyên chất Hải Đăng (Bà Rịa Vũng Tàu), cho biết.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Khương, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tổng hợp chăn nuôi và Thương mại Khánh Phát (Hà Nội), cho rằng sữa chua của các doanh nghiệp hiện nay nhờ đầu tư công nghệ nên có thể cho ra các dòng sữa chua khác nhau như sữa chua ít đường, sữa chua không đường. Nhưng sản xuất sữa chua đặc sản ở Ba Vì cũng phải có công thức riêng, trong đó đường phải đảm bảo tỷ lệ 11,5% thì con vi sinh vật mới có thể lên men, tạo thành sữa chua và sữa chua mới đông được.
Ngay như sản phẩm bánh sữa của HTX. Nếu trong quá trình sản xuất không cho đường thì thành phẩm sẽ bị bở như cơm nguội. “Trước kia tôi đã nghi ngờ một đơn vị làm bánh sữa xong có vị mặn nhưng sau khi áp dụng đúng công thức, sản phẩm bánh sữa đúng là có vị như vậy”, ông Nguyễn Văn Khương chia sẻ.
Điều này cho thấy, xét về mặt kinh tế, việc áp dụng công nghệ có thể giúp đa dạng sản phẩm, tiết kiệm chi phí nhưng với những HTX chú trọng công thức sản xuất truyền thống vẫn có được chỗ đứng nhất định trên thị trường, nhất là đối với người tiêu dùng có độ am hiểu về sản xuất và chế biến thực phẩm.
Theo: Huyền Trang(VnBusiness)