Tìm hướng đi, tháo gỡ khó khăn cho
các Hợp tác xã do ảnh hưởng dịch bệnh Covid -19
Thời gian qua, khu vực kinh tế tập thể, HTX đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh Hải Dương, bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch bệnh Covid -19. Sản xuất ngưng trệ, hàng hóa tồn đọng, doanh thu giảm sút, đời sống của các thành viên và người lao động trong các HTX đang gặp rất nhiều khó khăn.
Ngay sau khi tỉnh Hải Dương thực hiện nới lỏng các biện pháp chống dịch, thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị số 19 của Thủ tướng Chính phủ cho đến hết ngày 31-3 để phòng chống dịch Covid-19. Liên minh HTX tỉnh Hải Dương đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, nhằm tư vấn, hỗ trợ cho các HTX bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Ngoài những chương trình đã thực hiện như: kết nối tiêu thụ nông sản (rau, củ, quả, gà, cá, trứng vịt, gà…) Thường trực Liên minh HTX tỉnh đã chỉ đạo cho cán bộ triển khai rà soát, tổng hợp những khó khăn, thiệt hại của tất cả các đơn vị thành viên do dịch Covid-19 gây ra. Đồng thời thành lập các tổ công tác do Chủ tich, các Phó Chủ tich làm tổ trưởng, xuống các HTX tại các địa bàn bị ảnh hưởng của dịch bệnh, nắm bắt tình hình, gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo và các thành viên của các HTX thuộc các huyện, thị xã, thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19.
Điểm đến đầu tiên là HTXDVNN Đức Chính, huyện Cẩm giàng, tại buổi làm việc ông Nguyễn Đức Thuật Giám đốc HTX cho biết, hiện nay toàn xã có 430ha diện tích canh tác, chủ yếu chuyên canh cây rau màu, trong đó diện tích trồng cây cà rốt chiếm 95%, sản lượng hàng năm khoảng 13.000 tấn, chủ yếu là xuất khẩu thông qua các doanh nghiệp. Thời gian vừa qua do ảnh hưởng dịch Covid-19, lượng cà rốt tồn đọng tại kho là khá lớn do khâu vận chuyển qua cảng Hải Phòng bị hạn chế, nhưng đến thời điểm hiện tại đã lưu thông thuận lợi hơn, lượng tồn đọng giảm đáng kể. Cũng theo ông Thuật sắp tới HTX đưa vào vận hành dây chuyền thiết bị sơ chế phân loại rau, củ, quả và kho lạnh để đảm bảo tạm trữ nông sản ở chất lượng cao nhất, đáp ứng yêu cầu và tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Hệ thống dây chuyền thiết bị này nằm trong dự án sử dụng vốn ODA viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc “Hỗ trợ cơ sở chế và bảo quản nông sản tại Việt Nam”. Tại Hải Dương có Hợp tác xã DVNN Đức Chính và Hợp tác xã Tâm Minh đức, huyện Gia Lộc.
Điểm đến thứ 2 tổ công tác thăm và làm việc là Hợp tác xã DVNN Cẩm Đông, tại buổi làm việc ông Nguyễn Đức Bảng Phó Giám đốc HTX cho biết hiện nay diện tích canh tác giao cho HTX quản lý chỉ còn 245ha chủ yếu là lúa nước, thời gian tới diện tích bị thu hẹp còn lại không đáng kể, để nhường chỗ cho mở rộng Khu công nghiệp.
Chính vì vậy nhiều thành viên của HTX đã mạnh dạn chuyển đổi đất lúa sang lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác có hiệu quả hơn, tiêu biểu như mô hình nuôi gả đẻ trứng của ông Đào Hữu Thuân là một ví dụ: Với diện tích gần 10.000m2 chuồng trại ông Thuân nuôi trên 70.000 con gà đẻ trứng, bình quân mỗi ngày xuất ra thị trường khoảng 40.000 quả trứng, với giá bán 1.700đ/1 quả trừ hết chi phí thu lãi 8.000.000đ, quả là một khoản thu nhập không nhỏ đối với người chăn nuôi. Theo chia xẻ của ông Thuân thời điểm vừa qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sức tiêu thụ của thị trường giảm đáng kể, mặt khác giá cám chăn nuôi lại tăng cao, với giá bán trứng hiện tại chỉ đủ chi phí chứ không có lãi, vì vậy ảnh hưởng đến năng xuất và thu nhập, nhưng vẫn phải duy trì hoạt động, hy vọng trong thời gian tới tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, giúp các HTX nhanh chóng phục hồi, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho các thành viên và người lao động.
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hương, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh thăm trang trại nuôi gà đẻ trứng của ông Đào Hữu Thuân, xã Cẩm Đông, huyện Cẩm Giàng
Địa chỉ tiếp theo là HTX chăn nuôi Toàn Thắng, xã Đại Sơn, huyện Tứ kỳ, Ông Đoàn Văn Thung Giám đốc HTX cho biết, hiện tại HTX có 17 thành viên, với diện tích 30.000m2, trong đó có 10.000m2 chuồng trại chăn nuôi lợn, gà và 20.000m2 mặt nước nuôi trồng thủy sản…Từ đầu năm đến nay, việc sản xuất, kinh doanh của HTX gặp nhiều khó khăn, các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm giảm mạnh gần như bị hủy bỏ. Sản phẩm chỉ được tiêu thụ cầm chừng do các đơn vị tiêu thụ thực hiện nghiêm Chỉ thị 15;16 của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19. Do không có thị trường tiêu, lên sản lượng còn tồn động tương đối nhiều, như gà thương phẩm khoảng 12.000con; 7.000 gà đẻ trứng mỗi ngày cho ra 4.200 đến 4.500 quả chứng (hiện tại không cho ấp nở mà phải bán trứng). Đối với thủy sản tồn khoảng 40.000 tấn cá các loại, đã đến ngày xuất bán nhưng hiện tại chưa có thương lái nào đến mua, chỉ còn cách bán nhỏ lẻ tại chợ, đồng nghĩa với việc mất nhiều thời gian và phải gánh thêm chi phí thức ăn vật nuôi hàng ngày.
Một địa chỉ nữa mà tổ công tác ghé thăm đó là HTX thủy sản Lạc Dục, xã Hưng Đạo huyện Tứ Kỳ, gặp gỡ và trao đổi với Ông Nguyễn Văn Tưng, Phó Giám đốc HTX, chúng tôi được biết, hiện nay tổng diện tích sản xuất của HTX là 54ha chủ yếu nuôi cá là chính, sản lượng bình quân 50 tấn /1ha/1 năm, nếu thời điểm chưa bùng phát dịch, thì thu hoạch đến đâu tiêu thụ hết đến đó, nhưng thời điểm hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, giá cả giảm từ 15 đến 20%, nhưng tiêu thụ rất chậm. Mặt khác giá thức ăn chăn nuôi lại tăng, song để bảo đảm đời sống cho người lao động, HTX vẫn phải duy trì sản xuất và tự tìm thị trường tiêu thụ trong phạm vi hẹp, nhưng tình hình vẫn không được cải thiện nhiều.
Chia sẻ với những khó khăn của các HTX đã và đang bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 gây ra, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hương, chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Để tháo gỡ khó khăn cho các HTX đang bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19, hiện tại, Liên minh HTX tỉnh đang tích cực phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chính quyền các địa phương tổ chức rà soát hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX bị ảnh hưởng để xây dựng phương án cung ứng hàng hóa, định hướng sản xuất các sản phẩm phù hợp trong tình hình dịch đang diễn biến phức tạp. Đồng thời, đề nghị với cấp có thẩm quyền ban hành chính sách giảm lãi suất, giãn nợ, khoanh nợ đối với các HTX đang vay vốn để sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ HTX xúc tiến thương mại để tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, giúp các Hợp tác xã phục hồi sản xuất tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên và người lao động...
Đặng Văn Hiên