HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 30 NĂM NGÀY THÀNH LẬP LIÊN MINH HTX TỈNH HẢI DƯƠNG (05/11/1994 - 05/11/2024).
Tin tức- hoạt động
Cần 'cởi trói' khó khăn trong cấp mã số vùng trồng cho HTX
17/06/2022 09:58:49

Phải được cấp mã số vùng trồng thì nông sản của các HTX mới đủ điều kiện xuất khẩu. Thế nhưng, quá trình được công nhận mã số vùng trồng và bảo đảm chất lượng nông sản sau khi được chứng nhận vẫn còn là vấn đề gian nan.

HTX Dịch vụ nông nghiệp Sơn Thủy (Hòa Bình) có 34ha nhãn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP thì hiện đã có gần 19ha được cấp mã số vùng trồng. Nếu giá thị trường, HTX bán cho thương lái khoảng 8.000-9.000 đồng/kg thì khi được cấp mã số vùng trồng, nhãn được bán với giá cao hơn khoảng 4.000-5.000 đồng/kg.

Thời gian kéo dài

Hiệu quả khi xây dựng mã số vùng trồng đối với HTX đã thấy rõ. Tuy nhiên, từ thực tế cũng ghi nhận những khó khăn của các HTX trong quá trình xin cấp mã số vùng trồng.

Nhận thấy vai trò của việc cấp mã số vùng trồng trong việc mở rộng đầu ra cho hạt tiêu và các sản phẩm chế biến từ hạt tiêu, các thành viên HTX hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang (Bình Phước) đã sản xuất theo hướng hữu cơ, đáp ứng tiêu chuẩn về diện tích và đang làm hồ sơ xin chứng nhận mã số vùng trồng.

Ông Phạm Quang Chung, Giám đốc HTX, cho biết mã số vùng trồng hiện được giao cho địa phương chịu trách nhiệm quản lý. Quá trình xét hồ sơ theo các cấp bậc từ quận, huyện, thị xã cho đến tỉnh, thành phố nên thời gian kiểm tra, xét duyệt và công nhận mã số vùng trồng của HTX bị kéo dài.

Bên cạnh đó, việc cấp mã số vùng trồng phải được các HTX thực hiện theo từng năm. Điều này khiến HTX mất rất nhiều thời gian khi liên tục xin cấp lại chứng nhận, từ đó làm cho việc xuất khẩu, bàn giao đơn hàng bị ảnh hưởng.

16-56-42-10-43-57-imge00226-5672-1655281

Việc kiểm tra mã số vùng trồng sẽ được các nước thực hiện thường xuyên và nghiêm ngặt hơn so với 2 năm bị dịch bệnh vừa qua.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) cũng cho biết Bộ NN&PTNT đang giao khoảng 90% mã số vùng trồng cho địa phương chịu trách nhiệm quản lý. Tuy nhiên, vấn đề bất cập hiện nay là chính quyền một số địa phương chưa quan tâm đúng mức, chưa tạo ra nguồn lực tương xứng để hỗ trợ người dân, HTX, doanh nghiệp hoàn thiện việc cấp mã số vùng trồng.

Bên cạnh đó, Cục Trồng trọt đã ban hành quy định TCCS 774:2020/BVTV- cấp mã số vùng trồng và CCS 775: 2020/BVTV-cấp mã số cơ sở đóng gói, nhưng lại chưa có hướng dẫn cụ thể nên mỗi địa phương thẩm định, quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói một cách khác nhau, từ đó chưa tạo ra sự thống nhất và vô tình kéo dài thời gian cấp mã số cho các HTX, doanh nghiệp.

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, hiện nay đã có 4.000 mã số vùng trồng (300.000 ha), tại 50/63 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, việc cấp mã số vùng trồng mới chỉ tập trung ở một số loại nông sản, chưa đa dạng và chưa nhiều nên chưa đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu.

Bà Ngô Tường Vi, Phó Giám đốc Công Ty Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho biết, doanh nghiệp tuy đã tìm được vùng nguyên liệu bưởi da xanh được cấp mã số vùng trồng để liên kết xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ nhưng diện tích này vẫn còn khiêm tốn, chỉ tập trung ở một số HTX ở Bến Tre. “Điều này khiến chúng ta chưa tận dụng được thị trường tiềm năng trong xuất khẩu nông sản”, bà Vi nói.

Nâng chất lượng và bảo đảm diện tích

Song song với việc chậm cấp mã số vùng trồng, việc làm sao để bảo đảm chất lượng nông sản sau khi được cấp mã số cũng là vấn đề cần được quan tâm hiện nay. Bởi thực tế cho thấy, đã có nhiều lô hàng tại các địa phương, đơn vị được cấp mã số vùng trồng nhưng vẫn bị trả về trong quá trình thực hiện xuất khẩu.

Ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục BVTV cho biết từ năm 2021 đến 5/2022, Trung Quốc đóng cửa khẩu nên các nông sản của doanh nghiệp, HTX được đẩy mạnh xuất khẩu qua đường biển.

Tuy nhiên, chỉ tính riêng về quả chuối, trong năm 2021, Trung Quốc đã cảnh báo 2 lô có nhiễm dịch hại và Covid-19. Còn trong 5 tháng đầu năm 2022 đã có tới 127 lô hàng vi phạm dù được cấp mã số vùng trồng trước khi xuất khẩu.

"Có những sản phẩm từ vùng trồng được cấp mã số những vẫn không đạt chất lượng về kiểm dịch hoặc do phòng chống Covid-19 không có sự phối hợp giữa ngành nông nghiệp và ngành y tế. Do đó, cần quán triệt doanh nghiệp, HTX xuất khẩu về dịch hại, an toàn thực phẩm, quản lý Covid-19 một cách chặt chẽ hơn nữa”, ông Thiệt cho biết.

Ngoài quản lý chất lượng nông sản thì việc duy trì diện tích được cấp mã số vùng trồng cũng là vấn đề khó khăn đối với không ít địa phương và HTX. Nguyên nhân là do tác động của quá trình đô thị hóa, nhiều HTX, nhất là HTX ở các thành phố lớn bị thu hẹp diện tích sản xuất nên khó duy trì mã số vùng trồng. Trong khi, muốn được cấp mã số, vùng trồng đó phải có diện tích tối thiểu 10ha.

Dẫn chứng về điều này, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, tại Hà Nội đầu năm 2021, thành phố có 22 mã số vùng trồng cho các cây trồng chủ lực phục vụ xuất khẩu, trong đó có 3 mã số cho vùng trồng bưởi, 8 mã số cho vùng trồng nhãn và 11 mã số cấp cho vùng trồng chuối. Tuy nhiên đến nay, 11 mã số vùng trồng không còn được duy trì.

Ông Phùng Văn Hà, Giám đốc HTX Bưởi Núi Bé (Hà Nội) cho biết, ngoài việc vùng trồng bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa, việc mã số vùng trồng tại một số địa phương không được duy trì còn do sản phẩm sau khi được cấp mã số nhưng chưa có đầu ra hiệu quả hoặc các HTX phải xuất bán qua các trung gian nên giá trị kinh tế thấp.

“Nông sản tuy của HTX làm ra nhưng khi bán cho đơn vị trung gian sẽ bị đóng gói, ghi nhãn mác của họ rồi xuất sang các nước. Điều này khiến các thành viên HTX không được tiếp cận trực tiếp với đối tác nước bạn. Thương hiệu sản phẩm cũng như lợi nhuận của các thành viên cũng bị ảnh hưởng không nhỏ”, ông Hà lý giải.

Trước thực trạng trên, các chuyên gia cho rằng muốn duy trì diện tích vùng được cấp mã số, các doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động kết nối chặt chẽ với các HTX, hộ sản xuất đã được cấp mã số. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cần tăng cường mối liên kết với các HTX để kiểm soát hàng hóa, tránh việc mạo danh mã số cũng như các hành vi vi phạm liên quan đến sử dụng mã số vùng trồng.

Nếu không quản lý tốt chất lượng nông sản và vùng được cấp mã số thì việc xuất khẩu sẽ càng khó khăn hơn. Bởi theo ông Lê Văn Thiệt, khi được cấp mã số vùng trồng, các nước nhập khẩu như Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ… sẽ tiến hành kiểm tra vùng trồng hàng năm.

Sắp tới, Trung Quốc sẽ mở cửa thêm cho quả sầu riêng của Việt Nam nên nước này sẽ kiểm tra vùng trồng thường xuyên và ngẫu nhiên nên vào mã vùng trồng nào thì địa phương đó sẽ kết hợp với Chi cục Bảo vệ Thực vật để phối kết hợp kiểm tra. Chính vì vậy, nếu không nắm rõ quy trình, không bảo đảm các bước thì việc nông sản khó xuất khẩu và bị trả về sẽ vẫn tiếp diễn.

                                                                    Nguồn: Huyền Trang(VnBusiness)

Các tin mới hơn
Khai mạc Hội chợ xúc tiến thương mại cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác năm 2024- khu vực phía Bắc(19/04/2024)
Kỳ vọng từ cánh đồng trải nghiệm xã Bạch Đằng(17/04/2024)
Nuôi cá rô phi làm chả, hướng đi mới cho người nuôi cá ở Hải Dương(17/04/2024)
Liên minh HTX tỉnh Hải Dương tích cực đổi mới công tác tuyên truyền(16/04/2024)
Để HTX không 'cô đơn' trên hành trình làm nông nghiệp hiện đại(15/04/2024)
Các tin cũ hơn
Nghịch lý nguồn nhân lực chất lượng cao trong khu vực HTX(16/06/2022)
Để nông nghiệp xanh không là thách thức đối với HTX(15/06/2022)
HTX 'mở đường' xuất khẩu chính ngạch(14/06/2022)
Hải Dương lần đầu tổ chức Lễ hội lúa rươi hữu cơ Tứ Kỳ - vụ Xuân 2022(14/06/2022)
Hợp đồng liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản cần sự bền chặt(13/06/2022)
Video
na
na
na
na
na
na
na
na
na
Liên kết website