Tại cuộc họp, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Thống kê: Dữ liệu thông tin thống kê nhà nước và ngoài thống kê nhà nước là nguồn lực quan trọng, phục vụ cho tổ chức triển khai, đánh giá, dự báo tình hình, hoạch định chiến lược, xây dựng kế hoạch, quy hoạch chính sách, quản lý và điều hành nền kinh tế - xã hội; quản trị đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các tổ chức kinh tế; hoạt động của tổ chức, cá nhân trong xã hội.
Nêu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo đưa ra một số bất cập, hạn chế, vướng mắc cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Thống kê như:
(1) Tỷ lệ lớn chỉ tiêu thống kê quốc gia mới phản ánh về thời gian và quy mô, chưa phản ánh chất lượng, không gian và chiều sâu của hiện tượng kinh tế - xã hội; .
(2) Chưa thể chế hoá đầy đủ nội dung đột phá chiến lược của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và XII, Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đản khoá IX về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (chế độ sở hữu, phát triển các thị trường yếu tố sản xuất...), Điều 51 Hiến pháp quy định về thành phần kinh tế;
(3) Chưa thể chế hoá Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; Kết luận của Bộ Chính trị số 70-KL/TW ngày 09/3/2020 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể;
(4) Chưa có đủ dữ liệu để đánh giá, dự báo các nguồn lực tăng trưởng, chưa phản ánh rõ tình trạng lãng phí hoặc tiết kiệm nguồn lực phát triển (đất đai, nguồn nước, thông tin, năng lượng,...); chưa phản ánh cụ thể tình hình thực hiện nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu theo Nghị quyết của Đảng, các Chương trình mục tiêu quốc gia, ngành kinh tế mũi nhọn;
(5) Các chỉ tiêu thống kê quốc gia chưa phản ảnh cụ thể vấn đề của toàn cầu và ở nước ta như chênh lệch thu nhập giữa các tầng lớp dân cư, biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, cạn kiệt tài nguyên, an ninh phi truyền thống, hiệp định thương mại tự do thế hệ mới...;
(6) Việc tổ chức điều tra thống kê phạm vi còn hẹp, chưa phản ánh kịp thời các hiện tượng kinh tế - xã hội;
(7) Trong Luật Thống kê quy định về dịch vụ thống kê, hoạt động thống kê và sử dụng thông tin thống kê ngoài thống kê nhà nước là chưa cụ thể; chưa tạo điều kiện cho phát triển dịch vụ thống kê để đáp ứng nhu cầu thông tin thống kê của xã hội, đồng thời có sự quản lý của Nhà nước nhằm hạn chế tác động tiêu cực đối với phát triển kinh tế - xã hội;
(8) Chưa có chỉ tiêu thống kê quốc gia về chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong điều kiện nền kinh tế nước ta hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu;
(9) Chỉ tiêu thống kê quốc gia về phát triển văn hóa theo chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước chưa đủ mức cụ thể;
(10) Chưa có quy định về kiểm toán nhà nước đối với thống kê nhà nước và kiểm toán đối với các dịch vụ thống kê ngoài nhà nước, chế độ giám sát của Quốc hội về số liệu thống kê quốc gia nhằm đảm bảo các nguyên tắc cơ bản của thống kê và khắc phục "bệnh thành tích";
(11) Tổ chức, cá nhân tiếp cận các thông tin thống kê nhà nước còn khó khăn do quy định về đăng tải thông tin thống kê nhà nước chưa cụ thể, cơ quan thống kê nhà nước chưa phát triển dịch vụ thống kê và cung cấp thông tin thống kê; việc kiểm chứng, thẩm định tính minh bạch và chính xác đối với thông tin thống kê ngoài nhà nước chưa được pháp luật quy định.
Về đề xuất, kiến nghị sửa đổi Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia và một số nội dung khác của Luật Thống kê Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo nêu rõ:
Một là, về Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia, sửa đổi và bổ sung các chỉ tiêu:
- Sử dụng cụm từ "tổ chức kinh tế", bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã và đơn vị sự nghiệp trong Luật Thống kê và Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia:
- Chỉ tiêu GDP, cơ cấu GDP theo thành phần kinh tế và nguồn lực phát triển. Cơ sở của đề xuất này: (1) Chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước trong thời kỳ đổi mới, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn 2045, thì một trong những đột phá chiến lược là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cụ thể là nội dung Nghị quyết Trung ương 5 khoá XII có chủ trương về chế độ sở hữu, phát triển các thị trường yếu tố sản xuất để huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội; (2) Điều 51 Hiến pháp quy định "1. Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều tổ chức kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. 2. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật"; (3) Chỉ tiêu thống kê theo thành phần kinh tế để đánh giá tình hình phát triển, mức độ đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, từ đó Đảng và Nhà nước có chủ trương, chính sách phù hợp, thúc đẩy phát triển các thành phần kinh tế.
- Chỉ tiêu về kinh tế hợp tác (tập thể), hợp tác xã trong Danh mục chỉ tiêu tài khoản quốc gia, đất đai, lao động, việc làm, tổ chức kinh tế, đầu tư xây dựng, tiền tệ, bảo hiểm, bảo vệ môi trường.
- Chỉ tiêu thống kê, điều tra thống kê chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực quốc gia về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ.
- Chỉ tiêu thống kê quốc gia các thị trường yếu tố sản xuất (nguồn lực đầu vào của đầu tư, sản xuất, kinh doanh).
- Làm rõ nội hàm kinh tế số, phương pháp tính và cơ cấu trong từng ngành, lĩnh vực, GDP và GRDP
- Bổ sung một số chỉ tiêu vào các Mã số trong Danh mục chỉ tiêu quốc gia:
(1) Mã số đất đai, nguồn nước, dân số:
- Chỉ tiêu nguồn nước;
- Chỉ tiêu cơ cấu đất theo chất lượng: Phục vụ cho đầu tư, sản xuất của người dân, tổ chức kinh tế, việc hoạch định và thực thi các chính sách của nhà nước đối với nông nghiệp;
- Chỉ tiêu cơ cấu dân số theo địa bàn đô thị và nông thôn; chỉ tiêu độ tuổi của dân số: Phục vụ cho đánh giá và dự báo thời kỳ "dân số vàng";
(2) Mã số lao động, việc làm và bình đẳng giới
- Chỉ tiêu cơ cấu lực lượng lao động theo các thành phần kinh tế (nhà nước, tư nhân, kinh tế hợp tác và hợp tác xã, FDI);
- Chỉ tiêu tỷ lệ lao động thị trường chính thức (có hợp đồng) và thị trường phi chính thức (không có hợp đồng): Phục vụ cho thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội và các chính sách an sinh xã hội;
- Chỉ tiêu tỷ lệ nữ tham gia thị trường lao động, tham gia quản trị và điều hành trong các tổ chức kinh tế (doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp): Phục vụ cho xây dựng và thực thi chính sách và pháp luật về bình đẳng giới.
(3) Đổi tên mã số "Doanh nghiệp, cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp" thành "Tổ chức kinh tế (doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp), hộ kinh doanh, cơ quan hành chính" cho phù hợp với tính GDP và phân định rõ tổ chức kinh tế và cơ quan hành chính; các chỉ tiêu trong Mã số này được bổ sung chỉ tiêu thống kê theo thành phần kinh tế.
(4) Mã số đầu tư, xây dựng
Chỉ tiêu cơ cấu vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo thành phần kinh tế (nhà nước, kinh tế hợp tác và hợp tác xã, tư nhân, FDI): Phục vụ cho đánh giá năng lực đầu tư của các thành phần kinh tế, hoạch định và thực thi chính sách kinh tế - xã hội phù hợp.
(5) Mã số tiền tệ, bảo hiểm và chứng khoán
- Chỉ tiêu tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng: Việc công bố định kỳ chỉ tiêu thống kê này giúp cho các nhà đầu tư quản trị rủi ro, nhà nước ban hành chính sách phù hợp để kiểm soát và điều tiết thị trường tài chính, tiền tệ phát triển lành mạnh.
- Quy định cụ thể nội hàm chỉ tiêu dự nợ của các tổ chức tín dụng, bao gồm: Dư nợ của các hình thức cấp tín dụng (cho vay, chiết khấu và bảo lãnh...) cho các thành phần kinh tế; dư nợ mua trái phiếu Chính phủ; dư nợ mua trái phiếu của các doanh nghiệp và tổ chức khác trong và ngoài nước. Toàn bộ số dư nợ này đều phục vụ cho đầu tư sản xuất, kinh doanh, tác động đến tăng trưởng kinh tế.
(6) Mã số giá cả
(7) Mã số bảo vệ môi trường
(8) Mã số ngành nông, lâm, thủy sản
Hai là, Sửa đổi, bổ sung một số nội dung khác của Luật Thống kê
- Quy định cụ thể dịch vụ thống kê và cung cấp thông tin thống kê của cơ quan thống kê nhà nước, thống kê của tổ chức và cá nhân (ngoài nhà nước).
- Quy định cụ thể hoạt động thống kê, sử dụng thông tin thống kê ngoài thống kê nhà nước về phạm vi, mô hình hoạt động, điều kiện hoạt động, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm, quản lý nhà nước đối với dịch vụ thống kê này; dịch vụ thống kê của các tổ chức thống kê ngoài nhà nước đều phải thực hiện các quy định chung của Luật Thống kê. Việc sửa đổi, bổ sung này tạo khung khổ pháp luật cho phát triển lành mạnh dịch vụ thống kê, đảm bảo chất lượng thông tin, hạn chế tác dụng tiêu cực của thông tin thống kê thiếu trung thực và chính xác đối với tâm lý xã hội và thị trường.
- Quy định về thông tin thống kê của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức hội do Đảng và Nhà nước thành lập và giao nhiệm vụ (Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh Niên, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Phòng Thương mại và công nghệ Việt Nam...): Các tổ chức này thực hiện hoạt động thống kê theo đơn đặt hàng của Nhà nước và chịu trách nhiệm thực hiện đúng các nguyên tắc của hoạt động thống kê; tổ chức hoạt động thống kê nhằm mục đích thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.
- Về phân cấp quyết định và công bố các chỉ tiêu thống kê nhà nước. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) là cơ quan thống kê nhà nước chịu trách nhiệm xác định và báo cáo các chỉ tiêu thống kê quốc gia; Quốc hội quyết định và công bố các chỉ tiêu thống kê về kinh tế vĩ mô và các chỉ tiêu thống kê khác được ghi trong Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội, còn lại phân cấp cho Chính phủ và địa phương, bộ, ngành công bố.
- Quy định về kiểm toán nhà nước đối với thống kê nhà nước và thực hiện kiểm toán đối với các dịch vụ thống kê ngoài nhà nước; chế độ giám sát của Quốc hội về số liệu thống kê nhà nước nhằm đảm bảo các nguyên tắc cơ bản của Luật Thống kê.
Nguồn: Quỳnh Trang