Tin tức- hoạt động
Thông tư 21 'siết' hạn mức tiền gửi gây bất lợi kép cho cả khách hàng và Quỹ TDND
31/07/2023 03:22:01

Việc quy định tổng mức nhận tiền gửi không được vượt quá 20 lần vốn chủ sở hữu tác động đến việc huy động vốn nhàn rỗi từ nhân dân của Quỹ tín dụng nhân dân (TDND), theo đó ảnh hưởng đến nguồn vốn cung ứng cho các thành viên, đồng thời cản trở nhu cầu hợp tác, góp vốn của người dân.

Trao đổi với VnBusiness, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, đánh giá: “Hình thức Quỹ TDND đã và đang đóng vai trò đáng kể trong việc phát triển bền vững kinh tế nông thôn. Quan trọng hơn, Quỹ góp phần đẩy lùi các mô hình rủi ro như chơi hụi, tín dụng đen. Quy mô của các quỹ nhỏ. Tổng nguồn vốn huy động cho vay từ một vài tỷ đồng đến vài chục tỷ đồng, chỉ có một vài quỹ lên đến trăm tỷ đồng. Nợ xấu thường rất thấp (dưới 1%). Đây là ưu điểm rất lớn so với mô hình ngân hàng thương mại”.

Tại các thành phố lớn, nơi có mạng lưới ngân hàng cạnh tranh dày đặc, Quỹ TDND không mấy phát triển. Tuy nhiên, tại các tỉnh, vùng sâu vùng xa, nông thôn, Quỹ TDND đang là nơi cung cấp tín dụng cho hàng triệu người dân nghèo khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.

Tuy nhiên, các quỹ tín dụng ngày càng chịu áp lực cạnh tranh từ các công ty tài chính, đặc biệt từ các ngân hàng thương mại, trong cả huy động vốn và cho vay.

-7576-1690617821.jpg

Nhiều Quỹ TDND đã có sự phát triển đúng hướng, ổn định, tỷ lệ nợ xấu chỉ 0,64%.

Theo lãnh đạo các Quỹ TDND, hiện các ngân hàng thương mại đã đặt các phòng giao dịch xuống đến từng phường và tham gia thị trường tín dụng với những khoản vay cá nhân nhỏ trong khi lại có lợi thế hơn Quỹ TDND về lãi suất cho vay. Do quy mô nhỏ nên các Quỹ không có được sự đa dạng về các sản phẩm tiền gửi hay có năng lực tài chính để thực hiện các chương trình khuyến mãi như các ngân hàng thương mại.

Bên cạnh đó kênh huy động vốn cũng không đa dạng, chủ yếu huy động từ dân cư, từ Ngân hàng HTX… khiến nguồn vốn hoạt động có thời điểm bị thiếu hụt.

Trong bối cảnh đó, các Quỹ TDND cần có sự tiếp sức lớn hơn từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, các Quỹ TDND gặp một số khó khăn, chẳng hạn như Thông tư 21 ra đời năm 2019 quy định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về Ngân hàng HTX, Quỹ TDND và quỹ bảo đảm an toàn hệ thống Quỹ TDND, đã hỗ trợ nhiều cho các Quỹ TDND trong quá trình hoạt động, nhưng thực tế vẫn còn một số bất cập cần được sửa đổi.

Cụ thể, quy định “Địa bàn hoạt động của Quỹ TDND là một xã, một phường hoặc một thị trấn”, Liên minh HTX Việt Nam cho rằng, quy định này ảnh hưởng lớn tới hoạt động của các Quỹ. Trong khi hoạt động của Quỹ TDND được quy định như đối với HTX, nghĩa là tự chủ, tự chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trước pháp luật..., không giới hạn về địa bàn và phạm vi hoạt động của HTX.

"Với quy định này không chỉ dẫn đến bó hẹp chức năng, quyền hạn, giảm tính tự chủ và sự cạnh tranh lành mạnh của Quỹ TDND với các tổ chức tín dụng khác trên địa bàn, mà còn gây nên rất nhiều khó khăn cho các Quỹ hoạt động. Nhiều Quỹ đã có bề dày hoạt động nhiều chục năm, địa bàn hoạt động trên nhiều xã, phường, thị trấn, nay phải thu hẹp lại đã dẫn đến nội bộ mất đoàn kết, khiếu kiện, mất niềm tin của thành viên...", Liên minh HTX Việt Nam nêu ý kiến.

Bên cạnh đó, Thông tư 21 quy định: Việc kết nạp thành viên mới của Quỹ TDND phải thông qua đại hội thành viên. Tuy nhiên, hiện nay, Đại hội tổ chức năm 1 lần khiến các Quỹ khó thu hút thành viên cũng như làm lỡ cơ hội vay vốn phát triển kinh tế của nhiều người dân, đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các tổ chức tín dụng.

Ngoài ra, quy định "Quỹ TDND phải đảm bảo tổng mức nhận tiền gửi không được vượt quá 20 lần vốn chủ sở hữu" cũng được đánh giá là không hợp lý.

Liên minh HTX Việt Nam đã có kiến nghị với NHNN về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung Thông tư số 21/2019/TT-NHNN, để phù hợp hơn với quy định của pháp luật và tạo điều kiện thuận lợi cho các Quỹ TDND hoạt động hiệu quả, thiết thực phục vụ đời sống kinh tế - xã hội của người dân, hạn chế nạn “tín dụng đen” hoành hành ở các khu dân cư, nhất là vùng nông thôn.

Liên minh HTX Việt Nam cho rằng, quy định tổng mức nhận tiền gửi không vượt quá 20 lần vốn chủ sở hữu gây ra rất nhiều khó khăn, cản trở nhu cầu hợp tác, góp vốn, huy động vốn nhàn rỗi từ nhân dân của Quỹ, hạn chế sự phát triển của một tổ chức kinh tế tập thể, không phù hợp với quy luật khách quan của kinh tế thị trường.

Dưới góc nhìn của chuyên gia về tài chính - ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: Hiện nay, do quy mô nhỏ nên các Quỹ TDND không có được sự đa dạng về các sản phẩm tiền gửi hay có năng lực tài chính để thực hiện các chương trình khuyến mãi như các ngân hàng thương mại. Ngoài ra, vốn chủ sở hữu nhỏ nên các Quỹ TDND cũng không cho vay rộng rãi được. Do đó, việc giới hạn hoạt động ở một phường, xã, thị trấn sẽ hạn chế thế mạnh của Quỹ TDND. Đây là điều không cần thiết.

“Sở dĩ có giới hạn địa lý vì NHNN muốn Quỹ TDND tập trung hỗ trợ người dân ở vùng đó. Nhưng việc giới hạn này lại bó hẹp phạm vi hoạt động của Quỹ. Ví dụ, những người dân ở thôn, xã khác có nhu cầu vay vốn nhưng room tín dụng của quỹ tín dụng tại địa phương đó đã cạn, thì họ vẫn có cơ hội sang xã khác để vay vốn”, ông Hiếu nói.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng, NHNN nên mở rộng địa bàn hoạt động của Quỹ TDND thành một tỉnh. “Đồng ý là Quỹ TDND không thể mở rộng như một tổ chức tín dụng, nhưng ít nhất là mở rộng ra một đơn vị hành chính phù hợp, còn nếu quá hạn hẹp sẽ gây nguy cơ gia tăng rủi ro vì số người dân đi vay hạn chế, đặc biệt là những người không vay được sẽ tìm đến tín dụng đen”, ông Hiếu nêu vấn đề.

Đối với quy định Quỹ TDND muốn kết nạp thêm thành viên mới phải thông qua Đại hội năm tổ chức 1 lần, theo ông Hiếu, quy định này chưa phù hợp với bối cảnh hiện nay, đặc biệt là vai trò và nhu cầu vốn của người dân ở địa bàn nông thôn. “Đại hội thành viên chỉ tổ chức 1 năm/lần, như vậy thì việc thu hút thành viên gặp rất nhiều khó khăn. Người dân muốn được tham gia làm thành viên của Quỹ TDND để nhận các ưu đãi trong việc vay vốn sản xuất, song do khoảng thời gian chờ quá dài đã gây cản trở cho sự phát triển thành viên”. Vì vậy, ông Hiếu cho rằng, cần để cho các Quỹ linh động kết nạp thành viên theo quy mô và vốn chủ sở hữu của các Quỹ. Ví dụ, hội đồng quản trị được tổ chức họp 1 tháng hoặc 3 tháng một lần.

Cũng theo phản ánh của các Quỹ TDND, quy định này gây bất lợi cho quỹ tín dụng và người dân. Điển hình, tại Quỹ TDND liên xã Nhượng Lĩnh (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) hiện có trên 2.300 thành viên thuộc địa bàn 2 xã Cẩm Nhượng và Cẩm Lĩnh. Mỗi năm có tới hàng trăm người dân trên các địa bàn mong muốn vào Quỹ TDND nhưng phải chờ đến kỳ đại hội thành viên mới thực hiện được. Điều đó đã tác động xấu đến việc huy động vốn, phát triển dư nợ của đơn vị.

Sau một năm chờ đợi, vừa qua, ông Hoàng Trung Sơn, trú tại thôn Hải Bắc, xã Cẩm Nhượng mới được kết nạp vào Quỹ TDND liên xã Nhượng Lĩnh. Ông Sơn cho biết: “Tôi mong muốn được kết nạp vào quỹ TDND để có cơ hội vay vốn đi xuất khẩu lao động, nâng cao thu nhập cho gia đình. Tuy nhiên, phải chờ đến Đại hội thành viên Quỹ TDND liên xã Nhượng Lĩnh (tổ chức 1 năm/lần) nên dự định của tôi trong một năm qua cũng bị ảnh hưởng do không vay được vốn”.

Về quy định Quỹ TDND phải đảm bảo tổng mức nhận tiền gửi không được vượt quá 20 lần vốn chủ sở hữu, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng quy định này không hợp lý. “Quỹ TDND có thể huy động càng nhiều càng tốt, nhưng cho vay ra cần có giới hạn. Với điều kiện Quỹ có khả năng để thanh toán cho khách hàng khi đến hạn, có lợi nhuận trả lãi. Phải bảo đảm tính thanh khoản của Quỹ”, ông nhấn mạnh.

Nhiều Quỹ TDND đã có sự phát triển đúng hướng, ổn định

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đánh giá, trong thời gian qua, cơ bản hoạt động của các Quỹ TDND an toàn, lành mạnh, một số nơi có hạn chế cũng đã sớm được phát hiện và chấn chỉnh ngay. Nhiều Quỹ TDND đã có sự phát triển đúng hướng, ổn định hơn.

Qua 4 năm triển khai công tác kiểm tra Quỹ TDND, NHNN cho biết về cơ bản các quỹ tín dụng đã chấp hành tốt các quy định về nhận tiền gửi tiết kiệm, quản lý và sử dụng tuân chỉ về các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động và hoạt động cho vay.

Ông Hoàng Việt Dũng, Phó Cục trưởng phụ trách Cục III, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN cho biết, tính đến ngày 30/4/2023, toàn hệ thống có 1.180 Quỹ TDND, hoạt động trên địa bàn 57 tỉnh, thành phố.

Tổng tài sản toàn hệ thống Quỹ TDND đạt 170.957,7 tỷ đồng, tăng 4% so với thời điểm ngày 31/12/2022. Tiền gửi khách hàng 150.944,8 tỷ đồng, tăng 6,2%. Tổng dư nợ cho vay 131.107,8 tỷ đồng, giảm 1,4%. Vốn chủ sở hữu 11.855,5 tỷ đồng, tăng 1,2%. Chênh lệch thu nhập - chi phí: 770,4 tỷ đồng.

Nợ xấu ghi nhận 877,9 tỷ đồng, tăng 3,2 (năm 2021, 2022 nợ xấu tăng lần lượt là 5,2%, 15%). Tỷ lệ nợ xấu ghi nhận 0,67% (năm 2021, 2022 tỷ lệ nợ xấu đều ở mức 0,64%). Tỷ trọng nợ nhóm 2/Tổng dư nợ cho vay là 0,28% (năm 2021, 2022 tỷ trọng này lần lượt là 0,21%, 0,24%). Lãi phải thu từ hoạt động tín dụng 957,3 tỷ đồng, tăng 9,6% so thời điểm ngày 31/12/2022.

                                                                   Theo: Thanh Hoa(VnBusiness)

Các tin mới hơn
Mức hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại do bão số 3(29/11/2024)
HTX thích ứng linh hoạt trước thay đổi của thị trường nhập khẩu(29/11/2024)
Cơ hội hợp tác đầu tư tại Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, HTX năm 2024(28/11/2024)
Thất bại ở 'xứ sở sương mù' về quê thành trùm buôn nông sản(25/11/2024)
Rau vụ đông sớm ở Hải Dương thắng lớn(20/11/2024)
Các tin cũ hơn
Ngày hội hiến máu “Hải Dương ngàn trái tim hồng”(28/07/2023)
Liên minh HTX tỉnh Hải Dương thăm và tặng quà các gia đình chính sách nhân dịp Kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh liệt sỹ - 27/7(27/07/2023)
Phát huy thế mạnh của HTX trong kinh tế dược liệu(26/07/2023)
'Mở đường' để HTX phát triển du lịch nông nghiệp(25/07/2023)
Diễn đàn kinh tế Dược liệu Việt Nam - Thế mạnh của kinh tế tập thể, hợp tác x(25/07/2023)
Video
na
na
na
na
na
na
na
na
na
Liên kết website