Tin tức- hoạt động
Kỷ niệm Ngày HTX Việt Nam 11/4: Lý luận đầu tiên về HTX và mô hình kinh tế đầu tiên theo ý tưởng HTX ở Việt Nam
11/04/2024 12:00:00

Trong tác phẩm “Đường Kách Mệnh” công bố năm 1927, tác giả Nguyễn Ái Quốc đã dành một chương để trình bày những vấn đề lý luận HTX một cách rõ ràng và sâu sắc. Đây là kết quả được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nghiên cứu kinh nghiệm mô hình HTX của các nước đang phát triển và có nhiều HTX như Anh, Pháp, Đức, Đan Mạch và Nga... trong suốt những năm bôn ba ở nước ngoài.

Thực tế chỉ ra, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là người đầu tiên ở Việt Nam đã tổng hợp, đúc kết các kiến thức, kinh nghiệm về mô hình kinh tế hợp tác thành những lý luận cơ bản về HTX.

Những khái niệm về HTX với tư cách là một mô hình kinh tế được Nguyễn Ái Quốc giải thích đơn giản, dễ hiểu nhưng rất sâu sắc và thuyết phục. Đơn cử như cách tác giả nói về lợi ích nhờ HTX: “Nếu chúng ta đứng riêng ra, thì sức nhỏ, mà làm không nên việc.

Thí dụ, mỗi người mang một cái cột, một tấm tranh ở riêng mỗi người một nơi, thì lều chẳng ra lều, nhà chẳng ra nhà. Nhóm những cột ấy, tranh ấy, sức ấy, làm ra một cái nhà rộng rãi bề thế rồi anh em ở chung với nhau. Ấy là HTX.

Lại thí dụ mười người muốn ăn cơm, mỗi người riêng một nồi, nấu riêng một bếp, nấu rồi ăn riêng; ăn rồi ai nấy dọn dẹp riêng của người nấy, thế thì mất bao nhiêu củi, nước, công phu, thì giờ.

HTX là “góp gạo thổi cơm chung” cho khỏi hao của, tốn công, lại có nhiều phần vui vẻ”. Tác phẩm “Đường Kách Mệnh” đã đúc rút những lý luận và kinh nghiệm HTX của thế giới một cách hệ thống.

Quan niệm của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lúc đó về HTX rất đúng với nhận thức chung của quốc tế của các nước hiện nay, của các tổ chức quốc tế về HTX về cách hiểu, về giá trị và nguyên tắc và cách thức tổ chức HTX với tư cách là một bộ phận trong nền kinh tế hàng hóa, chịu sự cạnh tranh nói chung.

HTX là mô hình kinh tế, nhưng không thay thế kinh tế hộ gia đình, thay thế sự độc lập của mỗi người nông dân hay người dân, người lao động nói chung. Điều này đúng như tác giả Nguyễn Ái Quốc đã viết: “Hạt nhân, trung tâm của HTX là xã viên; xã viên hợp tác với nhau để có lợi ích thiết thực và vẫn duy trì tính độc lập của mình; xã viên là chủ đích thực của HTX, là mục tiêu mà HTX phải phục vụ; HTX là phương tiện để phục vụ xã viên, phải bảo đảm đem lại lợi ích cho xã viên - thực là “HTX là nhà, xã viên là chủ”.

Có thể nói thêm, mặc dù là tư tưởng, là lý luận đầu tiên ở Việt Nam về HTX, nhưng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã thể hiện tài tình với ngôn ngữ chân phương, rất ngắn gọn và dễ hiểu. Tác giả đã thuyết phục về mô hình HTX bằng những so sánh, ví dụ thực tế của Việt Nam, rất Việt Nam như: “Ngoài Bắc là xứ trồng chè, trong Nam là hay uống chè. Nhưng dân Bắc không đem vào Nam bán, dân Nam không ra tới Bắc mua”… “Mấy nhà có chè đem bán cho công ty A rồi công ty này lại bán tiếp cho các công ty B, C, D… Đến tay người uống giá đã tăng 6 lần, 8 lần…”.

Và tác giả kết luận: “Thế là người làm ra chè thua thiệt, người uống chè cũng thua thiệt. Nếu có HTX thì tránh khỏi những điều ấy. HTX là nhóm đơn lẻ thành số đông, từ đó tạo thành sức mạnh mà nhu cầu và lợi ích chung, trước hết là lợi ích kinh tế, là sợi dây gắn kết xã viên”.

Ngày 11/4 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi điền chủ nông gia Việt Nam kêu gọi họ tham gia thành lập HTX nông nghiệp. Sau lời kêu gọi này, ý tưởng thành lập HTX được phổ biến, dần phát triển và các HTX chính thức ra đời.

Theo đó, tổ chức đầu tiên mang tên Hợp tác xã tại Việt Nam được ghi nhận ra đời vào tháng 3/1948 ở Thái Nguyên. Đó là HTX Thủy tinh Dân chủ và tiếp theo là nhiều HTX tại gần chiến khu Việt Bắc trong những năm 1948 - 1950.

Nhưng nghiên cứu sâu hơn, có lẽ những ý tưởng về mô hình kinh tế hợp tác đầu tiên đã xuất hiện ở Việt Nam sớm hơn rất nhiều. Cụ thể, trong thời kỳ phong trào Duy Tân, từ những năm 1904 – 1914, ở khắp ba miền, đặc biệt ở miền Nam và miền Trung, đã manh nha và xuất hiện thành lập các tổ chức kinh tế, kinh doanh theo mô hình của ý tưởng HTX.

Các tổ chức kinh tế này tuy sơ khai, chưa có nền tảng lý luận và cả pháp lý về HTX, nhưng đã thực sự mang trong mình nhiều ý tưởng, giá trị tương tự như những nguyên tắc HTX kiểu mới sau này.

Theo tác phẩm biên khảo "Phong trào Duy Tân ở Bắc Trung Nam và Miền Nam đầu thế kỷ XX, Thiên địa hội và cuộc Minh Tân" của học giả Sơn Nam, trong thời kỳ này đã có một loạt mô hình kinh tế mang tính hợp tác được kêu gọi thành lập và ra đời. Đó là TÂN HÓA THƯƠNG HỘI của người dân làng Tân Hóa, Chợ Gạo (nay là tỉnh Tiền Giang). Mỗi hội viên góp 10 giạ lúa để lập hội bán hàng hóa, vật dụng cho bà con.

Đó là MINH TÂN THƯƠNG HỘI ở Tầm Vu, Tân An (nay là tỉnh Long An) do 3 vị chức sắc và giáo viên làng đứng đầu thành lập, góp mỗi người 10 đồng để bán hàng cho người tronghộivàkháchhàng. Tại Gò Công (tỉnh Tiền Giang), một số giáo viên đã lập HỘI TƯƠNG TRỢ CỦA GIÁO VIÊN để các giáo viên giúp đỡ nhau lúc đau ốm, lúc hưu trí, trong cơn hoạn nạn.

Tại Bạc Liêu, một vị tri phủ tên Nguyễn Bá Phước đã kêu gọi thành viên gia nhập và góp 30 đồng mỗi người để thành lập ƯỚC LẬP HỎA THUYỀN, tương tự như một tổ hợp tác hay HTX vận tải sau này. Theo đó, ƯỚC LẬP HỎA THUYỀN sẽ có 3.000 đồng để mua 2 chiếc tàu chở bà con đi Bạc Liêu, Cà Mau, không bị phụ thuộc, chèn ép bởi các tàu thuyền Hoa kiều lúc bấy giờ.

Cũng theo học giả Sơn Nam, ngày 19/4/1908, tại Biên Hòa, một tổ chức tương tự như HTX thương mại đã được thành lập với tên gọi NAM HÒA THÀNH. Tổ chức này còn đăng ký tên tiếng Pháp là "Société Anonyme", có vốn điều lệ 11.500 đồng, bao gồm 130 người tham gia. NAM HÒA THÀNH tổ chức khá bài bản, hơi giống như tổ chức của các HTX chính thức sau này với việc "bắt thăm cử 6 ông phái viên" tương tự như Hội đồng quản trị và "cử 3 ông Kiểm sát lo tra sổ sách và tiền bạc" như Ban kiểm soát.

Ông Trần Minh Chiếu, còn gọi là Gilbert Chiếu, là một trong những người tiên phong và thành công với việc kêu gọi hợp tác kinh tế, liên kết bà con để cạnh tranh lại các nhà buôn lớn. Ông kêu gọi thành lập MINH TÂN TỔNG MỄ CUỘC, mỗi thành viên góp 2 đồng bạc, được cấp biên lai, một quyển điều lệ và thành viên gọi là Minh Tân thương hữu. Những lời kêu gọi, vận động thành lập MINH TÂN TỔNG MỄ CUỘC, là một tuyên ngôn thống thiết về sự cần thiết của một mô hình liên kết, hợp tác trong kinh doanh, đầy tính nhân văn, tự hào dân tộc và chú trọng đến lợi ích kinh tế cho người dân: "…Trong xứ Nam kỳ ta, thì tôi tưởng chắc việc lúa gạo là phần lợi nhất, vì đã nhiều mà lại các tàu nước ngoài tới lui ăn hoài, không khi nào ngớt bến. Còn thương lái Hoa kiều thì thời lập tiệm nầy hãng kia trong xứ ta có trên hai trăm cái mà mua lúa và trữ lúa… Tôi thiệt lấy làm tủi thầm mà rơi lụy không biết là dường nào vì xứ ta chẳng phải là không có người khôn ngoan mà sao chịu thua sút như vậy có phải là sự nghi nan và không đồng tâm đồng lực với nhau chăng?"

NAM KỲ THƯƠNG CUỘC là ý tưởng của một nông dân tên Thạnh, họ Trần, sống ven sông Bảo Định (tỉnh Mỹ Tho) kêu gọi 3 triệu người dân Nam kỳ tham gia, mỗi thành viên góp 1 đồng thành lập tổ hợp tác thương mại với 3 triệu đồng bạc vốn để lập xưởng xay lúa, cơ sở thu mua lúa gạo, nhập hàng hóa để phân phối, nhằm giúp cho dân Việt không bị nạn trung gian của thương lái Hoa kiều. Học giả Sơn Nam nhận xét: "Sáng kiến này quá lãng mạn, nhưng đáng ghi nhớ, vì đây là một hình thức siêu thị, do một nông dân nghĩ ra từ năm 1908".

Cũng thời kỳ này, tại miền Trung đã xuất hiện Phan Thúc Duyện, một nhà yêu nước và cũng là một nhà cải cách nhiệt thành của phong trào Duy Tân. Năm 1906, Phan Thúc Duyện chính là người khởi xướng và điều hành một tổ chức kinh tế theo ý tưởng HTX tại quê nhà Phong Thử, Quảng Nam. Tổ chức này có tên là HỘI THƯƠNG PHONG THỬ, với cách hoạt động như một hợp tác xã dịch vụ thương mại ngày nay. 

Sau này, vào nửa cuối cuộc đời, từ năm 1919, khi bị đưa về quản thúc, cách ly tại Lệ Thủy, Quảng Bình, Phan Thúc Duyện lại một lần nữa tiếp tục triển khai ý tưởng kinh tế hợp tác xã trong lĩnh vực lĩnh vực nông-lâm nghiệp. Người dân ở đây vẫn nhớ tới công ơn của ông, đem lại đời sống khấm khá cho bà con địa phương. Tại một số tỉnh, thành như Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Tam Kỳ, thị xã Điện Bàn (Quảng Nam),…đều có tên đường phố mang tên Phan Thúc Duyện, để vinh danh nhà yêu nước nhiệt thành của phong trào Duy Tân, và cũng là một trong những người đầu tiên khởi xướng thử nghiệm cải cách kinh tế với ý tưởng hợp tác xã.

Không ít người trước đây coi phong trào Duy Tân và cùng với đó là phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục của những năm 1904 - 1910 chỉ chú trọng đến dân chủ và chỉ chú ý về khai trí trong lĩnh vực văn hóa, đời sống, phổ biến chữ quốc ngữ… Thực ra, trong chủ thuyết của nhiều lãnh tụ của phong trào Duy Tân còn chứa đựng rất nhiều ý tưởng khai trí về kinh tế cho người dân nước nhà.

Các vị tiền bối không chỉ cổ vũ cùng nhau lập tiệm, cửa hàng kinh doanh mà còn khuyến khích, chỉ bảo người dân cách hùn vốn, rủ người góp vốn hợp tác kinh doanh, lập hội tương tế, hội thương mại theo nhiều cách, trong đó có ý tưởng HTX, để cạnh tranh, để liên kết cùng tồn tại và vượt khó, làm giàu.

Đặc biệt là nhà yêu nước Phan Châu Trinh với lời kêu gọi "Khai dân chí, chấn dân khí, hậu dân sinh" đã thúc giục và mở đường cho người dân nước Nam ta đến gần hơn với các mô hình kinh tế của thị trường, trong đó có mô hình kinh tế hợp tác. Đây là lời kêu gọi tinh thần tự lực tự cường, khuyến khích dân trong nước hợp tác, liên kết kinh doanh với nhau để đối chọi với tư bản ngoại bang, với nhà buôn Hoa kiều trong nước. Điều này rất gần, tương đồng với ý nghĩa tự lực cánh sinh trong nguyên tắc tự trợ giúp của mô hình kinh tế HTX kiểu mới. 

Trong tác phẩm "Tỉnh quốc hồn ca", lãnh tụ Phan Châu Trinh đã kêu gọi người dân muốn thoát nghèo phải có nghề trong tay, phải cải tiến máy móc, phải cạnh tranh sản xuất ra được hàng hóa để bán được và ông cũng kêu gọi phải biết hợp tác cùng nhau, cùng làm, cùng góp vốn làm ăn, tức phải biết liên kết lại.

Về vấn đề này, nhà nghiên cứu Chương Thâu đã có nhận xét sắc sảo rằng: "Phan Châu Trinh đã thấy được vấn đề kinh tế hàng hóa theo con mắt thị trường", điều mà không có được trong nhiều lãnh tụ đương thời. Chính những quan tâm về kinh tế, về thị trường cùng với việc nêu cao tinh thần "tự lực, tự cường", tự liên kết, hợp tác với nhau mà không nhất thiết cần tới sự giúp đỡ của nước ngoài hay bên ngoài đã là mầm mống cho ý tưởng kinh tế hợp tác được phôi thai và ra đời trong suốt thời kỳ Duy Tân và sau đó, đặc biệt là tại Nam bộ, nơi có kinh tế thị trường sớm hình thành.

Nhiều nước phát triển trên thế giới như Anh, Đức, Pháp,… tự hào về sự thành công và truyền thống 250 năm của mô hình HTX. Và chúng ta cũng hoàn toàn có quyền tự hào khi thấy ý tưởng tương tự của mô hình kinh tế hợp tác xã này đã được phôi thai và xuất hiện lần đầu ở nước ta cách đây gần 120 năm.

Kinh nghiệm quốc tế và bài học lịch sử của tiền bối càng cho thấy rõ đây là quy luật tất yếu. Mô hình HTX đang phổ biến trên thế giới mà chúng ta gọi là mô hình HTX kiểu mới chắc chắn phù hợp và cạnh tranh được với các loại hình doanh nghiệp khác trong nền kinh tế thị trường, nếu được hiểu và nhận thức đúng về mô hình kinh tế này theo các nguyên tắc tự trợ giúp, tự quản lý và tự chịu trách nhiệm.

........................................

                                                 Theo: Phạm Quang Vinh(VnBusiness)
Các tin mới hơn
Thất bại ở 'xứ sở sương mù' về quê thành trùm buôn nông sản(25/11/2024)
Rau vụ đông sớm ở Hải Dương thắng lớn(20/11/2024)
Người nâng tầm 'hạt vàng' Kinh Môn(20/11/2024)
Tổng kết phong trào thi đua Liên minh HTX các tỉnh cụm Trung du Bắc Bộ năm 2024(19/11/2024)
Quản lý giỏi giúp HTX nâng cao năng lực cạnh tranh(15/11/2024)
Các tin cũ hơn
Khai mạc giải cầu lông khu vực kinh tế tập thể, HTX chào mừng ngày HTX Việt Nam 11/4 và kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Liên minh HTX tỉnh (05/11/1994 – 05/11 /2024)(10/04/2024)
Nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cho thành viên, người lao động HTX và các tổ chức kinh tế tập thể(08/04/2024)
Nhiều đặc sản, sản phẩm OCOP của Hải Dương tham gia Hội chợ Vietnam Expo lần thứ 33(04/04/2024)
Hội nghị phát động Tháng hành động vì Hợp tác xã năm 2024(01/04/2024)
Quỹ tín dụng nhân dân Cổ Bì: Đồng hành với thành viên phát triển kinh tế(27/03/2024)
Video
na
na
na
na
na
na
na
na
na
Liên kết website