Kết thúc 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu rau quả vượt mốc 4 tỷ USD. Con số này không những cao nhất so với cùng kỳ từ trước đến nay, mà còn vượt qua kim ngạch xuất khẩu cả năm của ngành từ trước đến nay.
Cơ hội lớn
Để có được điều này là nhờ Nhà nước đã làm tốt vấn đề ngoại giao kinh tế giúp Việt Nam có những lợi thế cạnh tranh tốt hơn với những nước đang cạnh tranh về nông sản với Việt Nam.
Cụ thể là Việt Nam đã có hàng loạt các FTA và quan hệ ngoại giao chiến lược toàn cầu. Điều này giúp riêng mặt hàng rau quả trong 9 tháng đầu năm đã được xuất sang 28 thị trường. Trong đó có 18 thị trường đạt trên 10 triệu USD, 7 thị trường đạt trên 100 triệu USD, lớn nhất là Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Thái Lan...
Gần đây, Việt Nam đã ký Đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ - một quốc gia có nền kinh tế đi đầu thế giới. Đây được dự báo sẽ tiếp tục là nền tảng giúp cánh cửa xuất khẩu nông sản năm 2024 thêm rộng mở và nông sản là một trong những mặt hàng sẽ dẫn dắt thị trường xuất khẩu.
Ngoài thế mạnh các FTA, cửa rộng xuất khẩu nông sản thời gian tới còn đến từ việc thế giới đang diễn ra hai cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina và xung đột ở dải Gaza giữa Hamas với Israel.
Theo các chuyên gia, khi có chiến tranh, chắc chắn nông sản vẫn sẽ là một trong những mặt hàng sốt. Bởi khi xảy ra chiến tranh, các nước này đều phải chuẩn bị một lượng lớn hàng hóa là nông sản dự trữ. Hoặc khi chiến tranh xảy ra, bên đối phương thường tấn công vào kho lương thực. Vì vậy, khi 2 cuộc xung đột trên thế giới xảy ra, chắc chắn các nước sẽ cần nhiều lương thực hơn so với bình thường.
Nếu như năm ngoái, thế giới chỉ có một cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina thì hiện đã có thêm một xung đột ở dải Gaza. Vì vậy, ông Nguyễn Tuấn Việt, Giám đốc Công ty TNHH Vietgo, dự báo những nông sản từ năm ngoái đến nay đi đầu trong xuất khẩu sẽ tiếp tục nóng trong thời gian tới, nhất là mặt hàng lương thực đang ghi nhận khủng hoảng trên toàn cầu.
Hiện trên thế giới ghi nhận hai nguồn cung về tinh bột lớn nhất của loài người là gạo và mỳ thì hai quốc gia đứng đầu về nguồn cung này đang gặp khó khăn vì chiến tranh. Cụ thể là Ukraina là một trong những quốc gia đứng đầu về sản xuất và xuất khẩu lúa mì của châu Âu và thế giới. Nhưng hiện nước này vẫn đang có xung đột với Nga nên nguồn cung lương thực về lúa mì cho toàn cầu đang rất khó khăn.
|
Khủng hoảng lương thực là cơ hội cho Việt Nam xuất khẩu lúa gạo trong năm 2024. |
Về nguồn cung gạo, Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam đang là ba nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới. Trong đó, Ấn Độ chiếm 40% trữ lượng gạo thế giới nhưng nước này đã hạn chế xuất khẩu gạo trong 3 tháng gần đây với mục đích bảo đảm lương thực trong nước. Và thực tế cho thấy, từ khi Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo thì thế giới đang khát nguồn lương thực này hơn.
Số liệu từ Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc cũng cho thấy, thế giới đang có dấu hiệu bất ổn về lương thực. 36 quốc gia đang có báo động về tình trạng thiếu lương thực, dự trữ lương thực toàn cầu ở mức thấp nhất so với mức dự trữ bình quân của 25 năm qua, trong khi gạo được coi là thức ăn chính của một nửa dân số thế giới, khoảng 4 tỷ người.
Như vậy, hai mặt hàng mà thế giới đang và sẽ thiếu nhiều nhất chính là gạo và lúa mì. Ngoài ra, còn các mặt hàng khác như sắn, đậu, khoai, đường, muối, dầu ăn, thức ăn chăn nuôi, rau củ, thủy sản, hoa quả... Bởi vậy, ông Nguyễn Tuấn Việt cho rằng, khi thế giới có nhu cầu lớn về những mặt hàng này sẽ kéo theo những ngành nghề khác phát triển như sản xuất thức ăn chăn nuôi với các loại nông sản như ngô, khoai sắn, bột cá… và ngành phân bón.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, cho biết cơ hội và dư địa cho xuất khẩu nông sản, lương thực của Việt Nam trong thời gian tới, nhất là trong năm 2024 là rất lớn.
Điều này một phần là do khi chiến tranh diễn ra, nhiều nước sẽ rơi vào tình trạng dừng sản xuất và hạn chế xuất khẩu nên dẫn tới thiếu nông sản. Trong khi nhu cầu tích trữ không chỉ do tâm lý của từng người dân mà còn là nguyên lý của các quốc gia đang liên quan đến các cuộc chiến. Trong khi không bảo đảm được vấn đề lương thực thì các nước khó có thể hoàn thành các mục tiêu chính trị.
Để cơ hội không vụt khỏi tầm tay
Thực tế cho thấy, không chỉ đợi đến 2024 mà ngay những tháng gần đây, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam đang rơi vào tình trạng cháy hàng thiếu nguồn cung như gạo, cà phê, hồ tiêu, sầu riêng… từ đó đẩy giá lên cao.
Chính vì vậy, nhìn chung từ nay đến năm 2024, tình trạng thiếu các mặt hàng nông sản sẽ tiếp tục xảy ra sẽ là cơ hội cho xuất khẩu cho nhiều nước. Nhưng theo các chuyên gia, ngoài những nước có yêu cầu cao về chất lượng như Mỹ, EU, Canada, Nhật Bản…, các doanh nghiệp, HTX làm về hoạt động xuất khẩu cũng cần quan tâm nhiều hơn đến những thị trường có nhu cầu nông sản lớn nhưng có thể có yêu cầu về chất lượng nông sản thấp hơn một chút như Ấn Độ, Trung Quốc, Nga... Vì điều này vừa giải quyết được một số khó khăn trong việc hoàn thiện các tiêu chí trong xuất khẩu mà các doanh nghiệp, HTX trong nước đang gặp phải, trong khi đó, các thị trường này lại là những quốc gia có dân số lớn nên nhu cầu nhập khẩu sẽ nhiều hơn.
Cơ hội thì lớn nhưng làm sao để HTX, doanh nghiệp tận dụng được cơ hội này cũng là vấn đề đặt ra. Bởi thực chất, doanh nghiệp, HTX ở Việt Nam đang đối mặt với thách thức đó là khi thị trường có nhu cầu lớn thì không đủ nguồn cung để cung cấp cho đối tác, nhất là đối với những đơn hàng lớn.
Để thể nắm bắt được cơ hội, thu được lợi ích kinh tế từ thị trường, ông Lê Châu Hải Vũ, Giám đốc công ty Consultech JSC, cho biết có thể các HTX, doanh nghiệp sản xuất cùng mặt hàng, lĩnh vực nên liên kết với nhau trong sản xuất nhằm hạn chế chi phí và giải quyết những đơn hàng lớn. Với một số nông sản, HTX, doanh nghiệp nên kết hợp giữa sản xuất, thu mua trong nước và nhập thêm từ những nước trong khu vực để đáp ứng số lượng lớn, mang lại hiệu quả kinh doanh.
Ông Nguyễn Tuấn Việt cho rằng nhiều HTX, doanh nghiệp ở Việt Nam có tiềm năng về sản phẩm nhưng lại thiếu những kiến thức, kỹ năng nhất định trong việc tìm hiểu thị trường, các thủ tục xuất nhập khẩu. Nhiều HTX, doanh nghiệp phải xuất khẩu qua nhiều đơn vị (bên thứ ba) nên giá trị kinh tế mang về không cao. Chính vì vậy, những đơn vị này nên liên kết với các nhà hỗ trợ xuất khẩu nhằm rút ngắn khoảng cách về thủ tục, quy trình, đồng thời tránh tình trạng bị lừa đảo như các doanh nghiệp Việt đã gặp phải trong thời gian vừa qua.
Và dù có chiến tranh xảy ra thì, các HTX, doanh nghiệp cũng cần nhớ bản chất của thị trường thế giới vẫn vậy. Năm nay, thị trường thế giới ưu tiên dùng nhiều mặt hàng này, hạn chế mặt hàng kia nhưng sang năm, nhu cầu thị trường có thể ngược lại. Chính vì vậy, các HTX, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ về thị trường để có những định hướng, phương pháp phù hợp trong xuất khẩu, để làm sao cho hoạt động kinh tế nói chung của Việt Nam không sụt giảm. Vì năm nay và sang năm, có thể dệt may, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ… gặp khó khăn nhưng nông sản lại đón được cơ hội nên sẽ hỗ trợ nền kinh tế của cả nước phát triển.
Theo: Huyền Trang(VnBusiness)