Tin tức- hoạt động
Thêm kỹ năng để HTX ‘vượt biển’ thành công
22/04/2025 09:33:42

Quy mô sản xuất, chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao, nhiều HTX ấp ủ khát vọng đưa nông sản Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế. Tuy nhiên, hành trình "vượt biển lớn" này không hề phẳng lặng, đặc biệt khi các HTX còn thiếu thông tin và kinh nghiệm về quy trình, chi phí xuất khẩu.

Xuất khẩu nông sản là "chìa khóa vàng" cho HTX, bởi hoạt động này không chỉ mở ra cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn với sức mua cao hơn, mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho HTX.

Lúng túng khi xuất khẩu

Trong đó, giá trị nông sản xuất khẩu thường cao hơn so với tiêu thụ nội địa, giúp HTX gia tăng đáng kể doanh thu và lợi nhuận, cải thiện đời sống thành viên. Xuất khẩu cũng đòi hỏi sản phẩm phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng, quy trình sản xuất, đóng gói, từ đó thúc đẩy HTX đầu tư nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản.

Đây cũng là hướng giúp HTX đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, giảm sự phụ thuộc vào thị trường nội địa, từ đó ổn định đầu ra và giảm thiểu rủi ro khi thị trường trong nước có biến động.

Chia sẻ với VnBusiness, ông Đỗ Thanh Hiệp, Giám đốc HTX Thanh long sạch Hòa Lệ (Bình Thuận), cho biết đến thời điểm này, hoạt động xuất khẩu của HTX, nhất là xuất khẩu sang thị trường Mỹ vẫn chưa bị tác động tiêu cực nào. Các đối tác liên kết xuất khẩu của HTX vẫn chưa có những thông báo về việc thay đổi thuế, chi phí xuất khẩu sang thị trường này. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế, HTX buộc phải cập nhật công nghệ sản xuất tiên tiến, học hỏi kinh nghiệm quản lý và marketing quốc tế.

-1983-1745228087.jpg

Sản phẩm của HTX Tài Thịnh Phát Farm có tiềm năng xuất khẩu sang nhiều thị trường.

Rõ ràng, quy trình xuất khẩu nông sản có thể khác nhau tùy thuộc vào loại sản phẩm, thị trường mục tiêu và các quy định cụ thể, nhưng đối với nhiều HTX hiện nay vẫn là những điều khó khăn.

Ngay như HTX Tài Thịnh Phát Farm (Cà Mau), thời gian qua, HTX tập trung vào thị trường trong nước nhưng khi tìm hiểu một số thị trường, trong đó có thị trường Halal của các nước Hồi giáo, HTX nhận thấy sản phẩm của các thành viên đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Vậy nhưng, quy trình xuất khẩu như thế nào, các bước ra làm sao, cách đàm phán, tìm kiếm đối tác, thực hiện các thủ tục hải quan… thì các thành viên vẫn còn chưa biết kết nối với ai, ở đâu nên còn rất nhiều bỡ ngỡ.

Trong khi theo các chuyên gia, chỉ riêng khâu thực hiện các thủ tục hải quan cũng là một bước phức tạp, đòi hỏi HTX phải chuẩn bị đầy đủ các chứng từ như tờ khai hải quan, hóa đơn thương mại, phiếu đóng gói, giấy chứng nhận xuất xứ, giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật/động vật, và các giấy tờ liên quan khác. Mà năng lực để tự làm việc này đối với không ít HTX là không hề đơn giản mà phải có sự hỗ trợ của các đơn vị dịch vụ logistics. Nhưng không phải HTX cũng có khả năng kết nối hay đủ năng lực tài chính cho vấn đề này.

Cẩn trọng trong tính toán chi phí

Đặc biệt, nhiều HTX hiện nay quan tâm đến vấn đề chi phí xuất khẩu. Làm sao để dự trù được kinh phí, tính toán được nguồn tiền bỏ ra ở các bước xuất khẩu thì mới hạn chế được những rủi ro và chủ động trong kinh doanh.

Một HTX sản xuất mỳ gạo bao thai tại Thái Nguyên đang có kế hoạch xuất khẩu sang Mỹ. Qua làm việc và được hỗ trợ của các đơn vị liên quan, HTX này đã dự toán chi phí khi bán 1kg mỳ gạo tại Mỹ liên quan đến rất nhiều chi phí.

Trong đó, chi phí đầu vào sản xuất 1kg mỳ tại Việt Nam là khoảng 80.000 đồng, còn chi phí vận chuyển sang Mỹ hiện là 214.000 đồng. Như vậy, theo tính toán của HTX, tổng chi phí của hai nguồn này là 294.000 đồng.

Trong khi chi phí thủ tục xuất khẩu (phí làm giấy tờ, hồ sơ, kiểm định, thuế xuất khẩu (nếu có) khoảng 30.000 đồng, thuế VAT trong nước 8% trên giá gốc là 80.000 x 8% = 6.400 đồng. Chưa kể, thuế nhập khẩu vào Mỹ sẽ tùy mặt hàng cụ thể, nhưng nếu mỳ gạo được xếp vào nhóm gluten-free rice noodles, thuế có thể bằng 0% nếu sử dụng đúng mã HS và hồ sơ. Nếu bị đánh thuế, giả sử mức thuế là 5% giá nhập khẩu (giá CIF), tương đương 16.500 đồng.

Bên cạnh đó, khi đưa hàng qua Mỹ, HTX phải bỏ tiền thuê kho, nhân viên, mặt bằng, bảo hiểm, logistics nội địa, thì giá rơi vào khoảng 75.000 đồng/kg mì gạo. Như vậy, tổng chi phí từ các khoản trên là khoảng 421.900 đồng.

Thông thường, đơn vị xuất khẩu sẽ cộng thêm 30 - 50% lợi nhuận (tuỳ thị trường và mục tiêu). Giả sử nếu HTX muốn lợi nhuận 40% thì từ chi phí là 421.900 x 1.4 = gần 590.660 VND. Và giá bán mỳ gạo được để xuất tại Mỹ là gần 590.000 – 600.000 đồng/kg (tương đương 24 USD/kg nếu tỷ giá 25.000 VND/USD).

Chỉ sơ qua dự tính của HTX này cho thấy, rất nhiều khoản chi phí HTX cần quan tâm và bỏ ra trong quá trình xuất khẩu. Đó là chưa tính đến những chi phí mua bảo hiểm cho lô hàng xuất khẩu, chi phí xúc tiến thương mại và những chi phí phát sinh (chi phí pháp lý, chi phí dịch thuật, chi phí đi lại công tác-nếu có). Do đó, việc tính toán làm sao để có giá bán sản phẩm phù hợp trên thị trường xuất khẩu và đảm bảo doanh thu, lợi nhuận là rất quan trọng.

Là một đơn vị xuất khẩu khá thành công hiện nay, ông Đỗ Thanh Hiệp cho rằng chất lượng là yếu tố sống còn để cạnh tranh trên thị trường quốc tế. HTX cần áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất tiên tiến, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Đi liền với đó là cần áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến và bảo quản để nâng cao năng suất, giảm chi phí và đảm bảo chất lượng sản phẩm.

HTX cũng cần tạo dựng hình ảnh độc đáo cho sản phẩm, kể câu chuyện về nguồn gốc, quy trình sản xuất, giá trị văn hóa để thu hút người tiêu dùng quốc tế.

Nếu chưa thể tự xuất khẩu, HTX có thể hợp tác với các doanh nghiệp xuất khẩu có kinh nghiệm, các tổ chức xúc tiến thương mại để được hỗ trợ về thông tin thị trường, tìm kiếm đối tác và các thủ tục pháp lý.

Hiện, Nhà nước và các tổ chức có nhiều chương trình hỗ trợ xuất khẩu cho doanh nghiệp và HTX, các HTX cần chủ động tìm hiểu và tận dụng các cơ hội này.

Ông Rocky Thạch Nguyễn, CEO Smart Link Logistics, cho biết xuất khẩu đòi hỏi nguồn vốn nhất định, nên doanh nghiệp-HTX cần có kế hoạch tài chính rõ ràng để đảm bảo đủ nguồn lực thực hiện các hoạt động. Bên cạnh đó, việc thâm nhập một thị trường quốc tế là một quá trình dài hơi, đòi hỏi sự kiên trì, nỗ lực và xây dựng mối quan hệ tin cậy của các đơn vị xuất khẩu với đối tác.

                                                     Theo: Huyền Trang(VnBusiness)

Các tin mới hơn
Các tin cũ hơn
Nhiều nông dân Hải Dương sản xuất vì người tiêu dùng(21/04/2025)
Hải Dương có 2 'Ngôi sao hợp tác xã'(14/04/2025)
Thúc đẩy chuyển đổi sản xuất xanh cho phát triển bền vững(11/04/2025)
Khi hợp tác xã biết 'vay đúng, dùng khéo'(11/04/2025)
Liên minh Hợp tác xã chủ động tiếp cận khoa học công nghệ, ứng dụng AI trong quản lý điều hàn(11/04/2025)
Video
na
na
na
na
na
na
na
na
na
Liên kết website