Không chỉ là “phao cứu sinh”, Quỹ quốc gia về giải quyết việc làm (gọi tắt là nguồn vốn 120) làm đang là chất xúc tác quan trọng thúc đẩy sự phát triển của hợp tác xã ở Hải Dương.
Hợp tác xã Mai Hồng (Kim Thành) vay 450 triệu đồng mua sắm thêm máy móc, phát triển sản xuấtVay để thay đổi
Mỗi ngày, các thành viên Hợp tác xã Vệ sinh môi trường thị trấn Nam Sách (Nam Sách) chia làm hai ca để thu gom rác thải sinh hoạt. Ca đầu tiên kéo dài từ 1 giờ 30 đến 9 giờ, ca thứ hai từ 14 giờ 30 đến 18 giờ. Không có ngày nghỉ, họ cần mẫn thu gom 8 - 12 tấn rác mỗi ngày tại 12 khu dân cư, 50 cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn.
Trước đây, việc thu gom chủ yếu bằng xe đẩy thô sơ, vừa tốn sức vừa không đáp ứng được nhu cầu khi lượng rác thải sinh hoạt ngày càng tăng. Ngay cả sau khi chuyển sang sử dụng xe tải, hợp tác xã vẫn gặp khó khăn vì thiếu phương tiện. Trong bối cảnh nguồn lực eo hẹp, sự hỗ trợ từ Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã mở ra cơ hội mới.
Hợp tác xã Vệ sinh môi trường thị trấn Nam Sách đã hoàn thiện hồ sơ và vay 300 triệu đồng từ nguồn vốn 120 để đầu tư xe chở rác chuyên dụng. Ông Nguyễn Hữu Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc hợp tác xã cho biết để đi đến quyết định này, hợp tác xã đã phải họp bàn kỹ lưỡng, xác định rõ mục tiêu và cam kết sử dụng hiệu quả từng đồng vốn. Bởi vay được vốn là một chuyện, nhưng dùng thế nào mới là chuyện lớn.
"Sau một năm, sản lượng rác thu gom tăng gấp đôi, đường phố sạch sẽ hơn, người dân hài lòng, còn các thành viên có thu nhập ổn định khoảng 6 triệu đồng/tháng”, ông Thắng nói.
Không chỉ trong lĩnh vực vệ sinh môi trường, nhiều hợp tác xã nông nghiệp cũng đang khai thác hiệu quả nguồn vốn 120 theo hướng sản xuất hiện đại, liên kết chuỗi giá trị. Tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thái Hòa (Bình Giang), bà Lê Thị Ly - một thành viên đã vay 200 triệu đồng để khôi phục hơn 10.000 m² nhà màng trồng dưa bị sập trong cơn bão số 3 hồi tháng 9/2024.
“Thời điểm đó chỉ cần vài chục triệu đồng cũng là rất quý. Khi hợp tác xã giới thiệu, tôi lập tức hoàn thiện thủ tục vay. Nhờ có khoản vốn này, kết hợp với một khoản vay ngân hàng, gia đình tôi đã khôi phục toàn bộ diện tích bị thiệt hại”, bà Ly chia sẻ.
Đến nay, hệ thống nhà màng trồng dưa của gia đình bà đã đi vào hoạt động ổn định, tạo việc làm cho 5 lao động địa phương với thu nhập hơn 5 triệu đồng/người/tháng.
Theo ông Nguyễn Văn An, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thái Hòa, sau khi vay vốn, điều quan trọng là phải có phương án tài chính minh bạch, định hướng phát triển dài hạn và quyết tâm thực hiện đến cùng. “Nếu không quyết tâm, vốn dù nhiều cũng khó thành công”, ông An nhấn mạnh.
Hiện hợp tác xã có 17 thành viên tiếp cận nguồn vốn 120 với tổng số tiền hơn 1,6 tỷ đồng. Tất cả các thành viên đều sử dụng đúng mục đích và đạt hiệu quả rõ rệt.
Hợp tác xã Vệ sinh môi trường thị trấn Nam Sách doanh thu mỗi năm hơn 1 tỷ đồng, thu nhập của các thành viên ổn định hơn 6 triệu đồng/người/thángLàm thật, hiệu quả thật
Tính đến đầu tháng 4/2025, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hải Dương đã tín chấp thành công cho gần 30 tổ chức, cá nhân là hợp tác xã và thành viên vay tổng cộng hơn 2,5 tỷ đồng từ nguồn Quỹ quốc gia về việc làm. Mục đích vay vốn rất đa dạng, từ mở rộng sản xuất, xây dựng nhà màng, nhà lưới đến ứng dụng kỹ thuật cao trong trồng rau, quả sạch.
Kết quả cho thấy doanh thu của các hợp tác xã vay vốn đều tăng rõ rệt, từ 500 triệu đến 1,5 tỷ đồng/năm. Lợi nhuận đạt 100 - 300 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho lao động địa phương với thu nhập bình quân từ 6 - 8 triệu đồng/tháng.
Ông Trần Văn Thụ, Giám đốc Hợp tác xã Mai Hồng (huyện Kim Thành) chia sẻ vay vốn là để làm thật. Nếu chỉ lấy vốn rồi không đầu tư đúng chỗ thì chẳng khác nào lãng phí cơ hội phát triển. Cách đây 2 năm, hợp tác xã của ông vay 450 triệu đồng từ nguồn vốn 120 để đầu tư máy móc chế biến gỗ. Nhờ có nguồn vốn kịp thời, hợp tác xã đã mở rộng sản xuất đúng lúc thị trường tăng nhu cầu.
Thành công của các hợp tác xã còn đến từ quy trình sàng lọc kỹ lưỡng trước khi cấp vốn. Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hải Dương, không phải cứ có nhu cầu là được vay. Các hợp tác xã phải chứng minh năng lực quản lý, phương án sử dụng vốn rõ ràng và khả năng sinh lời.
“Chúng tôi không khuyến khích vay theo phong trào. Những hợp tác xã thành công đều có điểm chung là đầu tư vào khâu yếu nhất trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, vận chuyển - nơi cần được củng cố nhất để tạo sức bật cho toàn bộ hệ thống”, bà Hương nói.
Bà Hương cũng cho rằng, nhiều người vẫn còn định kiến cho rằng hợp tác xã là mô hình kinh tế lạc hậu, nhưng thực tế đã chứng minh nếu biết làm và dám làm, hợp tác xã chính là mảnh đất màu mỡ để sáng tạo và phát triển bền vững.
Nguồn vốn 120 không phải “cây đũa thần” giúp hợp tác xã thay đổi trong chốc lát, nhưng nếu biết “vay đúng, dùng khéo”, đó sẽ là bàn đạp vững chắc để đổi mới sản xuất, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân.
Những kinh nghiệm và thành công kể trên chỉ là bước khởi đầu. Điều then chốt vẫn là cái tâm và tầm của người làm hợp tác xã - những người biết tính xa, tính kỹ và dám nghĩ, dám làm. Trong bối cảnh nông nghiệp Hải Dương đang cần những cú hích mạnh mẽ để tái cơ cấu, những người “biết vay - giỏi dùng” sẽ là nhân tố góp phần định hình lại diện mạo kinh tế tập thể hiện đại, hiệu quả và gắn bó mật thiết với người nông dân cùng quê hương.
Theo: MINH NGUYÊN(Báo Hải Dương)