Theo Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Co-opBank), cả nước hiện có 1.200 QTDND. Các QTDND hoạt động an toàn, phát triển ổn định theo đúng quy định của pháp luật, đáp ứng nhu cầu tín dụng cho gần 2 triệu thành viên trên địa bàn 57/63 tỉnh, thành phố, chủ yếu là địa bàn nông nghiệp, nông thôn, vùng sâu vùng xa.
Hạn chế về khả năng cạnh tranh
QTDND Lào Cai đang hoạt động trên địa bàn phường Lào Cai và 2 phường lân cận là Cốc Lếu và Kim Tân, là cửa ngõ phát triển cửa khẩu biên giới Việt – Trung với tốc độ phát triển kinh tế ngày càng lớn. Địa bàn này cũng là nơi tập trung nhiều ngân hàng thương mại nên tính cạnh tranh rất lớn, nhất là trong thu hút khách hàng.
So với các ngân hàng thương mại, QTDND có quy mô vốn nhỏ, ít sản phẩm, dịch vụ tài chính và hiện đại, khiến QTDND khó thu hút khách hàng. Việc chuyển đổi số chậm cũng khiến QTDND trở lên yếu thế trong thời đại công nghệ số. Đây không chỉ là khó khăn của QTDND Lào Cai mà là của không ít QTDND trên cả nước hiện nay.
Trong khi nguồn khách hàng lớn của QTDND chính là các HTX, nhưng để tiếp cận nguồn vốn từ QTDND, các HTX cần đáp ứng rất nhiều điều kiện.
 |
Hội thảo nhằm tháo gỡ khó khăn cho hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân. |
Ngay như tại Luật HTX 2023, về vay ưu đãi từ các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật tại Điểm a Khoản 1 Điều 23, xét điều kiện và mô hình hoạt động tại các HTX để vay là rất khó.
Cụ thể là nhiều HTX chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện, từ quy mô hoạt động nhỏ, vốn tự có thấp, phương án sản xuất kinh doanh chưa mang tính khả thi. Nhiều HTX không có tài sản bảo đảm khi vay vốn nên việc xét duyệt cho vay khó khăn, hoặc các thành viên góp vốn vào HTX bằng tài sản nhưng chưa chuyển đổi quyền sở hữu cho HTX mà vẫn mang tên của thành viên nên không thể sử dụng tài sản thế chấp vay vốn từ QTDND.
Bên cạnh đó, có những HTX chưa mở đầy đủ hệ thống sổ sách theo quy định, chưa thể hiện được tính minh bạch, thiếu hệ thống báo cáo chuẩn về tình hình tài chính, chưa đáp ứng được yêu cầu cho vay.
Còn về phía các QTDND, nguồn vốn huy động chủ yếu đến từ các thành viên và người dân địa phương, dẫn đến phụ thuộc vào tình hình kinh tế của khu vực. Cụ thể là tình trạng mất mùa, dịch bệnh trên vật nuôi khiến nhiều hộ nông dân, thành viên HTX không có khả năng trả nợ, dẫn đến nợ xấu tại QTDND tăng cao. Việc huy động vốn từ các tổ chức tài chính khác đối với QTDND cũng còn gặp nhiều khó khăn do quy mô nhỏ và rủi ro cao.
Vẫn còn nghịch lý
Với vai trò là đơn vị dẫn dắt các QTDND, ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Co-opBank, thông tin tại Hội thảo khoa học "Hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng là hợp tác xã theo Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024": Tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay của QTDND đang gấp 1,1 lần so với Co-opBank về số tương đối nhưng gấp 4 lần về số tuyệt đối. Vốn điều lệ của các QTDND là 7.856 tỷ đồng, tăng 157,51%, trong khi vốn điều lệ của Co-opBank là 3.029 tỷ đồng, chỉ tăng 0,97%.
 |
Quỹ tín dụng nhân dân đang gặp khó khăn trong huy động vốn. |
Do đó, để nâng cao hiệu quả của hệ thống QTDND, một trong những vấn đề cần thiết hiện nay là tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính cho Co-opBank.
“Mức vốn điều lệ của Co-opBank xấp xỉ mức vốn pháp định là 3.000 tỷ đồng, thấp nhất trong hệ thống ngân hàng, chưa bằng 1/15 so với các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước và chỉ bằng 38,5% vốn điều lệ và 1,5% tổng tài sản của hệ thống QTDND”, ông Cường dẫn chứng.
Mô hình HTX đã có những đóng góp quan trọng cho mục tiêu tái cơ cấu kinh tế, tạo công ăn việc làm, xoá đói giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội, góp phần trong công cuộc xây dựng nông thôn mới và đẩy lùi tín dụng đen, cho vay nặng lãi.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc phát triển QTDND nói riêng và HTX nói chung vẫn còn nhiều khó khăn và hạn chế, trong đó việc tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng, trong đó có QTDND, đối với các HTX còn nhiều lực cản.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, cho biết nghịch lý hiện nay là tuy có mạng lưới rộng khắp nhưng quy mô tổ chức tín dụng là HTX lại rất nhỏ bé trong hệ thống ngân hàng. Tổng tài sản của hệ thống chỉ chiếm 1,15%, vốn điều lệ chiếm 0,73% toàn ngành ngân hàng.
Dư nợ tín dụng của các QTDND giai đoạn 2022-2024 tăng trưởng thấp. Chỉ có khoảng 10% HTX tiếp cận được vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX, và chưa đến 1% HTX vay vốn từ các tổ chức tín dụng.
Vì vậy, việc nhận diện những kết quả và khó khăn của HTX và QTDND nhằm có nguồn vốn phù hợp để hỗ trợ các HTX phát triển và mở rộng quy mô sản xuất là hết sức cần thiết.
Và để tháo gỡ cho HTX trong tiếp cận được nguồn vốn từ các QTDND, việc hỗ trợ HTX về cách quản lý, nâng cao trình độ chuyên môn để HTX hoạt động hiệu quả là rất cần thiết. Đồng thời, các QTDND cần chủ động đổi mới, ứng dụng công nghệ, phát triển các dịch vụ cho vay nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Theo: Huyền Trang(VnBusiness)