Chiều 23/9, trong chuyến công tác tại Hải Dương, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan biểu dương tinh thần lạc quan của nông dân Hải Dương trong phục hồi, sản xuất nông nghiệp sau bão lũ.
Chiều 23/9, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dẫn đầu đi thăm, nắm bắt tình hình thiệt hại và phục hồi sản xuất nông nghiệp sau bão tại Hải Dương. Cùng đi với đoàn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Trần Văn Quân và đại diện một số sở, ngành liên quan.
Đoàn công tác đã kiểm tra thực tế tại tuyến đê tả sông Thái Bình, đoạn qua xã Thanh Hồng (Thanh Hà) và hệ thống bờ kênh Bắc Hưng Hải, đoạn qua địa bàn TP Hải Dương.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Quân đã báo cáo kết quả công tác phòng chống, khắc phục hậu quả bão lũ thời gian qua của tỉnh. Theo báo cáo, đoạn đê tả sông Thái Bình qua xã Thanh Hồng (Thanh Hà) nhiều năm nay nằm trong trọng điểm đê điều cấp tỉnh và hiện là trọng điểm về đê điều cấp tỉnh duy nhất của Hải Dương. Khu vực này địa chất nền và thân đê xấu, là đất pha cát, tầng phủ mỏng, đã xuất hiện nhiều sự cố đê điều là lỗ rò, thẩm lậu… Đặc biệt năm 1996, tại đây đã xảy ra sự cố vỡ đê gây hậu quả nghiêm trọng.
Về hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, đoạn qua khu vực tỉnh Hải Dương có nhiều điểm xung yếu. Mực nước trong hệ thống dâng cao đã làm xuất hiện 228 sự cố cố rò rỉ, tràn bờ, sạt mái kênh. Trong đó có 31 đoạn sạt trượt mái kênh với chiều dài 1.237m; 755 m bị thẩm lậu; 164 đoạn bị tràn qua bờ kênh với tổng chiều dài 32.060m; 60 sự cố mạch đùn, mạch sủi.
Sau khi nghe báo cáo và trực tiếp nắm bắt tình hình thực tế, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá cao công tác chủ động chỉ đạo ứng phó, phòng chống bão lũ, thiên tai của tỉnh, phát huy được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân, góp phần quan trọng giảm thiểu những thiệt hại về người và tài sản do bão lũ gây ra. Đặc biệt, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá cao đóng góp của lực lượng canh đê, bảo vệ điểm xung yếu, khu vực phát sinh sự cố nhằm bảo vệ an toàn hệ thống đê điều và thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Đồng chí đề nghị tỉnh cần sớm khắc phục hậu quả sau thiên tai, đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường.
Đoàn công tác đến thăm vùng sản nhà màng, nhà lưới của Hợp tác xã Tân Minh Đức ở xã Phạm Trấn (Gia Lộc). Gia Lộc là địa phương có diện tích sản xuất rau công nghệ cao bị thiệt hại nhiều nhất tỉnh. Bộ trưởng Lê Minh Hoan động viên, chia sẻ những thiệt hại to lớn của người dân về sản xuất nông nghiệp; đồng thời biểu dương bà con nông dân có tinh thần lạc quan, khắc phục khó khăn để nhanh chóng ổn định sản xuất sau bão lũ. Đồng chí nhấn mạnh, việc hỗ trợ thiệt hại nhà màng, nhà lưới chưa có trong Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9/1/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Qua kiểm tra thực tế, đoàn công tác sẽ tiếp thu, tổng hợp đầy đủ, trình cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Dịp này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Quân đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan tăng cường nguồn vốn tu bổ, duy tu bảo dưỡng công trình đê điều, thủy lợi, phòng chống thiên tai để xóa trọng điểm xung yếu, nâng cao khả năng chống chịu của hệ thống công trình phòng chống thiên tai trong điều kiện biến đổi khí hậu; quy trình giải quyết thủ tục hành chính về hỗ trợ khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai gặp nhiều bất cập ở cấp xã. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Bộ trưởng xem xét, cho phép thực hiện nắn chỉnh một số tuyến kênh trục trên hệ thống Bắc Hưng Hải để phù hợp Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trước đó, bão số 3 đã trực tiếp đổ bộ vào địa bàn tỉnh Hải Dương với cường độ gió mạnh cấp 12, giật cấp 13, gây ra mưa trên diện rộng với tổng lượng mưa phổ biến từ 90-150mm, có nơi mưa to trên 300mm (lịch sử nhiều năm chưa có). Ngay sau đó tỉnh Hải Dương lại bị ảnh hưởng bởi đợt lũ lớn, mực nước các sông lên rất nhanh, một số nơi đã vượt xa mực nước báo động III, duy trì nhiều ngày làm gia tăng nguy cơ mất an toàn đê điều và thủy lợi trên địa bàn tỉnh, gây ngập lụt bãi ngoài sông, ảnh hưởng lớn tới sản xuất, sinh hoạt của nhiều hộ dân ở các địa phương
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn bộ hệ thống chính trị, nhân dân trong tỉnh và các lực lượng quân đội hỗ trợ đã tập trung chuẩn bị và ứng phó với bão lũ. Tỉnh ban hành 17 công điện chỉ đạo; thông báo về tin bão, lũ kịp thời để để chủ động phòng tránh, lên phương án ứng phó. Xây dựng phương án cụ thể ứng phó với bão số 3; triển khai ngay kế hoạch, phương án phòng, chống lũ đã xây dựng. Các đồng chí Lãnh đạo tỉnh, cấp ủy trực tiếp xuống hiện trường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác ứng phó; đồng thời huy động trên 10.000 cán bộ chiến sỹ quân đội, công an, dân quân sẵn sàng ở các vị trí xung yếu; hàng trăm kiểm soát viên đê điều có mặt trên đê 24/24 để sẵn sàng xử lý sự cố đê điều giờ đầu. Hải Dương đã chủ động phát hiện và xử lý hơn 497 sự cố sự đê điều và kênh trục Bắc Hưng Hải...
Theo: TRẦN HIỀN(Báo Hải Dương)