Giữ và nâng sao cho sản phẩm OCOP là yêu cầu bắt buộc trong xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, không ít sản phẩm ở Hải Dương đã hết hạn nhưng chủ thể chưa quan tâm tham gia đánh giá để được công nhận lại
Nhiều sản phẩm bị rút sao
Theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, đến ngày 30/12 sắp tới sẽ có 60 sản phẩm OCOP Hải Dương đạt 3 và 4 sao năm 2020 sẽ hết hạn công nhận. Qua rà soát có khoảng 20 sản phẩm chủ thể chưa quan tâm tham gia đánh giá để được công nhận lại. Trước đó, trong số 13 sản phẩm OCOP Hải Dương 3 và 4 sao đã hết hạn sao trong tháng 12/2022 cũng có 8 sản phẩm đến nay vẫn chưa tham gia đánh giá lại.
Theo quy định, các sản phẩm được công nhận đạt OCOP sau 36 tháng là hết hạn công nhận, sẽ bị rút sao khi các chủ thể không làm hồ sơ để đánh giá, công nhận lại. Cũng tức là sao OCOP và tem nhãn có gắn sao OCOP hết hiệu lực, không được tiếp tục sử dụng. Sản phẩm đã bị rút sao nếu cố tình sử dụng và lưu hành tem nhãn gắn sao OCOP trên thị trường sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo bà Đào Thị Tuyết Mai, Phó trưởng Phòng Chế biến, thương mại và ngành nghề nông thôn (Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương), một cán bộ chuyên trách về sản phẩm OCOP, có nhiều nguyên nhân cho tình trạng nêu trên. Nguyên nhân khách quan do nhu cầu thị trường thay đổi nên chủ thể thay đổi hướng đi cho sản phẩm; thay đổi quy mô sản xuất, mẫu mã sản phẩm; cơ sở sản xuất gặp khó khăn nên phải dừng hoạt động…
Một số sản phẩm OCOP 3 và 4 sao năm 2019 chưa làm hồ sơ đánh giá, công nhận lại đều có lý do riêng. Như rươi, cáy cấp đông ở xã An Thanh (Tứ Kỳ) có lý do sản lượng chủ yếu được chuyển thành nguyên liệu cấp cho doanh nghiệp chế biến sâu, phù hợp hơn với yêu cầu của thị trường. Hay một số sản phẩm ở TP Hải Dương như bột mầm đậu nành (phường Bình Hàn), bánh đậu xanh mật ong và Rồng vàng Việt Hương (phường Quang Trung), Rồng vàng Hạnh Dung (phường Cẩm Thượng); ở thị xã Kinh Môn có tỏi đen Vietkiga (phường An Phụ)… do không còn đáp ứng yêu cầu của thị trường và chủ thể có khó khăn trong đầu tư sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Một nguyên nhân nữa theo một số chủ thể là hồ sơ, thủ tục đánh giá, công nhận lại cần khá nhiều công sức, thời gian và chi phí, trong khi việc được công nhận tiêu chuẩn OCOP 3 sao không mang lại nhiều sự đột phá cho sản phẩm.
“Nguyên nhân khác là do sản phẩm OCOP được công nhận lại cũng không còn được thưởng như lần đầu”, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Giàng Nguyễn Văn Thiện chia sẻ thêm.
Cần quan tâm nâng hạng sản phẩm
Một số sản phẩm OCOP nay đã chuyển đổi sang sản phẩm khác, hoặc đã nhập lại thành một nhóm. Rượu nếp Phú Lộc (xã Cẩm Vũ, Cẩm Giàng) là một ví dụ. Sản phẩm này đạt OCOP 4 sao năm 2019, nay chủ thể muốn mở rộng quy mô sản xuất và đổi mới sản phẩm để nâng sao OCOP. “Thay vì đánh giá lại sản phẩm OCOP đã đến hạn, chúng tôi đang tập trung nâng cao chất lượng và phát triển những sản phẩm mới”, đại diện Công ty TNHH Rượu Phú Lộc cho biết.
Theo tiêu chí mới, trứng gà Cẩm Đông (Cẩm Giàng) cũng khó nâng cấp sản phẩm OCOP 4 sao vì khó có thể xuất khẩu. “Để tham gia đánh giá lại OCOP, chúng tôi phải có xác minh tài chính 3 năm liên tiếp, đăng ký mã số thuế, phải làm hồ sơ đăng ký bảo vệ môi trường”, ông Đào Hữu Thuân ở xã Cẩm Đông, chủ thể sản phẩm OCOP nêu trên chia sẻ. Để tăng sức cạnh tranh trên thị trường, sản phẩm này đang đổi chủ thể từ quy mô sản xuất hộ sang hợp tác xã.
Ngày 24/2/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 148/QĐ-TTg về Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá phân hạng sản phẩm theo chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” thay thế Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019.
Bộ tiêu chí mới giữ nguyên cấu trúc của bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP với 3 phần (sản phẩm và sức mạnh cộng đồng; khả năng tiếp thị; chất lượng sản phẩm). Tuy nhiên, điều chỉnh lại cơ cấu điểm giữa 3 phần. Trong Bộ tiêu chí mới, đã nâng cao điểm số đánh giá thể hiện về chất lượng sản phẩm, đặc biệt là nâng cao giá trị văn hóa, câu chuyện sản phẩm, bao bì sản phẩm... Tiêu chí đánh giá mới với quy trình chặt chẽ hơn nên không ít sản phẩm OCOP 4 sao dễ bị tụt hạng.
Theo đồng chí Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phạm Thị Đào, nâng hạng sản phẩm OCOP là điều kiện thuận lợi để sản phẩm được nhiều người chọn và nâng cao giá trị trên thị trường trong nước, dần vươn ra các thị trường xuất khẩu. Các sản phẩm OCOP dứt khoát phải đi theo hướng thương hiệu, chất lượng và phải liên kết cùng nhau để phát triển sản phẩm. Không thể chỉ là "sản phẩm giảm nghèo" theo phương châm “nhanh, nhiều, tốt, rẻ”, mà phải xác định phát triển theo định hướng làm giàu. “OCOP là chương trình phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới. Vì vậy không chỉ giữ sao, mà nâng hạng sản phẩm OCOP là điều kiện bắt buộc”, bà Đào khẳng định.
Theo: THÀNH LONG(Báo Hải Dương)