Ứng dụng mạ khay cấy máy giúp tăng hiệu quả sản xuất và giải phóng sức lao động của nông dân
Hiệu quả rõ rệt
Đây đã là năm thứ 4 gia đình ông Phạm Văn La ở thôn Cậy, xã Long Xuyên (Bình Giang) cấy máy mạ khay thay vì gieo cấy thủ công. “Gia đình tôi chỉ còn hơn 1 sào ruộng nhưng không có người gieo cấy. Mô hình này không chỉ giúp giải phóng sức lao động cho người nông dân mà còn nâng cao năng suất, giảm sâu bệnh nên tiết kiệm chi phí hơn so với gieo cấy thủ công”, ông La nói.
Long Xuyên là một trong những địa phương đi đầu trong việc ứng dụng máy cấy mạ khay vào sản xuất. Vụ này có tới 80% diện tích gieo cấy của xã sử dụng dịch vụ mạ khay cấy máy. Các diện tích còn lại chủ yếu là nhỏ lẻ, máy cấy khó hoạt động. Ông Hoàng Hữu Bắc, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Long Xuyên cho biết mô hình cấy bằng máy đã tháo gỡ khó khăn về lao động cho nhiều địa phương. Nông dân được tiếp cận với khoa học kỹ thuật dần thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, nâng cao thu nhập.
Tại huyện Nam Sách, mô hình máy cấy mạ khay phát triển nhanh chóng. Nông dân phấn khởi bởi tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp đồng nghĩa việc tăng giá trị kinh tế. Vụ này huyện có hơn 500 ha cấy máy, tăng khoảng 100 ha so với vụ đông xuân. 100% số xã của huyện đều có từ 1 - 2 mô hình cấy máy. Diện tích tăng theo từng vụ đã chứng tỏ hiệu quả rõ rệt của mô hình máy cấy mạ khay.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, hiệu quả kinh tế của mô hình cao hơn từ 20-27% so với gieo cấy thủ công. Các mô hình này cho thu lãi từ 13,8 - 30,5 triệu đồng/ha, cao hơn so với gieo cấy thủ công từ 2,8 - 8,3 triệu đồng/ha. Đây cũng là giải pháp tốt nhất để sản xuất vùng lúa hàng hóa tập trung, hạn chế nông dân bỏ ruộng.
Các cơ sở mạ khay máy cấy phải chịu áp lực thời vụ và chi phí đầu tư lớn nên ít khả năng đầu tư mở rộng
Áp lực thời vụ lớn
Lợi ích từ mô hình mạ khay, cấy máy đã rõ ràng, tuy nhiên việc áp dụng phương pháp này dù đã tăng nhưng vẫn ở mức thấp. Theo Trung tâm Khuyến nông, sau hơn 3 năm thực hiện Đề án “Phát triển diện tích cấy máy giai đoạn 2020-2025”, diện tích lúa cấy máy bằng mạ khay trên địa bàn tỉnh có tăng nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của nông dân. Năm 2023, diện tích máy cấy đạt khoảng 14.000 ha, chiếm hơn 12% tổng diện tích gieo cấy toàn tỉnh, thấp nhất trong các khâu cơ giới. Nguyên nhân do sản xuất mạ khay đòi hỏi đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng: kho bãi, nhà xưởng (chứa máy móc, giá thể) và diện tích đất tập kết khay mạ. Bên cạnh đó, phần lớn cơ sở sản xuất mạ khay phải mua giá thể, chưa tự sản xuất được... dẫn đến chi phí sản xuất cao. Mặt khác, cơ sở dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng máy móc thiết bị nông nghiệp chưa phổ biến…
Anh Nguyễn Văn Thắng, chủ cơ sở cấy máy mạ khay ở thôn Vũ Xá, xã Ngô Quyền (Thanh Miện) cho biết, giá mỗi máy cấy Kubota ngồi lái công suất lớn khoảng 360 triệu đồng, 1 vạn khay mạ giá khoảng 200 triệu đồng. Với 5 máy cấy và 5,3 vạn khay mạ tổng chi phí đầu tư lên đến gần 3 tỷ đồng. Chi phí này chưa bao gồm nhân công, giống và giá thể mạ để gieo mạ khay. Trong khi đó, thời vụ gieo cấy chỉ từ 1 - 1,5 tháng nên dù nông dân ở các vùng đều có nhu cầu nhưng cơ sở cũng không thể đáp ứng được. “Vụ mùa này, cơ sở của tôi liên kết với 2 cơ sở nhỏ nữa ở trong huyện nhưng cũng chỉ phục vụ gieo cấy được khoảng 180 ha là tối đa. Không thể mở rộng được diện tích do không đáp ứng kịp khung thời vụ gieo cấy”, anh Thắng nói.
Ngoài đầu tư máy móc, nhân công, các cơ sở mạ khay máy cấy còn khó khăn trong việc đầu tư thuê mặt bằng, nhà xưởng để gieo mạ khay
Ngoài chi phí đầu tư lớn thì thực tế ở nhiều địa phương nông dân có tập quán gieo sạ nên máy cấy khó cạnh tranh. Nếu muốn phát triển mạnh mẽ cơ giới hóa trong khâu gieo cấy đòi hỏi có sự tham gia quyết liệt từ chính quyền địa phương và phải có định hướng rõ ràng trong việc áp dụng. Bên cạnh đó, môi trường để cây lúa cấy máy phát triển cũng cầu kỳ hơn lúa cấy tay. Mạ dược cấy tay cây dài khoảng 20 cm thì mạ khay cây chỉ ngắn khoảng 10 cm nên mặt ruộng phải thật phẳng, nước không bị ngập để cây lúa mới cấy xuống có thể phát triển sinh trưởng bình thường.
Chính sách hỗ trợ của tỉnh thông qua Đề án “Phát triển diện tích cấy máy giai đoạn 2020-2025” là động lực để các cơ sở sản xuất mạ khay cấy máy mở rộng quy mô sản xuất. Toàn tỉnh hiện có 43 cơ sở sản xuất mạ khay cấy máy tại 10 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó huyện Thanh Miện có 15 cơ sở sản xuất khoảng 900.000 khay mạ/vụ, huyện Bình Giang có 10 cơ sở sản xuất khoảng 1 triệu khay mạ/vụ, 18 cơ sở còn lại sản xuất khoảng 1,2 triệu khay/vụ.
Ông Nguyễn Phú Thụy, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, dù phát triển nhanh chóng trong thời gian ngắn nhưng hiện các cơ sở này còn rất ít khả năng để mở rộng. Nguyên nhân lớn nhất do kinh phí đầu tư và áp lực thời vụ. Áp lực thời vụ lớn, khung thời vụ mỗi trà lúa gieo cấy trong khoảng 10-15 ngày, các địa phương gieo cấy tập trung cùng thời điểm, máy cấy không đáp ứng đủ nhu cầu cấy máy của nông dân. Cùng với diện tích cấy lúa của các hộ ở một số địa phương còn manh mún nên máy cấy không phát huy hết công suất.
Theo: TRẦN HIỀN(Báo Hải Dương)