Số liệu của Bộ NN&PTNT cho thấy, xuất khẩu rau quả năm 2024 đạt 7,1 tỷ USD, tăng gần 27% so với cùng kỳ năm 2023. Từ nền tảng này, các ngành chức năng đang kỳ vọng ngành rau quả Việt có thể thu về hơn 8 tỷ USD trong năm 2025.
Quy định khắt khe
Tuy nhiên, thời cơ cũng đi liền với thách thức vì để xuất khẩu bền vững là không hề đơn giản. Đi liền với đó là hoạt động sản xuất trong nước tuy đã có những bước tiến những vẫn chưa thực sự bứt phá. Trong khi các quy định xuất khẩu của nhiều thị trường rất khắt khe.
Theo Cục Bảo vệ Thực vật, ngay như đối với xuất khẩu quả bưởi, mỗi thị trường cũng có những yêu cầu khác nhau về kiểm dịch thực vật. Thị trường Hoa Kỳ yêu cầu chiếu xạ ở liều hấp thụ tối thiểu 150 Gy, thị trường New Zealand yêu cầu chiếu xạ ở liều hấp thụ tối thiểu 400 Gy.
Còn thị trường Hàn Quốc, công tác kiểm dịch thực vật ngoài yêu cầu các cơ sở xử lý phải được đặt ngay trong cơ sở đóng gói được Cục Bảo vệ Thực vật phê duyệt thì việc tiến hành xử lý kiểm dịch thực vật phải dưới sự giám sát của cán bộ kiểm dịch thực vật Hàn Quốc và Việt Nam. Thời gian xử lý hơi nước nóng phải ít nhất 20 phút sau khi nhiệt độ tại tâm quả đạt 47 độ C hoặc thời gian ít nhất 40 phút sau khi nhiệt độ tại tâm quả đạt 46,5 độ C.
Ngay với quy định giám sát sinh vật gây hại của thị trường Hàn Quốc là yêu cầu giám sát tại các vườn trồng bưởi xuất khẩu đối với 2 loài sâu đục quả bưởi Prays endocarpa và Citripestis sagittiferella 2 tuần/lần từ thời kỳ ra hoa đến khi kết thúc thu hoạch.
|
Diện tích sầu riêng áp dụng quy trình canh tác tiên tiến, bền vững vẫn còn hạn chế. |
Đồng thời, nếu phát hiện 2 loài sâu kể trên với tỷ lệ nhiễm cao hơn tiêu chuẩn cho phép hoặc không thể kiểm soát bằng biện pháp hóa học thì vườn trồng của HTX, doanh nghiệp sẽ bị tạm ngưng xuất khẩu trong thời gian còn lại của mùa vụ.
Thị trường Hoa Kỳ lại yêu cầu kiểm soát tác nhân gây bệnh nấm chặt chẽ trên quả bưởi xuất khẩu. Do đó, thị trường này yêu cầu đơn vị xuất khẩu phải loại bỏ hết lá, cuống và các bộ phận khác của cây (trừ cuống ngắn hơn 2,5cm và vẫn còn gắn vào quả). Khi xuất khẩu, quả bưởi cũng phải được làm sạch, xử lý bằng thuốc diệt nấm (ví dụ hoạt chất Imazalil và/hoặc thiabendazole), và phủ màng toàn bộ quả.
Lô quả bưởi xuất khẩu sẽ bị từ chối nếu phát hiện được xử lý bằng lưu huỳnh (SO2), bao gồm cả Natri Metabisulfite (Na2S2O5).
Rõ ràng, những yêu cầu về xuất khẩu của mỗi thị trường là khác nhau nhưng nhìn chung đều rất khắt khe. Trong khi để đảm bảo được các quy định này, quy trình sản xuất, sơ chế của HTX, nông dân phải đúng từng bước.
Vậy nhưng theo thống kê của Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), diện tích áp dụng các giải pháp kỹ thuật (kỹ thuật canh tác, CSA, IPM, ICM, …) của 11 cây ăn quả chủ lực năm 2023 là khoảng 206.804,5ha, chiếm chưa đầy 25% tổng diện tích hiện có của 11 loại cây này trên cả nước.
Ngay như năm 2023, toàn quốc có 161.488ha chuối các loại (lớn nhất trong số diện tích cây trồng trên cả nước nhưng cũng mới chỉ có khoảng 12% diện tích áp dụng các giải pháp, quy trình canh tác tiên tiến, bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu. Còn sầu riêng, dù có diện tích đứng thứ nhì là hơn 150ha nhưng cũng chỉ mới có 24% diện tích áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến, bền vững.
Anh Lê Minh Trung, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Minh Trung (Tây Ninh) cho biết việc tiêu thu quả mãng cầu ở thị trường trong nước đối với HTX hiện khá thuận lợi. Xuất khẩu loại nông sản này cũng chủ yếu sang Campuchia và một số thị trường dễ tính vì toàn bộ diện tích hiện nay mới áp dụng tiêu chuẩn VietGAP. Theo anh Lê Minh Trung tiêu chuẩn này tương đối đơn giản, các thành viên, nông dân dễ áp dụng những nếu phục vụ xuất khẩu thì sẽ khó vì các thị trường hiện nay yêu cầu cao hơn về chất lượng.
Vượt thách thức ra sao?
Để đáp ứng tốt nhu cầu xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho người dân, HTX, chỉ riêng đối với ngành cây ăn quả, Bộ NN&PTNT đang đặt mục tiêu đến 2030, diện tích cây ăn quả cả nước đạt 1,3 triệu ha, sản lượng trên 16 triệu tấn. Trong đó, diện tích cây ăn quả chủ lực là 1 triệu ha, sản lượng 13-14 triệu tấn.
Rõ ràng việc tăng diện tích được giới chuyên gia cho rằng cần đi đôi với việc nâng cao chất lượng. Bởi hiện nay để xuất khẩu được một loại nông sản chính ngạch là không hề đơn giản. Ngay như thị trường Úc, hiện đã xuất khẩu một số nông sản như vải, xoài, thanh long, nhãn, chanh leo. Nhưng theo cục Bảo vệ thực vật, quá trình đàm phán mở cửa riêng quả chanh leo sang nước này từ năm 2016 khi Cục Bảo vệ thực vật gửi hồ sơ nhưng phải trải qua rất nhiều quy trình như: kiểm tra vùng trồng tại Việt Nam, lấy ý kiến…, Cục BVTV thực hiện Dose mapping- Úc đồng ý kết quả và đến tháng 8/2024, Cục BVTV và phía ÚC thống nhất các quy định xuất khẩu thì loại quả này mới chính thức xuất khẩu sang Úc.
Do đó, việc cần quan tâm đầu tiên đó chính là tổ chức sản xuất thông qua việc xây dựng vùng sản xuất cây ăn quả tập trung theo chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ, đủ điều kiện để cấp mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc. Trong đó, việc tập trung áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật đi đôi với đầu tư xây dựng cơ sở chế biến, bảo quản là hết sức quan trọng.
Ông Nguyễn Trung Quý, Giám đốc HTX nông nghiệp sạch Hưng Thịnh Phát (Tiền Giang), cho biết việc chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang áp dụng khoa học kỹ thuật như VietGAP, GlobalGAP cần đi đôi với đầu tư cải tạo, xây dựng hệ thống thủy lợi vùng sản xuất cây ăn quả chủ lực tập trung mới có thể đáp ứng được yêu cầu tưới, tiêu chủ động hay giúp HTX áp dụng công nghệ tưới tiên tiến tiết kiệm nước (như tưới nhỏ giọt, tưới phun sương…).
Trong khi hiện nay, nhiều HTX khó có thể chủ động trong đầu tư cơ sở hạ tầng. Do đó, cần sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý trong đầu tư các công trình thủy lợi tại các vùng sản xuất tập trung cũng như đầu tư các công trình giao thông kết nối vùng sản xuất tập trung với các trục giao thông chính và các công trình hạ tầng thiết yếu khác phục vụ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả một cách thuận lợi. Điều này cũng góp phần nâng cao chất lượng, giảm thất thoát sau thu hoạch.
Ông Hoàng Anh Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Intraco, cho biết yêu cầu về xanh hóa trong sản xuất đang được rất nhiều thị trường quan tâm. Nhưng để xanh hóa được quy trình sản xuất không chỉ các HTX, doanh nghiệp nhỏ mà ngay cả doanh nghiệp lớn cũng đang gặp khó khăn về nguồn vốn, nguyên phụ liệu, hạ tầng… Nhưng thực tế không còn con đường nào khác là các đơn vị sản xuất, xuất khẩu phải vượt qua điều này. Bởi ngay như việc thực hiện xanh hóa chuỗi thanh long bằng việc chuyển từ sử dụng bóng đèn compact sang đèn Led mà đơn vị này áp dụng có thể giúp giảm đến 68% lượng phát thải từ sử dụng điện năng.
Theo: Huyền Trang(VnBusiness)