Tin tức- hoạt động
Nông thôn mới thông minh nhìn từ những cánh đồng 'không dấu chân'
08/09/2023 02:33:46

Những làng quê thông minh, những thửa ruộng không dấu chân người… đã thành hiện thực ở nhiều địa phương của Việt Nam. Đó là minh chứng rõ nhất cho sự chuyển mình, “thay máu” nhờ xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu, trong đó hợp tác xã được xem là hạt nhân để thực hiện "số hóa" NTM.

Một trong những địa phương kể tới là Bình Phước - đang hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp thông minh vào năm 2025 có ít nhất 20% trang trại, doanh nghiệp với khoảng 5-7 sản phẩm được số hóa; phấn đấu đạt 5% vùng nguyên liệu, khâu sản xuất, chế biến các sản phẩm chủ lực của tỉnh được số hóa; 10% doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị được số hóa; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị và sản phẩm OCOP từng bước số hóa với mục đích năm 2023 đạt 30% sản phẩm OCOP được số hóa.

Chuyển đổi số trong canh tác nông nghiệp

Theo ông Hoàng Mạnh Thường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Phước, để hoàn thành mục tiêu này thì sự chủ động “nâng cấp mình” của mỗi người dân, đặc biệt là mỗi nông dân thời đại số chính là chủ thể quyết định. Tinh thần cầu tiến cùng với tư duy nhạy bén trước tín hiệu thị trường của nông dân sẽ là cơ hội, bước đệm để Bình Phước không chỉ hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu mà còn hướng đến mục tiêu cao hơn là nông nghiệp thông minh, nông thôn hiện đại” - ông chia sẻ.

-6954-1693532120.jpg

Chuyển đổi số là hướng đi tất yếu trong xu thế canh tác nông nghiệp thông minh và xây dựng nông thôn thông minh. 

Bằng cách đi thận trọng, thí điểm, lựa chọn HTX chuyển đổi số ở các mô hình điểm sau đó nhân rộng, đến nay toàn tỉnh Bình Phước đã có 84 HTX nông, lâm nghiệp tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị và cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng tiện lợi; 22 HTX ứng dụng công nghệ cao vào quy trình sản xuất, trong đó có 18 HTX nông nghiệp đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, RA, Organic.

Các cơ quan chức năng đã cấp 26 mã số vùng trồng cho diện tích chuối và sầu riêng với tổng diện tích hơn 2.000 ha để xuất khẩu chính ngạch. Các sản phẩm nông nghiệp mang tính đặc trưng, tiêu biểu cũng được cấp chứng nhận OCOP từ 3-5 sao để tạo thuận lợi cho người dân, HTX, tổ hợp tác đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử.

Có thể thấy, chuyển đổi số là hướng đi tất yếu trong xu thế canh tác nông nghiệp thông minh. Đây là một thách thức không nhỏ trong quá trình xây dựng nông thôn hiện đại. Tuy nhiên, sau 5 năm xây dựng chính quyền điện tử làm nền tảng chuyển đổi số, Bình Phước đã cơ bản hình thành cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin. Đây chính là bước đệm quan trọng, là cơ sở để tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới nông thôn thông minh.

Cánh đồng không dấu chân

Đặc biệt, cánh đồng không dấu chân đang được nhân rộng tại Bình Phước. Những nông dân như ông Trương Văn Đảo ở xã Phước Tín, thị xã Phước Long đã không còn cảnh chân lấm, tay bùn trong những năm gần đây. Sở hữu diện tích lớn, làm chủ máy móc hiện đại, cập nhật công nghệ mới là chân dung của những nông dân số trong giai đoạn hiện nay.

“Để số hóa vườn cây, toàn bộ diện tích vườn tôi đều áp dụng quy trình VietGAP, GlobalGAP, các khâu tưới nước, bón phân đều do máy móc thực hiện. Điển hình như quy trình tưới nước, trước đây phải cần 10 người kéo dây đến từng gốc cây thì nay chỉ cần một người đóng mở công tắc, tiết kiệm nhân công mà năng suất lao động cũng tăng lên”, ông Đảo chia sẻ.

-3303-1693532120.jpg

Khi người dân thay đổi tư duy sản xuất sẽ giúp giá trị nông sản thu về tăng cao, góp phần thay đổi diện mạo làng quê. 

Ông Đảo cũng là người tiên phong xây dựng kho đông lạnh bằng khí nitơ lỏng nên giữ được chất lượng sản phẩm tươi ngon đến tay người tiêu dùng. Đầu tư quy trình đóng gói, bảo quản sầu riêng theo quy trình bài bản, không chỉ xuất bán trái tươi, ông còn chế biến sâu trái sầu riêng xuất đi các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc. Ngay cả thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ hay các nước châu Âu cũng được ông tính đến.

Niềm vui trong vụ sầu riêng năm nay, diện tích sầu riêng của ông Đảo và các thành viên HTX cây ăn trái Bàu Nghé đã được Trung Quốc cấp mã vùng trồng 200 ha, đủ điều kiện xuất hàng chính ngạch và đang chuẩn bị hồ sơ để được cấp thêm mã vùng trồng 44 ha của 16 hộ khác trong vùng.

Hay như với Hải Dương, thành quả của hành trình xây dựng NTM ở địa phương này cũng bắt đầu từ sự “thay da đổi thịt” của chính những người nông dân. Từ những nông dân quanh năm chân lấm tay bùn, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, coi “con trâu là đầu cơ nghiệp”… nay nhiều người đã thành những nông dân hiện đại.

Nhiều nơi, cơ giới hóa đã phát triển mạnh mẽ, thay thế toàn bộ sức người trên đồng ruộng. Như hàng chục mẫu ruộng ở xã Tứ Cường (Thanh Miện) được canh tác hoàn toàn tự động từ làm đất, gieo hạt, bón phân… đến thu hoạch. Người nông dân chỉ cần bấm nút điều khiển.

Tạo làn gió mới

Từ mấy năm nay, ngành nông nghiệp tỉnh Hải Dương vận động, khuyến khích nông dân trên địa bàn canh tác lúa theo mô hình cánh đồng "không dấu chân". Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương Lương Thị Kiểm: Cánh đồng "không dấu chân" nghĩa là việc sản xuất lúa được cơ giới hóa từ khâu làm đất, cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân, thu hoạch.

Lợi ích khi thực hiện cánh đồng "không dấu chân" không chỉ giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả, mà còn giúp khắc phục tình trạng thiếu lao động do chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp. Tác dụng nữa của mô hình này là người nông dân không trực tiếp lội ruộng nên hạn chế khả năng mang các mầm bệnh gây hại cho cây trồng phát tán từ cánh đồng này sang cánh đồng khác.

Đặc biệt, khi thực hiện mô hình sẽ tạo điều kiện cho các HTX, tổ hợp tác, cá nhân tập trung ruộng đất sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế, khắc phục tình trạng bỏ ruộng.

Đến nay, Hải Dương có khoảng 1.000ha được áp dụng theo mô hình này, trong đó phát triển mạnh ở những địa phương thiếu hụt lao động trong nông nghiệp, những vùng tích tụ ruộng đất quy mô lớn nên bắt buộc phải cơ giới hóa nhằm tiết kiệm chi phí đầu vào, giảm giá thành, nâng cao hiệu quả canh tác.

Tại xã Long Xuyên, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Long Xuyên Hoàng Hữu Bắc cho biết: "Hiện nay, HTX đang làm dịch vụ cho người dân với diện tích khoảng 160ha. Việc cơ giới hóa đã mang lại hiệu quả hơn so với gieo cấy truyền thống từ 300 nghìn đến 400 nghìn đồng/sào nhờ giảm chi phí công lao động, thuốc bảo vệ thực vật sử dụng ít hơn, trong khi năng suất lại cao".

Xuyên suốt hành trình hơn 10 năm xây dựng NTM, một điểm nhấn nổi bật của Hải Dương là tinh thần xây dựng NTM vì dân. Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, tỉnh phát huy được vai trò chủ thể của người dân, tạo nên khối đại đoàn kết toàn dân trong xây dựng NTM.

Có thể thấy, khi người nông dân thay đổi trong tư duy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, khai thác các chiều, tầng của giá trị đất đai, giá trị văn hoá vô hình từ sản phẩm, đã góp phần nhân đôi, nhân ba… giá trị canh tác, sản xuất. Và khi thu nhập nâng cao, nông dân không chỉ xây nhà cao cửa rộng cho gia đình mà còn có điều kiện góp công, góp của xây dựng cơ sở hạ tầng, làm thay đổi diện mạo làng quê.

Thực tế, sau khi hoàn thành xây dựng NTM, nhiều địa phương trên cả nước đã bắt tay ngay vào xây dựng NTM nâng cao, rồi NTM kiểu mẫu, tạo nên nhiều “làn gió mới” ở khu vực nông nghiệp, nông thôn bởi cách làm trên. 

Bởi vậy, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, xây dựng NTM là một cuộc cách mạng về tư duy, nhận thức và mục tiêu, tiến tới nhận thức chung là chúng ta đang làm một cuộc cách mạng, là giải pháp để khắc phục sự xung đột, mâu thuẫn trong quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa nông thôn.

“Tri thức hóa, tăng cường năng lực cho người nông dân để tham gia chương trình, để mọi người dân nông thôn đều là chủ thể của làng quê”, Bộ trưởng Hoan nói.

                                                                            Theo: Minh Anh(VnBusiness) 

Các tin mới hơn
Mức hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại do bão số 3(29/11/2024)
HTX thích ứng linh hoạt trước thay đổi của thị trường nhập khẩu(29/11/2024)
Cơ hội hợp tác đầu tư tại Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, HTX năm 2024(28/11/2024)
Thất bại ở 'xứ sở sương mù' về quê thành trùm buôn nông sản(25/11/2024)
Rau vụ đông sớm ở Hải Dương thắng lớn(20/11/2024)
Các tin cũ hơn
Hải Dương xây dựng 5 hợp tác xã kiểu mới(07/09/2023)
Hội nghị xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu tiêu thụ sản phẩm khu vực kinh tế tập thể(24/08/2023)
Nhiều điểm mới về thành lập doanh nghiệp của hợp tác xã(10/08/2023)
Người nuôi cá truyền thống lao đao vì dịch(07/08/2023)
Liên kết vùng – 'chìa khóa' giúp kinh tế địa phương cất cánh(03/08/2023)
Video
na
na
na
na
na
na
na
na
na
Liên kết website