Khoa học công nghệ là khâu khâu đột phá đưa kinh tế nông nghiệp Việt Nam có được kết quả này. Dự báo, xuất khẩu nông - lâm - thủy sản năm 2024 có thể chạm mốc 60 tỷ USD.
Sáng ngày 28/8/2024, tại Thủ đô Hà Nội, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Diễn đàn 'Tái cơ cấu nông nghiệp: Giải pháp phát triển hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản' . Đồng chí Cao Xuân Thu Vân, Bí Thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam và Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến đồng chủ trì Diễn đàn.
Diễn đàn lần này thu hút sự quan tâm của hơn 100 đại biểu đến từ các Bộ, ngành, viện nghiên cứu cùng với các chuyên gia trong và ngoài nước, nhà khoa học và đại diện các hợp tác xã, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trong nước và các tổ chức quốc tế. Đây là cơ hội đặc biệt để các bên liên quan cùng thảo luận và tìm kiếm giải pháp phát triển bền vững cho chuỗi giá trị nông sản. Các đại biểu, diễn giả kết nối, chia sẻ, trao đổi, thảo luận tập trung vào việc cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp tại Nghị quyết số 106/NQ-CP của Chính phủ, nhằm thúc đẩy sự phát triển của hợp tác xã nông nghiệp trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, các báo cáo và thảo luận tại diễn đàn sẽ đi sâu vào những giải pháp nhằm phát triển hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản, yếu tố sống còn trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu ngày càng sâu rộng.
Chia sẻ tại diễn đàn các đại biểu cho rằng, cần tăng cường ứng dụng công nghệ mới trong cải tiến về giống cây trồng và vật nuôi, tối ưu hóa quy trình sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua việc đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản Việt Nam, một số đại biểu đề xuất, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các chính sách của Nhà nước, đồng thời tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực cho các hợp tác xã và doanh nghiệp nông nghiệp, coi phát triển bền vững chuỗi giá trị nông sản không chỉ là vấn đề kỹ thuật mà còn là chiến lược lâu dài để bảo đảm sự bền vững cho nền nông nghiệp Việt Nam.
Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thuỷ chia sẻ thêm, ngành Nông nghiệp cần có các giải pháp về tổ chức sản xuất như: Hoàn thiện và công bố quy hoạch các vùng nuôi trồng hàng nông sản xuất khẩu theo từng nhóm hàng đặc trưng trên từng địa bàn; khuyến khích các hộ nuôi trồng sản phẩm nông sản đăng ký chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP…
Những năm qua, thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp, khoa học công nghệ đã có những đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có ngành nông nghiệp. Những ứng dụng khoa học công nghệ bao trùm trên tất cả các lĩnh vực từ trồng trọt, bảo vệ thực vật, chăn nuôi, thú y, thủy sản, lâm nghiệp, thủy lợi, công nghệ sau thu hoạch…, góp phần thúc đẩy sản xuất, chế biến, kinh doanh theo hướng liên kết chuỗi giá trị, hình thành vùng sản xuất khép kín quy mô hàng hóa, hiện đại, đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả và đảm bảo tính bền vững trong chuỗi giá trị nông sản là một vấn đề lớn, một chủ đề quan trọng đối với tăng trưởng, phát triển bền vững của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp thực hiện chủ trương tái cơ cấu và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, to lớn, tăng trưởng duy trì ở mức cao - năm 2023 tăng 3,83%, cao hơn mức Chính phủ giao. 6 tháng đầu năm 2024, ngành Nông nghiệp tăng trưởng 3,38%, nhiều chuỗi giá trị ngành hàng được hình thành, phát triển mạnh mẽ, nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam đã có mặt tại các thị trường quốc tế (kể cả thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản). Sản lượng các loại cây trồng và vật nuôi chủ lực như lúa, cà phê, cao su, trái cây, thủy sản ngày càng tăng.
Các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị được phát triển phù hợp với điều kiện sản xuất của vùng, tiểu vùng và từng địa phương đê nâng cao giá trị sản phẩm; nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và lâm nghiệp đã được hình thành, phát triển mang lại hiệu quả kinh tế cho cả doanh nghiệp và nông dân.
Thứ trưởng cũng lưu ý, để nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững chuỗi giá trị nông sản, cần tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp, hiệu quả theo hướng đổi mới cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Tập trung vào các sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh cao, đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, phát triển sản xuất theo hướng hữu cơ an toàn, phát triển nông nghiệp công nghệ cao ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn tạo giống cây trồng và vật nuôi, sản xuất phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sinh học, ứng dụng công nghệ thông tin và tự động hoá trong quản lý sản xuất.
Cũng tại Diễn đàn, Chủ tịch liên minh HTX Việt Nam, Cao Xuân Thu Vân cho biết: Trong gần 8 tháng năm 2024, hoạt động sản xuất nông, lâm, nghiệp và thuỷ sản trong cả nước có nhiều điểm sáng nổi bậc. Điều này khẳng định việc tái cơ cấu nông nghiệp đang đi đúng hướng, thực hiện đúng đường lối phát triển ngành nông nghiệp, trong đó sự đóng góp cực kì quan trọng của khu vực kinh tế hợp tác với hơn 20.000 HTX nông nghiệp và hàng chục ngàn tổ hợp tác nông nghiệp với hơn 3,8 triệu thành viên HTX là nông dân.
Quang cảnh hội nghị
Hiện nay, cả nước đang có trên 4.000 HTX tham gia liên kết theo chuỗi giá trị, chiếm gần 13% tổng số HTX. Việc phát triển hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản là vấn đề sống còn trong tái cơ cấu nông nghiệp nhằm đáp ứng thị trường quốc tế đang tiếp tục được mở rộng với Việt Nam.
Mặc dù có nhiều lợi thế nhưng mặt hạn chế vẫn có, những thách thức nhất định cho việc phát triển bền vững chuỗi giá trị nông sản. Đặc biệt là mối liên kết giữa các liên kết trong cùng một khâu cũng như giữa các khâu với nhau trong chuỗi giá trị còn khá lỏng lẻo.
Chính vì thế, trong các giải pháp phá triển chuỗi giá trị nông sản, bền vững và hiệu quả không thể thiếu vai trò nòng cốt của các HTX nông nghiệp. Trong tương lai, các HTX nông nghiệp cần tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động theo hướng phát triển bền vững, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cho biết thêm: “Để phát triển bền vững chuỗi giá trị nông sản trong tái cơ cấu nông nghiệp phải đẩy mạnh phát triển liên kết giữa các hợp tác xã, hợp tác xã với doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, Viện nghiên cứu, chính sách. Các chính sách hỗ trợ thúc đẩy chuỗi giá trị nông sản Việt không thiếu, vấn đề còn lại chính là năng lực, và việc tiếp cận của các tác nhân trong chuỗi”.
Việc xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị từ người nông dân, hợp tác xã đến doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu là một trong những giải pháp quan trọng để đạt được mục tiêu này.
Cùng với đó, Diễn đàn cũng tổ chức không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm tiêu biểu của một số vùng miền trên các lĩnh vực trồng trọt - bảo vệ thực vật; chăn nuôi - thú y; nông, lâm, thủy sản.
Diễn đàn lần này hứa hẹn mang lại những giải pháp thiết thực, góp phần nâng cao hiệu quả và bền vững cho chuỗi giá trị nông sản Việt Nam, đồng thời mở ra những cơ hội mới cho ngành nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới./.
TRẦN MINH ĐỨC
Phó chủ tịch Liên minh HTX tỉnh