Hiện, đóng góp của khu vực kinh tế tập thể, HTX vào GDP trung bình đạt khoảng 4,8%, đóng góp gián tiếp khoảng 30% GDP cả nước thông qua giá trị gia tăng của kinh tế hộ thành viên. Khu vực kinh tế tập thể cung ứng cho thị trường từ 18-32% hàng lương thực, thực phẩm và nhiều mặt hàng tiêu dùng khác, góp phần vào ổn định giá cả thị trường và kiềm chế lạm phát.
Nút thắt kìm hãm đà phát triển
Rõ ràng, khu vực kinh tế tập thể, HTX đã có những đóng góp nhất định vào phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, đằng sau những con số ấn tượng đó là những thách thức không nhỏ, xuất phát từ cả yếu tố nội tại và những tác động từ bên ngoài.
Một trong những "nút thắt" theo các chuyên gia đó là sự thiếu đồng bộ và thống nhất trong quản lý. Sự phân tán trong chỉ đạo và hoạt động giữa Liên minh HTX tỉnh-thành và các cấp địa phương đã làm giảm sức mạnh tổng thể và hạn chế khả năng hỗ trợ, liên kết giữa các HTX.
Bên cạnh đó, hệ thống thông tin về KTTT, HTX dù đã được xây dựng nhưng mới chỉ dừng lại ở việc quản lý dữ liệu hành chính, tuyên truyền cơ bản mà hầu như bỏ qua những khía cạnh quan trọng như quản lý pháp lý, vốn và tài chính... Sự thiếu hụt thông tin ở nhiều khía cạnh như vậy gây khó khăn cho việc hoạch định chính sách, đánh giá hiệu quả hoạt động và đưa ra các giải pháp hỗ trợ kịp thời cho các HTX. Còn về khía cạnh các HTX, điều này khiến HTX bị rơi vào tình trạng mù mờ thông tin, trong khi những nhu cầu về vốn, tài chính, pháp lý đều rất quan trọng.
Không dừng lại ở đó, sự thiếu vắng các quy chuẩn chất lượng đặc thù của địa phương đang trở thành một rào cản lớn cho sự phát triển của các sản phẩm mang thương hiệu của các tỉnh, thành phố.
Việc chỉ áp dụng các quy trình chất lượng chung của Trung ương khiến các HTX, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp và chế biến, thiếu đi những tiêu chí cụ thể để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.
Nhìn vào hệ thống pháp lý hiện nay có thể thấy, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn Kỹ thuật năm 2006 quy định về nguyên tắc, đối tượng, thẩm quyền xây dựng, ban hành tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Tuy nhiên, luật chung chung, chưa đi sâu vào các quy chuẩn cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực chế biến nông sản.
 |
Với những chính sách phù hợp, khu vực KTTT, HTX hoàn toàn có thể đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước. |
Hay Luật An toàn thực phẩm năm 2010 chủ yếu tập trung vào an toàn vệ sinh, chưa đi sâu vào các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm chế biến. Còn các luật chuyên ngành liên quan đến nông nghiệp (Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi, Luật Thủy sản…) cũng chủ yếu điều chỉnh hoạt động sản xuất ban đầu, ít đề cập đến các quy trình và tiêu chuẩn cụ thể cho chế biến sau thu hoạch.
Các Nghị định, Thông tư hướng dẫn: Chính phủ và các Bộ ngành (Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ,...) đã ban hành nhiều nghị định, thông tư hướng dẫn chi tiết hơn về tiêu chuẩn, quy chuẩn trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm. Tuy nhiên, sự bao phủ và tính đồng bộ của các văn bản này đối với lĩnh vực chế biến nông sản vẫn còn hạn chế.
Chính vì vậy ở góc độ đơn vị sản xuất chế biến nông sản, đặc biệt là những sản phẩm OCOP, nhiều HTX đang bị hạn chế khả năng nâng cao giá trị và mở rộng thị trường cho các sản phẩm này.
Anh Nguyễn Ngọc Thành, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Tân Hòa Đông (Tiền Giang), cho biết nhiều loại nông sản đặc trưng của các vùng miền chưa có quy chuẩn chế biến riêng, dẫn đến việc các cơ sở chế biến hoạt động dựa trên kinh nghiệm hoặc các tiêu chuẩn tự đặt ra, khó đảm bảo chất lượng đồng đều và khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Trong khi OCOP được đánh giá là một chủ trương đúng đắn để khẳng định các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Nhưng hiện nay có quy định mỗi HTX phải có ít nhất một sản phẩm OCOP và phải tăng số lượng theo từng năm đang tạo ra một áp lực không nhỏ cho chính các HTX.
Và chỉ tính riêng số lượng HTX nông nghiệp hiện tại trên cả nước là khoảng 22.000 mô hình. Nếu mỗi HTX đều cố gắng đạt và tăng số lượng sản phẩm OCOP thì sẽ xảy ra tình trạng thị trường có thể bị bão hòa và mất đi tính đặc trưng của sản phẩm. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều HTX phải cố gắng "chạy theo" OCOP mà có thể bị động trong hoàn thiện chất lượng và tính độc đáo của sản phẩm.
Không chỉ đối mặt với những khó khăn nội tại, các HTX còn chịu tác động mạnh mẽ từ các yếu tố ngoại cảnh, đặc biệt là thiên tai. Theo Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Quảng Ninh, ông Ngô Tất Thắng, trận bão số 3 (bão Yagi) năm ngoái đã gây ra thiệt hại lên đến 600 triệu USD cho Quảng Ninh, trong đó có cả những thiệt hại không nhỏ cho các HTX. Điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự thiếu hụt các cơ chế phòng vệ thương mại và quản lý rủi ro hiệu quả cho khu vực kinh tế tập thể, HTX, nhất là chính sách về bảo hiểm nông nghiệp.
Khát vọng vươn lên
Có thể thấy, rất nhiều HTX đang đứng trước không ít khó khăn trong quá trình phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh. Ngay như việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng, mặc dù có tài sản, nhưng quy trình định giá và góp tài sản vào HTX còn nhiều rườm rà, khiến nhiều người đứng đầu HTX phải tìm đến các giải pháp khác như sử dụng tài sản cá nhân để vay vốn, tiềm ẩn nhiều rủi ro về tài chính.
Không nằm ngoài những thách thức chung của quá trình tái cơ cấu bộ máy hành chính, với việc sáp nhập xã và huyện trong tương lai, anh Nguyễn Ngọc Thành bày tỏ lo ngại về việc liệu HTX có còn nhận được sự ưu ái như trước đây hay không, khi nhiều xã có thể sáp nhập thành một và tồn tại nhiều HTX trên cùng một xã. Tiêu chí số 13 trong Xây dựng Nông thôn mới về số lượng thành viên tối thiểu để thành lập HTX cũng trở thành một áp lực lớn, khi việc sáp nhập xã có thể dẫn đến tình trạng các HTX phải "làm thật" để đáp ứng tiêu chí này, nếu không sẽ bị đào thải.
Thực tế này đặt ra yêu cầu các HTX phải tinh gọn bộ máy và nâng cao chất lượng hoạt động thay vì chỉ tập trung vào số lượng thành viên. Do đó, với vai trò là người đứng đầu một HTX, anh Nguyễn Ngọc Thành cho rằng, với 52 thành viên hiện tại, việc HTX tăng thêm thành viên chưa chắc đã mang lại hiệu quả nếu không đảm bảo được chất lượng, sự gắn kết của các thành viên.
Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Quảng Ninh cũng cho rằng, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay, việc xây dựng và tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng, kể cả tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế về chế biến nông sản, thực phẩm là yếu tố then chốt để hàng hóa của các HTX có thể cạnh tranh và phát triển bền vững.
Chính vì vậy, cần thành lập ban chỉ đạo đổi mới quốc gia về chuyển đổi số nói chung, chế biến nông sản thực phẩm nói riêng do Liên minh HTX Việt Nam đứng đầu nhằm hỗ trợ các HTX tiếp cận và ứng dụng các tiêu chuẩn về sản xuất, chế biến hàng hóa, và coi đây là một giải pháp mang tính chiến lược.
Theo các chuyên gia, việc điều chỉnh quy định về số lượng sản phẩm OCOP của mỗi HTX theo hướng chú trọng chất lượng và tính đặc trưng, tránh tình trạng chạy theo số lượng gây loãng thị trường cần được chú trọng. Thay vào đó, cần hỗ trợ các HTX tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP, xây dựng thương hiệu và kết nối thị trường tiêu thụ. Đi liền với đó là hỗ trợ các HTX tiếp cận nguồn vốn, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất sản phẩm OCOP, nâng cao giá trị gia tăng và tính cạnh tranh.
Có như vậy, khu vực kinh tế tập thể, HTX mới vượt qua những thách thức hiện tại, phát huy tiềm năng và đóng góp ngày càng quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo: Huyền Trang(VnBusiness)