HTX Rau sạch Yên Dũng (Bắc Giang) trong đợt bão số 3 (bão Yagi) diễn ra vừa qua dù thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng nhưng để ổn định lại sản xuất, hầu hết thành viên HTX phải tự xoay xở bằng các cách khác nhau. Đến thời điểm này, HTX cũng chưa tham gia bảo hiểm nông nghiệp.
Bảo hiểm nông nghiệp chưa đi vào thực tiễn
Theo thống kê của Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh phải đến 90% nông dân, HTX hiện nay chưa tiếp cận được với bảo hiểm nông nghiệp. Còn theo thống kê của Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, tỷ trọng doanh thu của các doanh nghiệp bảo hiểm hiện nay vẫn tập trung phần lớn vào các loại hình bảo hiểm như: bảo hiểm sức khỏe (gần 35%), bảo hiểm xe cơ giới (gần 23%), bảo hiểm cháy nổ (15%), bảo hiểm tài sản (khoảng 11%)… nhưng với bảo hiểm nông nghiệp thì chỉ chiếm 0,09%.
Trong khi Việt Nam là một nước nông nghiệp, 60% dân số đang sinh sống ở các vùng nông thôn và phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, sản xuất nông nghiệp đang là trụ đỡ của nền kinh tế cả nước. Năm 2023, xuất khẩu nông lâm thủy sản thu về 53 tỷ USD và 10 tháng của năm 2024, ngành này đã thu về hơn 51,7 tỷ USD.
Còn theo các nhà chuyên môn, các nước phát triển nông nghiệp trên thế giới phát triển rất tốt hệ thống bảo hiểm nông nghiệp, người dân nước họ cũng tiếp cận rất tốt chính sách, dịch vụ này.
Tại Hà Lan, 100% trang trại chăn nuôi của người dân, HTX đều có bảo hiểm nông nghiệp. Hay ở Mỹ, khoảng 86% nông dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp; tại Nhật Bản, bảo hiểm nông nghiệp đã bao phủ trên toàn quốc…
|
Bảo hiểm nông nghiệp vẫn còn ở rất xa người dân, HTX. |
Còn tại Việt Nam, rõ ràng đang có sự chênh lệch không nhỏ về quy mô, vai trò của ngành nông nghiệp với việc người dân, HTX tham gia và được hưởng thụ những chính sách từ bảo hiểm nông nghiệp.
Đối với các HTX, việc được tham gia, hỗ trợ tham gia các chính sách, trong đó có chính sách bảo hiểm nông nghiệp sẽ giúp họ có nguồn tài chính để bù đắp vào những rủi ro. Đây cũng là niềm vui, sự khích lệ to lớn đối với người làm nông nghiệp.
Ông Nguyễn Sỹ Bính, Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản Phất Cờ (Quảng Ninh), cho biết cơn bão số 3 vừa qua khiến mỗi thành viên thiệt hại lên đến cả chục tỷ đồng nhưng một số chính sách hỗ trợ của ngành nông nghiệp và ngay việc các cửa hàng bán vật tư phục vụ nuôi thủy sản tại Quảng Ninh chủ động giảm giá đã khiến các thành viên HTX rất cảm kích. Nếu tiếp cận được với bảo hiểm nông nghiệp, thành viên HTX sẽ mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật và nâng cao hiệu quả sản xuất mà không quá lo ngại về các rủi ro thiên tai.
Có thể thấy, bảo hiểm nông nghiệp giúp tạo tâm lý an tâm cho người nông dân, thành viên HTX từ đó thúc đẩy quá trình hiện đại hóa sản xuất. Những rủi ro từ dịch bệnh thiên tai gây thua lỗ sản xuất có thể sẽ khiến các HTX không dám mạo hiểm đầu tư vào những mô hình công nghệ sản xuất hiện đại cho hiệu quả kinh tế cao nhưng tiềm ẩn rủi ro lớn hơn.
Nút thắt trong liên kết và công nghệ
Trên thế giới, bảo hiểm nông nghiệp đã phát triển từ những năm đầu của thế kỷ XX và nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của chính phủ và người dân các nước.
Còn ở Việt Nam, bảo hiểm nông nghiệp hiện nay dường như vẫn còn khá mới mẻ với người dân, HTX. Trong khi Việt Nam là nước nông nghiệp, hàng năm thiên tai, dịch bệnh đã cướp đi khối tài sản ước tính lên khoảng 1,5% GDP.
Vì vậy người nông dân, HTX rất cần một sự đảm bảo cho thành quả lao động của mình và bảo hiểm nông nghiệp chính là điểm tựa đáng tin cậy khi những rủi ro ngoài mong muốn xảy ra.
Tuy nhiên, mô hình bảo hiểm nông nghiệp ở nước ta hiện nay vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm và còn khá nhiều nút thắt từ phía các doanh nghiệp cung cấp bảo hiểm và từ phía người dân, HTX tham gia mua bảo hiểm.
Một trong những nút thắt hiện nay mà cả nông dân, HTX tham gia bảo hiểm nông nghiệp và doanh nghiệp bảo hiểm đều gặp phải là quy trình bồi thường phức tạp, với các yêu cầu giám định đặc thù và tốn nhiều thời gian. Trong khi cả đơn vị giám định và các HTX đều thiếu cơ sở dữ liệu chính xác để đánh giá mức độ thiệt hại dẫn đến thời gian chi trả bồi thường chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân, HTX.
Điều này chính là do nền sản xuất nông nghiệp của Việt Nam còn manh mún, khi quy mô sản xuất nhỏ thì khả năng tham gia bảo hiểm hạn chế, chi phí bảo hiểm lớn, làm cho chi phí tham gia bảo hiểm của người xuất (chi phí của doanh nghiệp đảm nhiệm công tác bảo hiểm) tăng cao. Đó là khó khăn của cả hai bên khi tham gia bảo hiểm.
Do đó, theo ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng Thư Ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, việc ứng dụng công nghệ cao như máy bay không người lái, big data… sẽ giúp việc quan sát, thu thập chứng cứ, dữ liệu thiệt hại trên diện rộng một cách khách quan hơn.
Hiện, các nước trên thế giới đã thực hiện đánh giá, thu thập chứng cứ thiệt hại bằng công nghệ, máy móc hiện đại để giải quyết khó khăn này. Bà Nguyễn Thị Thu Liên, Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch (AFT), cho biết ở Úc, việc ứng dụng công nghệ blockchain trong đo đạc, xác minh, quản lý các thiệt hại, rủi ro đã được thực hiện và cho hiệu quả trên cả những cánh đồng, trang trại hay vùng nuôi trồng thủy sản quy mô rất lớn. Ngay cả việc dự báo rủi ro, thiên tai cũng được thực hiện bằng công nghệ thông minh nên việc xác định được mức độ thiệt hại, khả năng rủi ro cũng rõ ràng hơn. Điều này giúp quy trình giám định diễn ra nhanh chóng và chính xác hơn, đồng thời giảm thiểu các tranh chấp, rút ngắn thời gian bồi thường.
Để ứng dụng được công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, giới chuyên gia cũng cho rằng, việc hỗ trợ nông dân, HTX đầu tư sản xuất trên quy mô lớn là cần thiết. Bởi khi sản xuất trên quy mô lớn, tập trung thì việc đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại mới phát huy được tác dụng và giá trị trên thực tiễn.
Trong khi việc phát triển sản xuất của các HTX theo chuỗi giá trị hàng hóa quy mô lớn hiện vẫn gặp nhiều khó khăn vì khó tiếp cận đất đai, nguồn vốn… Các khâu từ sản xuất đến chế biến, xuất nhập khẩu, tiêu thụ, bảo hiểm và cả sự tham gia của Nhà nước vẫn còn rất rời rạc. Điều này cũng làm giảm sự phát triển của bảo hiểm nông nghiệp.
Theo: Huyền Trang(VnBusiness)