Tại Hội nghị tập huấn về ứng dụng chuyển đổi số trong phát triển sản phẩm, quảng bá và thương mại sản phẩm OCOP ngày 27/10, TS Nguyễn Hoàng Giang (Đại học Thương mại) dẫn câu chuyện một người bạn của ông sau khi vào một cửa hàng bán các sản phẩm organic rất ấn tượng bởi một chai giấm thủy tinh được thiết kế như dạng chai nước và có dây cầm tiện lợi. Tuy sản phẩm có giá cao gấp 3 lần so với sản phẩm giấm thông thường, nhưng đến tận bây giờ, bạn của ông Giang vẫn trung thành với sản phẩm giấm organic đó.
Chưa đầu tư chuyên nghiệp
“Điều này cho thấy, bao bì đã kết nối sản phẩm với người tiêu dùng. Nhất là những đơn vị sản xuất sản phẩm organic biết tận dụng những vật liệu thiết kế bao bì thân thiện môi trường”, ông Giang nói.
Một nghiên cứu cũng cho thấy, 64% người dùng quyết định mua sản phẩm trong 2 giây đầu vì bị thu hút bởi bao bì sản phẩm. Từ đó có thể thấy, bao bì không chỉ đơn giản là vật để chứa đựng sản phẩm mà còn là yếu tố giúp HTX bán được nhiều hàng ra thị trường.
Tuy nhiên, các HTX – khu vực chiếm 38,3% các chủ thể tham gia chương trình OCOP, hiện mới chỉ được đánh giá cao về chất lượng sản phẩm. Còn vấn đề bao bì sản phẩm tuy đã được các HTX quan tâm nhưng mới chỉ đạt được những thành công bước đầu, vì mới tạo được uy tín và thói quen của người tiêu dùng chứ chưa thực sự chạm tới ngưỡng được người tiêu dùng yêu thích giống như các thương hiệu lớn.
Bà Đinh Thị Quỳnh Nga, Giám đốc HTX thủ công mỹ nghệ Trái Tim Hồng (Hà Nội) cho biết, HTX đã tham gia chương trình OCOP và có nhiều sản phẩm như vòng bằng hạt gỗ, đệm ghế ô tô, chiếu hay gối được làm từ hạt gỗ hương…, nhưng HTX chưa biết đầu tư bao bì như thế nào cho phù hợp vì sản phẩm đa dạng về kích thước. Ngoài ra, HTX cũng sản xuất nấm sò tươi nhưng bao bì cũng làm bằng nilon và có thiết kế giống ngoài thị trường nên không gây ấn tượng với khách hàng.
 |
Bao bì sản phẩm OCOP sẽ quyết định đến việc mua hàng của nhiều người tiêu dùng. |
Theo các chuyên gia, bao bì của các HTX hiện vẫn chưa được đầu tư theo hướng chuyên nghiệp, màu sắc sặc sỡ, chưa nêu bật được thông điệp, sự đặc trưng của sản phẩm OCOP.
Nguyên nhân là vì chương trình OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) mới chính thức được Chính phủ phê duyệt từ năm 2018. Sau 3 năm, các HTX mới chỉ tập trung mọi nguồn lực vào nâng cao chất lượng sản phẩm.
Bà Từ Phương Thảo, chuyên gia thiết kế sáng tạo (Giám khảo Vietnam Design Week) cho biết, đối với mặt hàng thủ công mỹ nghệ, hàng khô, chi phí đầu tư cho bao bì sẽ chiếm khoảng 10-15% chi phí của toàn bộ sản phẩm. Còn đối với các mặt hàng tươi, chế biến sẵn, chi phí sẽ cao hơn bởi có nhiều yêu cầu để bảo đảm chất lượng sản phẩm trong quá trình vận chuyển, bảo quản… Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến việc đầu tư vào bao bì sản phẩm của các HTX chưa được chuyên nghiệp.
Theo bà Đinh Thị Quỳnh Nga, do những sản phẩm HTX thủ công mỹ nghệ Trái Tim Hồng làm ra đang phải cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp, trong khi các thành viên chủ yếu là người khuyết tật nên đầu tư cho bao bì sản phẩm “là cả một vấn đề” đối với HTX.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, bà Lê Thị Hường, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh và dịch vụ khoai lang Lâm Hường (Quảng Bình) cho biết, do chưa đủ điều kiện thuê đơn vị thiết kế riêng nên HTX phải sử dụng vỏ hộp do một đơn vị cung cấp. Nhưng hiện nay, phần nhãn hiệu vỏ hộp của đơn vị cung cấp thiết kế quá to, chiếm nhiều diện tích nên HTX buộc phải dùng tem dán lên để che đi phần nào.
Do chưa được đầu tư bài bản, chuyên nghiệp nên bao bì sản phẩm của các HTX hiện nay bị rơi vào tình trạng màu sắc quá sặc sỡ, cách bố trí hình ảnh, tem nhãn chưa phù hợp. Ngoài ra, nhiều HTX tuy đã đầu tư bao bì nhưng thiếu các thông tin cần thiết nên không chỉ khó để lại ấn tượng với người tiêu dùng trong nước mà còn không đáp ứng được các yêu cầu của các doanh nghiệp nước ngoài.
Nắm bắt thị trường trong chuyển đổi số
Hiện nay, Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi số, người tiêu dùng đang ưu tiên mua sắm theo hình thức online. Chính vì vậy, bao bì của các sản phẩm OCOP phải đáp ứng được yêu cầu của thị trường, xã hội.
Để làm được điều này, theo các chuyên gia, các HTX cần nắm bắt được đặc tính sản phẩm của mình để lựa chọn bao bì phù hợp. Chẳng hạn, sản phẩm là đồ ăn sẵn thì nên ưu tiên túi zip, sản phẩm là đồ khô có thể ưu tiên bao bì làm bằng giấy Kraft nhưng thay vì thiết kế kín, HTX có thể thiết kế hở và thêm phần quai xách để người tiêu dùng vừa nhìn được sản phẩm, vừa bảo đảm tính tiện dụng.
Đặc biệt, một trong những nguyên tắc được các chuyên gia khuyến nghị đối với các HTX trong thiết kế bao bì là cần đảm bảo được sự rõ ràng. Tức là bao bì phải làm cho sản phẩm có thể được phân biệt dễ dàng đối với sản phẩm của đối thủ cạnh tranh. Dẫn chứng cho vấn đề này, ông Lê Bá Ngọc, Tổng thư ký, Phó Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam cho biết, Coca-Cola luôn sử dụng nhãn mác bao bì màu đỏ, trong khi Pepsi lại luôn sử dụng nhãn mác bao bì màu xanh dương để khẳng định giá trị sản phẩm và thương hiệu trên thị trường.
“Tuy đây là cách làm có sự đầu tư của các “ông lớn”, nhưng các HTX có thể học hỏi để tạo dấu ấn cho sản phẩm”, ông Ngọc nói.
Bên cạnh đó, bao bì phải thể hiện được thông tin tối đa về bản chất sản phẩm, chẳng hạn như tên sản phẩm, trọng lượng, ngày sản xuất, thành phần, điều kiện bảo quản, hướng dẫn sử dụng… Đây là những thông tin quan trọng mà khách hàng luôn muốn tìm hiểu để biết kỹ hơn về sản phẩm họ định mua.
 |
Trà organic của HTX chế biến chè Phìn Hồ (Hà Giang) được đóng gói trong hộp ống tre đã mang nét đặc trưng và sự sáng tạo của sản phẩm. |
Sự phát triển của công nghệ đi đôi với diễn biến phức tạp của dịch bệnh khiến nhà nhà online, người người online. Chính vì vậy, ngoài các thông tin cơ bản, các chuyên gia cho rằng bao bì phải đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Tức là nhất thiết trên bao bì phải có mã QR để truy xuất nguồn gốc, có tem chống hàng giả (RFID, NFC – những con chíp) để có sử dụng điện thoại kiểm tra sản phẩm và cũng giúp đơn vị sản xuất kiểm tra được hàng có bị làm giả hay không.
Vì bán trên sàn thương mại điện tử nên bao bì cũng cần đáp ứng các nguyên tắc về kích thước. Nếu kích thước bao bì quá lớn sẽ gây khó khăn trong khâu vận chuyển, chất liệu bao bì nặng quá cũng làm gia tăng chi phí vận chuyển cho HTX.
Bên cạnh đó, các HTX cũng cần làm sao để bao bì, nhãn mác sản phẩm phải tác động về mặt cảm xúc đối với người tiêu dùng. Kiểu dáng bao bì phải tạo ấn tượng và làm khách hàng ưa chuộng. Khách hàng sẽ chú ý trước tiên đến những sản phẩm có bao bì đẹp, nhiều màu sắc, tao nhã hay pha chút gì đó độc đáo, lạ mắt.
Theo ông Lê Bá Ngọc, sức hút của bao bì thể hiện ở đặc điểm này, nó làm cho sản phẩm có tính cạnh tranh hơn và hấp dẫn hơn đối với người tiêu dùng. Chẳng hạn ở Nhật, chỉ cần một chiếc tem đổi màu, người tiêu dùng có thể nhận biết được chất lượng của thịt. Đây chính là điều tạo ấn tượng đối với khách hàng mà các đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP ở Việt Nam cần học hỏi.
Ngoài ra, yếu tố ngôn ngữ cũng cần được các HTX đặc biệt chú trọng khi thiết kế bao bì sản phẩm. Tùy theo từng thị trường tại mỗi quốc gia cụ thể mà HTX cần đề ra chính sách về ngôn ngữ cho phù hợp. Chẳng hạn, đối với sản phẩm bán ở Ðức thì bao bì phải in tiếng Ðức, sản phẩm bán ở Canada thì bao bì phải in song ngữ Anh và Pháp, sản phẩm bán ở Ðan Mạch và một vài nước châu Âu khác thì bao bì chỉ cần in tiếng Anh là đủ. Hiện nay, bao bì đa ngôn ngữ đang dần trở nên phổ biến đối với khách hàng tiêu dùng. Và đó cũng là cách để các HTX tiếp cận các thị trường tiềm năng trên thế giới.
Ngoài ngôn ngữ, theo các chuyên gia, số lượng sản phẩm được đóng gói bên trong các bao bì cũng khá quan trọng và quyết định đến việc mua hay không mua của người tiêu dùng. Chẳng hạn như ở thị trường Nhật, mỗi bao bì không nên gói 4 đơn vị sản phẩm, vì từ “four” tiếng Anh sẽ được phát âm gần giống như từ “chết” trong tiếng Nhật. Hay hộp bánh quy ở Mỹ phải cần có thêm các bao bì phụ bọc từng gói nhỏ trong hộp bánh để bảo đảm vệ sinh thực phẩm cho mỗi lần dùng, trong khi ở các thị trường khác chỉ cần một bao bì gói chung tất cả là đủ.
Huyền Trang
https://vnbusiness.vn/hop-tac-xa/khoac-ao-moi-cho-san-pham-ocop-cua-htx-1081958.html