Ruộng thu hoạch rươi, cáy của thành viên HTX sau chuyển đổi
Xã Thanh Xuân nằm ở phía đông của huyện Thanh Hà được bao bọc bởi sông Thái Bình nên rất thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp.
Từ nhiều năm trước, các hộ nông dân xã Thanh Xuân – Thanh Hà chủ yếu tập trung vào trồng lúa, bình quân 01 sào lúa cho thu nhập hàng năm chỉ vài triệu đồng. Sau đó, người dân đã có giai đoạn tập trung chuyển đổi toàn bộ các diện tích lúa sang trồng ổi, vải và một số cây ngắn ngày khác như quất, gừng, sả.
Tuy nhiên, gần đây, giá cả nông sản, cây ăn quả rất bấp bênh, nên thu nhập từ trồng trọt cây ăn quả cho thu nhập chỉ đạt 15 triệu đồng/sào/năm và người dân phải thường xuyên bỏ công lao động hàng ngày để làm đất, dọn cỏ, cắt tỉa cành lá, bón phân, phun thuốc trừ sau cho các diện tích cây ăn quả trên. Do đó, hiệu quả từ việc trồng trọt cây ăn quả vẫn chưa cao so với các mô hình khác.
Từ năm 2016, có gia đình ông Bùi Văn Đe – Thôn Xuân Áng (hiện đang là Phó Giám đốc HTX bảo tồn và khai thác rươi, cáy tự nhiên và chế biến nông sản sạch Thanh Xuân – Thanh Hà) mạnh dạn chuyển đổi 02 mẫu đất vườn sang bảo tồn và khai thác rươi, cáy tự nhiên cho hiệu quả kinh tế cao, đạt thu nhập trên 30 triệu/sào/năm. So với các diện tích trồng cây ăn quả thì hiệu quả cao hơn rất nhiều do lao động chỉ tập trung vào thu hoạch rộ rươi, cáy vào cuối tháng 09 âm lịch đến đầu tháng 11 âm lịch nên chi phí công lao động rất thấp trong khi doanh thu cao hơn hẳn.
Đến nay, học tập theo mô hình của Ông Bùi Văn Đe và các thành viên của HTX, toàn xã đã có nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển từ đất vườn, đất lúa giáp sông sang các diện tích bảo tồn và khai thác rươi, cáy tự nhiên, tổng diện tích đất chuyển đổi đạt trên 25 ha. Do đó, làm tăng thu nhập bình quân của người dân trong xã, nâng cao đời sống người dân, góp phần ổn định kinh tế và an sinh, xã hội của xã.
Qua trao đổi với Ông Nguyễn Quang Tý – Giám đốc HTX cho biết: Trong thời gian tới, diện tích bảo tồn và khai thác rươi cáy tự nhiên của xã sẽ còn được mở rộng và HTX sẽ tiếp tục phát triển, kết nạp thêm nhiều thành viên mới là các hộ gia đình mới đầu tư chuyển đổi mô hình sản xuất. HTX sẽ đóng vai trò kết nối, phổ biến kinh nghiệm, kỹ thuật khai thác rươi cáy tự nhiên và giúp đỡ các thành viên mới ổn định sản xuất nhưng cũng không làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Do đó, việc chuyển đổi mô hình sản xuất thông qua sự hỗ trợ của HTX sẽ làm tăng thu nhập bình quân của người dân trong xã, nâng cao đời sống người dân, góp phần ổn định kinh tế và an sinh, xã hội của xã.
Thanh Tùng