Ngày 8/9, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam ban hành công văn số 644/LMHTXVN-QHTPTHTX Báo cáo về hoạt động của các Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã địa phương và Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã Việt Nam.
Theo đó, tính đến 30/6/2022, cả nước có 51 Quỹ địa phương được thành lập và hoạt động từ năm 2004 đến nay, trực thuộc Liên minh Hợp tác xã cấp tỉnh; trong đó, 47 Quỹ địa phương do Liên minh Hợp tác xã cấp tỉnh trực tiếp quản lý, 04 Quỹ địa phương được uỷ thác cho tổ chức tài chính - tín dụng khác quản lý.
Tổng vốn điều lệ 51 Quỹ này là 990 tỷ đồng; tổng vốn hoạt động 2.262 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân 11,2%/năm. Doanh số cho vay 19.870 tỷ đồng; dư nợ cho vay đến 30/6/2022 là 1.561 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân 9,5%/năm; các Quỹ đã cho vay 11.059 lượt hợp tác xã, 2.200 tổ hợp tác, 750.000 lượt thành viên hợp tác xã, trong đó khu vực nông nghiệp và nông thôn chiếm 68%, phi nông nghiệp chiếm 32%.
47 Quỹ địa phương do Liên minh Hợp tác xã cấp tỉnh trực tiếp quản lý có chất lượng tín dụng tốt, tỷ lệ nợ quá hạn dưới 2%, tự trang trải chi phí hoạt động và bảo toàn vốn điều lệ; 04 Quỹ địa phương ủy thác cho các tổ chức tài chính - tín dụng khác cho vay, hoạt động không hiệu quả, tỷ lệ nợ quá hạn cao, các hợp tác xã khó tiếp cận tín dụng.

Cả nước có 51 Quỹ địa phương được thành lập và hoạt động từ năm 2004. Ảnh minh họa
Từ sau khi Nghị định số 45/2021/NĐ-CP ngày 31/03/2021 của Chính phủ về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã được ban hành và có hiệu lực thi hành, các Quỹ địa phương đang chuyển đổi cơ chế hoạt động theo Nghị định này; các địa phương chưa có Quỹ (Cần Thơ, Kiên Giang, Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, Quảng Bình, Nam Định, Khánh Hoà, Quảng Ninh, Hải Dương, An Giang, Tiền Giang), Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Liên minh Hợp tác xã cấp tỉnh xây dựng Đề án và thực hiện thủ tục thành lập, hoạt động của Quỹ theo quy định của Nghị định số 45/2021/NĐ-CP.
Về Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã Việt Nam (Quỹ trung ương) thành lập theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2003: Được thành lập và hoạt động từ năm 2007 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; từ sau khi Nghị định số 45/2021/NĐ-CP được ban hành và có hiệu lực thi hành, Quỹ trung ương đang chuyển đổi cơ chế hoạt động theo quy định của Nghị định này.
Vốn điều lệ Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã Việt Nam là 1.000 tỷ đồng; doanh số cho vay 894 tỷ đồng, dư nợ 422 tỷ đồng, cho vay 296 dự án của hợp tác xã tại 45 tỉnh, thành phố; cho vay khu vực nông nghiệp và nông thôn chiếm 86,8%, khu vực phi nông nghiệp chiếm 13,2%; chất lượng tín dụng tốt, tỷ lệ nợ quá hạn 3%, tự trang trải chi phí hoạt động và bảo toàn được vốn điều lệ.
Trong Báo cáo cũng nêu rõ cơ chế hoạt động của Quỹ địa phương và Quỹ trung ương theo Nghị định số 45/2021/NĐ-CP như sau : (1) Đối với Quỹ địa phương, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh cấp vốn điều lệ tối thiểu 20 tỷ đồng, ban hành điều lệ; (2) Đối với Quỹ trung ương, vốn điều lệ đã được cấp đủ 1.000 tỷ đồng; Liên minh Hợp tác xã Việt Nam ban hành điều lệ và xây dựng cơ chế hoạt động; (3) Quỹ địa phương và Quỹ trung ương là Quỹ tài chính Nhà nước ngoài danh sách, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo toàn và phát triển vốn, tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong huy động vốn và sử dụng vốn nhằm thực hiện chức năng cho vay hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, thành viên của tổ hợp tác và hợp tác xã; (4) Liên minh hợp tác xã Việt Nam và Liên minh Hợp tác xã cấp tỉnh thực hiện quản lý, kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả và xếp loại Quỹ trung ương và Quỹ địa phương.

Quỹ địa phương và Quỹ trung ương kênh tín dụng chính sách của Nhà nước hỗ trợ tích cực cho hợp tác xã, tổ hợp tác và thành viên vay vốn đầu tư mở rộng, phát triển sản xuất, kinh doanh
Theo đánh giá của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, việc thành lập và hoạt động của các Quỹ địa phương và Quỹ trung ương theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2003 và Luật Hợp tác xã năm 2012 là một kênh tín dụng chính sách của Nhà nước hỗ trợ tích cực cho hợp tác xã, tổ hợp tác và thành viên vay vốn đầu tư mở rộng, phát triển sản xuất, kinh doanh, ứng dụng công nghệ cao, tăng số lượng và chất lượng dịch vụ cung ứng cho thành viên; hầu hết các hợp tác xã vay vốn đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, tạo việc làm và có lãi; tăng cường sự liên kết sản xuất, kinh doanh giữa các thành viên của hợp tác xã. Quỹ trung ương và Quỹ địa phương hoạt động hiệu quả, bảo toàn vốn.
Tuy nhiên, để các Quỹ địa phương và Quỹ trung ương tiếp tục phát triển an toàn, hiệu quả, bền vững và là kênh tín dụng chính sách của Nhà nước hỗ trợ tích cực cho hợp tác xã, tổ hợp tác, Liên minh hợp tác xã Việt Nam kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành một số nội dung như: Luật Hợp tác xã năm 2012 (sửa đổi) quy định về Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã cấp tỉnh và Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã Việt Nam phù hợp với chủ trương tại Nghị quyết số 20-NQ/TW; Xem xét quy định vốn điều lệ của Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã Việt Nam do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam quản lý; Ban hành quy định cho phép Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã cấp tỉnh và Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã Việt Nam được áp dụng cơ chế cho vay không đảm bảo bằng tài sản đối với hợp tác xã nông nghiệp và thành viên theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Ban hành quy định tạo điều kiện cho các Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã địa phương và Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã Việt Nam huy động vốn ngoài ngân sách từ chương trình, dự án, nguồn tài trợ, viện trợ trong và ngoài nước;…
Nguồn: Lê Huy(Liên minh HTX Việt Nam)