Liên minh HTX tỉnh kết nối tiêu thụ vải thiều
Với vai trò cầu nối, Liên minh HTX tỉnh đã kết nối nhiều tổ chức, cá nhân để đẩy mạnh việc xúc tiến tiêu thụ vải thiều. Nhờ vậy, thương hiệu vải thiều Thanh Hà ngày càng được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết tới.
Tiêu thụ
Mới thành lập cuối năm 2020, HTX Ameii Việt Nam ở thôn Thúy Lâm (xã Thanh Sơn) đã thành công trong việc mang quả vải xuất Nhật. Hiện HTX có vùng vải rộng khoảng 17 ha, với 35 xã viên tham gia. Khu vực trồng ngoài đê có không khí trong lành, chất đất và nước sạch, thuận lợi cho việc chăm sóc vải tập trung. Ở vùng vải này, tất cả các xã viên đều phải thực hiện đúng quy trình VietGAP, GlobalGAP. Toàn bộ sản lượng vải trong vùng được HTX bao tiêu. Các thành viên trong HTX đều được Công ty CP Ameii Việt Nam bao tiêu với giá cao hơn so với thị trường bên ngoài. Người trồng vải không phải lo đầu ra, chỉ cần chăm sóc quả vải theo đúng hướng dẫn. Cũng chính vì ưu điểm đó nên hiện nay có nhiều nông dân muốn tham gia vào HTX.
Để có được những quả vải tươi, đẹp, chất lượng, bên cạnh công sức chăm sóc vất vả của người dân thì những người điều hành HTX cũng khá vất vả, họ như nông dân chính hiệu. Họ có mặt ở vùng vải hằng ngày, nhất là thời điểm chuẩn bị thu hoạch. Họ đến vườn kiểm tra tình hình của vải, kịp thời phát hiện những loại sâu bệnh mới để xử lý, phối hợp với người dân vệ sinh vườn và tỉa lộc. Lúc này ngắt lộc cũng là một trong những khâu quan trọng để tập trung dinh dưỡng cho quả vải. Vải sau khi thu hoạch sẽ được sơ chế, khử khuẩn, bảo quản trong kho lạnh. Các quy trình sơ chế đều có chuyên gia người Nhật Bản giám sát qua camera. Trong vụ vải này, đến nay, HTX Ameii Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 100 tấn vải sang các thị trường Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc... Ngoài xuất Nhật, HTX còn phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mở các điểm bán vải thiều Thanh Hà tại TP Hà Nội và Hồ Chí Minh.
Trước đó, để vải thiều bảo đảm chất lượng, các HTX dịch vụ nông nghiệp phối hợp với các ngành chức năng tăng cường hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc vải. Hiện toàn huyện hiện có hơn 3.300 ha vải, trong đó 400 ha được cấp chứng nhận VietGAP, 50 ha được chứng nhận GlobalGAP. 100% số diện tích vải được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Chất lượng, mã vải ngày càng được nâng cao. Năm nay, sản lượng vải của Thanh Hà ước đạt khoảng 40.000 tấn, trong đó có 25.000 tấn vải sớm, còn lại là vải chính vụ.
Ông Trần Trung Lìn, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Thanh Sơn cho biết: "Vải là cây đặc sản song đa số người dân vẫn phó mặc cho thời tiết. Ngoại trừ các hộ ở trong vùng vải xuất khẩu tuân thủ đúng quy trình chăm sóc thì những hộ khác vẫn làm theo thói quen. Thông thường, người trồng vải chỉ tập trung chăm bón trong thời kỳ cây ra hoa, đậu quả, còn thời gian sau thu hoạch lại bỏ bê. Mặt khác, người dân thường chú trọng chữa bệnh hơn phòng bệnh, chỉ khi cây phát sinh bệnh hại mới xử lý bằng biện pháp hóa học. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng quả mà còn làm giảm tuổi thọ của cây. Do vậy, để vải đạt chất lượng xuất khẩu, cần sự giám sát chặt chẽ của ngành chức năng".

HTX Ameii Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 100 tấn vải sang các thị trường Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc...
Tăng cường hỗ trợ
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, năm nay vải thiều đạt chất lượng tốt, mẫu mã đẹp. Dù vậy, dịch Covid - 19 bùng phát trở lại đã gây không ít khó khăn trong tiêu thụ vải thiều. Để hỗ trợ các HTX tiêu thụ vải thiều, Liên minh HTX tỉnh đã rà soát, giới thiệu 15 doanh nghiệp cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đẩy mạnh việc tiêu thụ vải thiều.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, đến nay đã có khoảng 10 doanh nghiệp đặt hàng thu mua vải trong vùng sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế để xuất khẩu sang thị trường khó tính như Mỹ, Úc, Nhật Bản, EU… với số vải thu mua dự kiến từ 300-500 tấn/doanh nghiệp. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp chế biến nông sản cũng có kế hoạch mua từ 500-1.000 tấn vải VietGAP để làm vải cấp đông, thạch vải, giấm vải, nước ép hoa quả... Đặc biệt, khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên cả nước, các đơn vị cung ứng nông sản lớn trong nước cũng cam kết đưa vải thiều Hải Dương vào các cửa hàng tiện ích, hệ thống siêu thị với số lượng nhiều nhất có thể.
Với sự hỗ trợ của Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), tỉnh Hải Dương đã triển khai đưa vải thiều bán trên sàn thương mại điện tử như Alibaba.com, Voso.vn, Sendo.vn và Lazada.vn. Đồng thời, hỗ trợ kỹ thuật, triển khai chương trình kết nối tiêu thụ nông sản Hải Dương, trong đó có trái vải thiều trên các nền tảng thương mại điện tử nêu trên. Để chuẩn bị đưa nông sản tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử, khóa huấn luyện "Hướng dẫn truy xuất nguồn gốc và tham gia gian hàng Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại trên sàn thương mại điện tử" đã được triển khai tại Hải Dương. Hoạt động này nhằm hỗ trợ đầu ra hiệu quả cho nông sản và các sản phẩm có tiềm năng của tỉnh.
Nguyên Khang