Trực tiếp tuyên truyền, vận động các hộ gia đình có ruộng bỏ hoang cho thuê lại ruộng để gieo cấy, hoạt động của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp thị trấn Tứ Kỳ (Hải Dương) bước đầu đem lại hiệu quả cao.
Những cánh đồng "bờ xôi ruộng mật" cho những bông lúa trĩu hạt một thuở, nay bỏ hoang, không người cày cấy, cỏ dại mọc um tùm ngày càng nhiều ở thị trấn Tứ Kỳ. Nông dân cũng không còn mấy người thiết tha với đồng ruộng.
Theo chị Nguyễn Thị Hồng ở khu An Nhân Tây, thị trấn Tứ Kỳ, trước đây nhà chị được chia 4 sào ruộng, vì là vùng đất trũng nên chỉ để cấy lúa. Quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng thu nhập từ cây lúa chẳng được là bao. Vậy nên vợ chồng chị quyết định bỏ lại ruộng, vườn lên thành phố lao động. "Ở thành phố dù điều kiện ăn ở không bằng ở quê nhưng chúng tôi còn có đồng ra, đồng vào, tiền tích lũy để nuôi con cái học hành", chị Hồng nói.
Ông Đỗ Văn Do, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp thị trấn Tứ Kỳ cho biết thị trấn hiện có hơn 200 ha đất nông nghiệp. Trước đây, chi phí sản xuất quá cao, sâu bệnh, chuột phá hoại, ruộng trũng, úng lại thiếu lao động nên thu nhập từ cấy lúa thấp. Một số hộ dân không thiết tha làm ruộng, đi làm công nhân hoặc làm công việc khác. Năm 2023, vì tiếc “bờ xôi ruộng mật” bị bỏ hoang, hợp tác xã đã đề xuất chính quyền địa phương cho cải tạo ruộng hoang để gieo cấy. "Các thành viên trong Hội đồng quản trị hợp tác xã đã tới gặp gỡ, vận động từng hộ có ruộng bỏ hoang cho thuê lại để hợp tác xã cải tạo, gieo cấy lúa", ông Do nói.
Khi mới triển khai cũng gặp nhiều khó khăn bởi nhiều hộ dù không có nhu cầu sản xuất nhưng lại có tư tưởng giữ ruộng, không muốn cho thuê, cho mượn khiến ruộng càng hoang hóa. Sau một thời gian kiên trì vận động, vụ chiêm xuân 2024, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp thị trấn Tứ Kỳ đã thuê lại được 10 ha tại khu vực Đồng Trong, khu An Nhân Đông để cải tạo, gieo cấy giống lúa Q5 và ST25.
Năm đầu tiên, nhân dân không lấy phí, bắt đầu từ năm thứ 2, mỗi sào ruộng hợp tác xã sẽ trả người dân 250.000 đồng/sào. Hiện nay những diện tích lúa này đã cho thu hoạch, năng suất ước đạt từ 1,7-2 tạ/sào. Những cánh đồng bị bỏ hoang ngập cỏ dại, là nơi trú ngụ của chuột, sâu bệnh ở khu vực Đồng Trong trước kia giờ đây là những ruộng lúa cho thu hoạch khá.
Nhận thấy cách làm này đã phát huy hiệu quả và có thể nhân rộng, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp thị trấn Tứ Kỳ tiếp tục phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân khu An Nhân Đông và Liên khu La Tỉnh đồng ý để hợp tác xã cải tạo tiếp 5 ha ruộng bỏ hoang ở khu vực Trại Cá và 15 ha ở khu vực Đống Táo để gieo cấy.
Hiện nay, hợp tác xã đã thuê máy xúc dọn, đắp bờ vùng, bờ thửa để điều tiết nước sản xuất; phá dỡ các mô, gò đống cao để hạn chế chuột trú ngụ. Hợp tác xã cũng thuê 2 máy lồng to để cải tạo đất, san lấp mặt bằng; diệt cỏ dại và ngả đất. Đến lịch gieo cấy vụ mùa 2024, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp sẽ gieo cấy giống lúa TBR 225 và Thiên ưu 8.
"Để mô hình cải tạo ruộng hoang tiếp tục được nhân rộng, chúng tôi mong muốn UBND huyện Tứ Kỳ sớm triển khai hỗ trợ kinh phí đối với những tập thể, cá nhân tích tụ ruộng đất từ 5 ha trở lên để hợp tác xã cải tạo, khai hoang, phục hóa", ông Đỗ Văn Do nói.
Giải pháp xóa ruộng hoang của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp thị trấn Tứ Kỳ không chỉ góp phần phủ kín diện tích đất sản xuất nông nghiệp mà đã hình thành mô hình sản xuất hàng hóa tập trung mang lại hiệu quả cao gấp nhiều lần so với sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Dây cũng là cách làm cần được nhân rộng.
Theo: NGUYỄN NGÂN(Báo Hải Dương)