Tin tức- hoạt động
Kích hoạt chuyển đổi số trong hợp tác xã
26/09/2022 08:34:34

Chuyển đổi số được coi là chìa khóa để phát triển kinh tế tập thể (KTTT), HTX. Chính vì vậy, sự chủ động của HTX gắn liền với những định hướng của Nhà nước sẽ giúp HTX hóa giải khó khăn, thích ứng với thị trường, từ đó tiếp tục đưa KTTT, HTX cùng với kinh tế nhà nước ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.


-3874-1664153042.png

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế hợp tác, HTX năm 2022, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho biết dịch bệnh Covid-19 có nhiều tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX, liên hiệp HTX. Dù vậy, nhận thức về chuyển đổi số nói chung cũng đã được thúc đẩy mạnh mẽ thông qua quá trình ứng dụng công nghệ số trong công tác phòng, chống dịch, duy trì chuỗi cung ứng và hoạt động sản xuất kinh doanh.

Từng bước chuyển đổi số

Nhiều HTX nông nghiệp, đặc biệt những HTX có nguồn nhân lực quản lý và lao động trẻ đã thích ứng, tích cực nâng cao năng lực, đầu tư kinh phí, nâng cao khả năng cạnh tranh thông qua đổi mới hệ thống quản trị gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng các phần mềm quản lý (kế toán, quản lý sản xuất của các thành viên).

Nhiều HTX chuyển đổi số trong quản lý tổ chức sản xuất từ đầu vào tới sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; áp dụng nông nghiệp thông minh, công nghệ cao (tưới nhỏ giọt, lò sấy trống, chế biến cà phê ướt,...), sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng, có thương hiệu, xuất xứ sản phẩm (OCOP, hữu cơ, GlobalGAP,...).

Tiêu biểu như mô hình quản lý cây chè Shan tuyết của HTX chế biến chè Phìn Hồ (Hà Giang). HTX đã ứng dụng công nghệ thông tin lập bản đồ định vị vị trí của các cây chè Shan tuyết cổ thụ phục vụ cho việc sản xuất và kinh doanh ra các sản phẩm xuất khẩu của HTX đạt tiêu chuẩn Organic EU.

Tại các HTX An Phú (Lâm Đồng); HTX rau sạch Yên Dũng (Bắc Giang); HTX Lạc Lâm (Lâm Đồng), HTX Đan Hoài (Hà Nội)…., chỉ cần điện thoại thông minh kết nối internet là có thể đo được độ pH, chỉ số môi trường, ẩm độ, điều khiển tưới nhỏ giọt, ánh sáng quạt thông gió..., đồng thời ghi lại được nhật ký điện tử toàn bộ quá trình canh tác, giúp truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Không chỉ các HTX nông nghiệp, các HTX phi nông nghiệp, các Quỹ tín dụng nhân dân cũng đã từng bước thích ứng với chuyển đổi số thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh, có định hướng đầu tư chuyển đổi số mạnh theo xu hướng và yêu cầu của thị trường.

Theo Bộ NN&PTNT, hiện nay, cả nước có 1.718 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Và trong số 17.777 HTX nông nghiệp của cả nước, có 21% HTX lập kế hoạch tổng thể cho thương mại điện tử; 23% HTX bán các sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử; 21% HTX tạo một website đơn giản; 7% HTX có website được xuất hiện hàng đầu trong kết quả tìm kiếm trên Google; 14% HTX thực hiện livestream; 7% HTX thực hiện quảng cáo trên Facebook…

-5950-1663927646.jpg

Không ít HTX đã thực hiện chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả, thích ứng với thị trường.

Việc ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số đã góp phần giúp khu vực KTTT, HTX có chuyển biến tích cực về chất và lượng; về cơ bản khắc phục tình trạng yếu kém kéo dài, tận dụng và khai thác được dư địa, tiềm năng, không gian phát triển, từng bước khẳng định vị trí, vai trò của một trong những thành phần kinh tế nền tảng trong nền kinh tế quốc dân.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số trong KTTT, HTX mới đang ở bước đầu, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị phục vụ công tác chuyển đổi số còn hạn chế; số hóa dữ liệu còn khó khăn; nhiều cán bộ, hội viên, thành viên, người lao động trong các HTX tiếp cận chuyển đổi số chậm...

Gốc rễ của tình trạng trên là hiện nay, hầu hết diện tích đất sản xuất trong HTX là đất của thành viên, thành viên quản lý và ra quyết định đầu tư trên đất của mình. Đất chung do các HTX quản lý và sử dụng rất hạn chế, vì vậy các HTX thiếu quỹ đất chung cho xây dựng mô hình mẫu về ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số để nhân rộng cho thành viên, cũng như đất để xây dựng cơ sở hạ tầng cho các khâu bảo quản, chế biến, nhà quản lý điều hành, giám sát sản xuất...

Để có đất phục vụ ứng dụng công nghệ, các HTX phần lớn đều đi thuê của các hộ dân, hoặc một số HTX thuê được từ quỹ đất 5% của địa phương với thời gian thuê ngắn trong khi thời gian thu hồi vốn và khấu hao công nghệ cao dài khiến các HTX không dám đầu tư.

Bên cạnh đó, rào cản về tín dụng cũng là khó khăn trong chuyển đổi số với các HTX. Cụ thể là để đạt được hiệu quả cao trong chuyển đổi số, sản xuất luôn yêu cầu về tính đồng bộ, và vì vậy mà luôn cần một nguồn vốn lớn.

Vậy nhưng, nguồn vốn của các HTX hiện chủ yếu là vốn góp có hạn từ thành viên; với quy định không vượt quá 20% vốn điều lệ và nếu không sử dụng dịch vụ của HTX trong 3 năm thì bị chấm dứt tư cách thành viên. Quy định này làm hạn chế các cá nhân không sản xuất nông nghiệp trực tiếp (không sử dụng dịch vụ của HTX) muốn trở thành viên HTX thông qua góp vốn đầu tư vào công nghệ cao phục vụ sơ chế, đóng gói, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản.

Nguồn vốn tín dụng của các HTX gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận do HTX ứng dụng công nghệ cao không có đất sản xuất tập trung, toàn bộ diện tích cho sản xuất, bảo quản, chế biến của HTX thường là đi thuê của hộ bên ngoài hoặc thuê của thành viên. Trụ sở làm việc được đặt trong khu sản xuất nên không có tài sản thế chấp để vay vốn.

Nghị định số 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn có nhiều điểm đột phá mới về cho vay đối với các dự án nông nghiệp công nghệ cao như: được vay không có tài sản đảm bảo tối đa bằng 70% - 80% giá trị dự án nông nghiệp công nghệ cao với hình thức cho vay linh hoạt; ưu đãi về lãi suất… Nhưng qua khảo sát các HTX cho thấy, đến nay chưa HTX nào tiếp cận được tín dụng theo quy định này.

Theo đại diện của HTX chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tiến (Quảng Ninh), việc tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ vẫn còn nhiều khó khăn do vượt quá khả năng của thành viên và HTX nên làm chậm quá trình chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nhất là thời điểm dịch bệnh Covid-19 xảy ra.

Không chỉ các HTX mà ngay cả các quỹ tín dụng nhân dân cũng gặp khó trong việc đầu tư công nghệ, chuyển đổi số. Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Nguyễn Đức Huy, Chủ tịch HĐQT Quỹ tín dụng nhân dân thị trấn nông trường Mộc Châu (Sơn La), cho biết các quỹ tín dụng nhân dân hầu như không có khả năng tài chính để đầu tư công nghệ mới. Đặc biệt, các quỹ tín dụng chưa được phép mở tài khoản thanh toán cho thành viên nên việc ứng dụng công nghệ mới vào hoạt động gặp nhiều khó khăn.

Đặc biệt, để chuyển đổi số, điều quan trọng nhất là yếu tố con người, nhưng việc thu hút và duy trì nhân lực trình độ cao luôn là một bài toán khó đối với HTX nông nghiệp. Trong khi phần lớn cán bộ HTX hiện nay đã lớn tuổi, chưa thích ứng kịp với sự phát triển của công nghệ.

Chia sẻ về vấn đề này, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, mặc dù có tỷ lệ cán bộ, thành viên, người lao động trong HTX sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) cao từ 70%-90% có độ tuổi từ 30-60 tuổi chiếm đa số, và giữa các cá nhân trong HTX có sự trao đổi thông tin đa chiều về hoạt động của HTX nhưng chưa tạo sự chuyển biến căn bản trong cách thức tổ chức hoạt động của HTX.

Vấn đề cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cũng là một điểm nghẽn của quá trình chuyển đổi số trong HTX. Điều kiện cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin của HTX hiện nay rất thấp. Nhiều HTX nông nghiệp chưa có thiết bị kết nối mạng, thiết bị an ninh an toàn, và mạng nội bộ, chỉ có khoảng 30% HTX sử dụng máy tính để bàn nhằm phục vụ công tác kế toán, gửi nhận thư điện tử và tham khảo thông tin về sản phẩm, thị trường.

Trong đó, rất ít HTX có trang web để quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại. Thành viên các HTX đại bộ phận là nông dân nhỏ, hiện nay vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận thông tin, đặc biệt ở các vùng không có sóng di động, không có phương tiện truy cập Internet như máy tính, điện thoại thông minh nên rất khó “đổi mới” sản xuất kinh doanh theo hướng hiện đại.

Đồng hành cùng HTX để "đi xa hơn"

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, thực tế trong thời điểm dịch Covid-19 diễn ra cho thấy, HTX nào thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh đều có thể vượt qua khó khăn và thu được những hiệu quả nhất định.

Tuy nhiên, điều kiện sản xuất của các HTX hiện nay vẫn chủ yếu là manh mún, nhỏ lẻ, nhất là về đất đai. Chính vì vậy, các HTX cần chủ động liên kết với nhau nhằm hạn chế những khó khăn và cùng nhau thực hiện chuyển đổi số.

Hiện nay, cả nước có khoảng 28.000 HTX nên để chuyển đổi số hiệu quả, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng không nên làm dàn trải. Thay vào đó, HTX nào có đủ năng lực quản trị, có nội lực, sẵn sàng liên kết, hoạt động theo đúng tôn chỉ của mô hình HTX thì chuyển đổi số sẽ thành công.

Bộ NN&PTNT đang xây dựng 66 HTX dẫn đầu với điều kiện phải có chuỗi sản xuất ổn định, có mối liên kết với nông dân và doanh nghiệp, thông qua đó có những hỗ trợ công nghệ số cho HTX để giúp HTX chủ động quảng bá sản phẩm và thương hiệu của mình.

“Nông nghiệp còn dư địa rất lớn để kích hoạt công nghệ số nhằm tạo ra những giá trị kinh tế mới, trong đó không chỉ là những giá trị hữu hình mà còn có cả những giá trị vô hình”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Trước những khó khăn của khu vực KTTT, HTX trong chuyển đổi số, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, tại Nghị quyết số 20-NQ/TW, Trung ương đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 45.000 HTX với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp HTX với 1,7 nghìn HTX thành viên; trong đó có trên 5.000 HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đến năm 2045, các tổ chức KTTT đều áp dụng công nghệ, nhất là chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ.

Chuyển đổi số sẽ là công cụ quan trọng để phát triển và chuyển đổi mô hình KTTT một cách linh hoạt, phù hợp, đạt hiệu quả cao, tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực; góp phần thay đổi phương thức sản xuất, giải phóng tối đa sức lao động, gia tăng giá trị sản phẩm, giúp các HTX tiếp cận nhanh với thị trường và gắn với chuỗi giá trị.

-6560-1663927646.jpg

Tháo gỡ những khó khăn về vốn, đất đai, nhân lực... sẽ là đòn bẩy giúp HTX thực hiện chuyển đổi số.

Hiện nay, cả nước mới có khoảng 28.000, hơn 100 liên hiệp HTX và khoảng 100.000 tổ hợp tác, trong đó, HTX nông nghiệp chiếm khoảng 66%. Việc các HTX chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ đã góp phần nâng cao giá trị kinh tế, thúc đẩy KTTT, HTX phát triển.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho biết KTTT, HTX phát triển chưa tương xứng tiềm năng, tốc độ phát triển của khu vực này chỉ bằng 1/2 tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của cả nước, tỷ trọng của khu vực KTTT, HTX trong tổng giá trị sản phẩm (GDP) của đất nước đang có xu hướng giảm.

Để khu vực KTTT, HTX chuyển đổi số thực sự mạnh mẽ, hiệu quả, Thủ tướng yêu cầu quán triệt, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII để “Phát triển kinh tế tập thể cả về số lượng và chất lượng...; có chính sách ưu tiên cho các tổ chức KTTT trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn hoạt động sản xuất kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phát triển các tổ chức KTTT gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức”.

Thủ tướng đề nghị các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương khẩn trương, quyết liệt tổ chức triển khai các nhiệm vụ được giao trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược quốc gia phát triển Chính phủ số, Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số; các nhiệm vụ tại Kế hoạch số 10-KH/TW ngày 23/8/2022 của Ban chấp hành Trung ương nhằm sớm cụ thể hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW.

Trong đó, tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm như: Xây dựng hệ sinh thái chuyển đổi số trong khu vực KTTT, HTX; xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành về HTX , liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành khác; tập trung xây dựng một số nền tảng số để phục vụ, hỗ trợ cho HTX về thông tin thị trường, khoa học công nghệ; trao đổi, tư vấn pháp luật, chính sách; đào tạo; sàn giao dịch điện tử; hợp tác quốc tế...

Thủ tướng đề nghị xây dựng, hoàn thiện thể chế, tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp, thúc đẩy sáng tạo, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, có tầm nhìn dài hạn để KTTT, HTX phát triển nhanh và bền vững; có chính sách hỗ trợ, thu hút nguồn lực, ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, mở rộng thị trường cho khu vực KTTT, bảo đảm thống nhất, đồng bộ như xây dựng các chương trình, đề án, dự án chuyển đổi số để hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính và đội ngũ tư vấn giúp các HTX thực hiện chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, cần xây dựng, hoàn thiện thể chế, tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp, thúc đẩy sáng tạo, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, có tầm nhìn dài hạn để KTTT, HTX phát triển nhanh và bền vững. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, sửa đổi các quy định còn bất cập, cản trở phát triển của KTTT, HTX.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi Luật HTX năm 2012, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, đặc biệt nội dung chuyển đổi số phải là một nội dung cốt lõi, làm nền tảng; thể chế hóa Nghị quyết số 20 về nội dung chính sách đặc thù cho khu vực kinh tế hợp tác, HTX trong bối cảnh nền kinh tế số.

Bộ NN&PTNT nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách, các quy định cho việc thực hiện truy xuất nguồn gốc nông sản bằng công nghệ số để bảo vệ nhà đầu tư chân chính cũng như bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số trong khu vực doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh. Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương hướng dẫn các tổ chức KTTT có dự án ứng dụng, nâng cao trình độ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số được vay vốn trung, dài hạn từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia và của các bộ, ngành, địa phương.

UBND các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo, đề ra định hướng, triển khai cơ chế chính sách tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện cho KTTT phát triển tại địa phương; xây dựng các mô hình HTX hoạt động hiệu quả, phù hợp, tiết giảm chi phí, tối ưu hóa nguồn lực; liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; ứng dụng công nghệ cao và thúc đẩy chuyển đổi số.

Các địa phương lồng ghép các nguồn vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện ở địa phương để thúc đẩy chuyển đổi số HTX một cách hiệu quả nhất.

“Với tư cách là các tổ chức kinh tế tự chủ, các HTX phải chủ động thực hiện điều chỉnh phương thức hoạt động sản xuất kinh doanh, chuyển đổi số mạnh mẽ để tồn tại và phát triển, không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, gắn với tăng cường năng lực quản trị HTX theo hướng công khai, minh bạch, chủ động, thích ứng bối cảnh, xu hướng phát triển mới; nghiên cứu, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số phù hợp; tăng cường học hỏi kinh nghiệm quý, bài học hay, mô hình chuyển đổi số hiệu quả”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Đáng chú ý, Thủ tướng đề nghị hệ thống Liên minh HTX tiếp tục đổi mới hoạt động, thể hiện tốt vai trò là cầu nối giữa Đảng và Nhà nước với khu vực KTTT; bám sát tình hình, nắm rõ những khó khăn, nhu cầu của HTX để phản ánh đến các cấp có thẩm quyền; thúc đẩy chuyển đổi số trong các HTX, liên hiệp HTX một cách sâu sắc hơn; tăng cường công tác truyền thông chính sách, trong đó có nội dung về chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, HTX.

“Với tinh thần chuyển đổi số mạnh mẽ, đổi mới, sáng tạo; mong muốn và tin tưởng rằng, KTTT, HTX sẽ có sự chuyển biến mạnh mẽ để hoạt động ngày càng hiệu quả, góp phần xây dựng Việt Nam thành quốc gia số, phát triển hùng cường và thịnh vượng; đời sống người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc”, Thủ tướng chia sẻ.

"Ngoài việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, Bộ KH&ĐT cũng sẽ triển khai những nhiệm vụ cụ thể giúp HTX chuyển đổi số như: (1) Xây dựng và đưa vào sử dụng Hệ thống đăng ký HTX trực tuyến có liên thông với đăng ký thuế nhằm giảm bớt thủ tục hành chính, đảm bảo công bằng, minh bạch trong việc tham gia và rút lui khỏi thị trường của các HTX, như đối với doanh nghiệp (2) Thành lập và vận hành Trung tâm Đổi mới, sáng tạo quốc gia để kết nối nhằm xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trên phạm vi toàn quốc (3) Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số trong doanh nghiệp, HTX và hộ kinh doanh giai đoạn 2021-2025 nhằm hỗ trợ các HTX đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số". (Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT)

* "Khó khăn lớn hiện nay là cần có một bộ máy quản trị HTX hiện đại thì sẽ khả thi về tài chính, nhân lực để vận hành mô hình chuyển đổi số. Chính vì vậy, Bộ TT&TT có thể hỗ trợ Liên minh HTX Việt Nam phát triển nền tảng quản trị số theo hai hướng. Hướng thứ nhất là Liên minh HTX đứng ra đầu tư, vận hành và cung cấp dịch vụ cho HTX. Hướng thứ hai là đặt hàng một doanh nghiệp công nghệ đầu tư vận hành rồi trả tiền cho đơn vị này. Điều thuận lợi là 28.000 HTX có thể dùng chung một nền tảng công nghệ về quản trị thì sẽ giải quyết được bài toán chi phí". (Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông)

* "Cần phát huy vai trò của các công ty công nghệ trong phát triển các giải pháp công nghệ phù hợp cho các HTX. Muốn thúc đẩy chuyển đổi số trong HTX nên cân nhắc xây dựng quan hệ đối tác lâu dài với các công ty công nghệ số, thay vì quan hệ hợp đồng ngắn hạn. Các giải pháp công nghệ số đều cần liên tục cải thiện và phát triển sau khi ra mắt chính thức thì mới đáp ứng được nhu cầu thay đổi liên tục của nhóm đối tượng đích cũng như những thay đổi mạnh mẽ của môi trường số". (Bà Lê Kim Thái, Quản lý chương trình cao cấp tại Tổ chức Oxfam)

                                                                  Theo: Huyền Trang(VnBusiness)

Các tin mới hơn
Vai trò của Liên minh HTX tỉnh Hải Dương trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể(25/04/2024)
Nhiều 'rào cản' khiến tín dụng vẫn khó 'chảy' vào khu vực HTX(24/04/2024)
Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức hội thảo “Giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể”(23/04/2024)
Công bằng xã hội trong HTX chính là “chiếc giày vừa chân” cho từng thành viên(22/04/2024)
Khai mạc Hội chợ xúc tiến thương mại cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác năm 2024- khu vực phía Bắc(19/04/2024)
Các tin cũ hơn
Thủ tướng: Quyết tâm chuyển đổi số gắn với hiệu quả mô hình kinh tế tập thể, HTX(23/09/2022)
Cần tăng tốc chuyển đổi số trong khu vực HTX(23/09/2022)
Tìm lời giải phát triển HTX: Bài cuối: "Đói" vốn, "khát" công nghệ(22/09/2022)
Nông nghiệp Việt Nam khởi hành 'con tàu' 4.0(22/09/2022)
Cần thành lập doanh nghiệp trong hợp tác xã(21/09/2022)
Video
na
na
na
na
na
na
na
na
na
Liên kết website