HTX nông sản sạch Toàn Thắng (Bắc Giang) có thu nhập chính từ các loại dưa, nhưng sau bão, HTX "chẳng còn lại gì trừ những ngổn ngang của hệ thống nhà màng đổ sập, các gốc dưa ngả nghiêng, quả rơi rụng, đứt khỏi dây dưa", như lời Giám đốc Nghiêm Thị Hường.
Thiệt hại hàng tỷ đồng
Hiện nay, HTX đang tập trung nhân lực để thu dọn lại khu sản xuất và bán những quả dưa gần đến ngày thu hoạch nhưng không bị dập nát theo hình thức "giải cứu". Giá dưa lưới, dưa kim hoàng hậu giảm đến mức thấp nhất, chưa đến 30.000 đồng/quả. Vừa khắc phục sau bão, HTX cũng phải tính toán để ship hàng và đành lỗi hẹn những đơn hàng đã ký kết trước đó, nhất là với các hệ thống siêu thị.
“Chúng tôi đang cần bán một lượng lớn dưa lưới. Mặc dù dưa không được đẹp mắt như bình thường, nhưng vị ngọt và chất lượng vẫn đảm bảo vì trước đó được chăm sóc theo quy trình an toàn. Chúng tôi hy vọng có thể nhận được sự ủng hộ từ mọi người để giảm bớt phần nào những thiệt hại mà HTX đang phải đối mặt”, Giám đốc HTX Toàn Thắng giãi bày.
|
Hệ thống cây leo giàn dễ bị ảnh hưởng nặng bởi mưa bão. |
Tại Yên Bái, ông Phạm Văn Hậu, Giám đốc HTX dược liệu Viễn Sơn, cho biết tưởng bão tan là đã an toàn nhưng sau bão, nước lũ tại địa phương lên quá nhanh. Tất cả vườn ươm dược liệu trong nhà lưới của HTX với 40 vạn cây giống bách bộ đều đang ngập sâu trong nước.
“Vườn này toàn lô cây giống thuộc loại tốt nhưng nước vẫn đang dâng lên. Nếu cứ như thế này, khả năng HTX mất trắng toàn bộ 40 vạn cây giống là rất cao, thiệt hại ước tính khoảng 1,4 tỷ đồng”, ông Hậu lo lắng.
Có vùng sản xuất nằm trong tâm bão Yagi đi qua, ông Ngô Minh Ngọc, đại diện HTX thủy sản Trung Nam (Vân Đồn, Quảng Ninh) thông tin: tổng diện tích nuôi theo sổ đỏ của HTX lên tới 100ha. Thiệt hại sau bão của HTX ước tính là 1.000 đường (giàn) hàu, tương đương 15 tỷ đồng.
Sau bão Yagi, các HTX đã và đang phải gánh chịu không ít khó khăn. Những kế hoạch, hợp đồng cung ứng hàng hóa cho khách hàng, doanh nghiệp đã phải dừng lại. Những ước tính có thể thu tiền tỷ vào dịp Tết từ những vùng sản xuất giờ trở nên xa vời đối với nhiều HTX vì phải đối diện với tình cảnh "mất trắng sau một đêm".
Đáng chú ý, để có vùng nguyên liệu đạt chất lượng cung ứng cho thị trường từ nay đến Tết, không ít HTX phải vay mượn nguồn vốn từ nhiều nơi để đầu tư từ đầu năm đến nay.
“1.000 cây chuối với ước tính có thể thu về 3 tỷ đồng vào dịp Tết đã bị đổ ngang thân. Đó là chưa kể đến nhiều cây bưởi còn bị rụng quả khiến không ít người xót xa đến đờ đẫn”, bà Đào Thị Thúy, thành viên HTX dịch vụ nông nghiệp Thái Thụy (Thái Bình) rầu rĩ kể.
Tối giản chi phí đầu tư
Có thể thấy, nhiều HTX, tổ hợp tác, liên hiệp HTX với những vùng sản xuất, chăn nuôi an toàn, hữu cơ vốn được coi là nơi "bình yên", là chốn mong ước của không ít người, nhất là các bạn trẻ sau khi bỏ phố về quê khởi nghiệp từ đợt dịch Covi-19 đến nay.
Vậy nhưng sau bão Yagi, không ít HTX rơi vào cảnh trắng tay. Ông Ngô Minh Ngọc bày tỏ, thời điểm này mong rằng chính quyền các địa phương, cơ quan chức năng đồng hành cùng các HTX trong việc khắc phục khó khăn; khách hàng, đối tác tiếp tục ủng hộ các HTX trong thời điểm này và về sau, từ đó giúp HTX giảm bớt phần nào những thiệt hại mà người làm nông nghiệp đang phải đối mặt.
|
Hệ thống nhà lưới của HTX Chúc Sơn (Hà Nội) bị đổ sập. |
Nhìn từ những mô hình sản xuất của không ít HTX trong đợt bão Yagi, Ts Từ Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban điều phối PGS Việt Nam, Uỷ viên Ban Thường vụ Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam, cho rằng những mô hình sản xuất càng đơn giản, đầu tư ở mức thấp và ít nhiều có sự chủ động trong phòng tránh thì thiệt hại càng nhỏ, rủi ro càng thấp.
Như tại một số HTX trồng rau hữu cơ trong hệ thống PGS ở Hà Nam, Hòa Bình sau cơn cuồng phong của bão Yagi cho thấy, chỗ nào được che chắn cẩn thận, rau được bảo vệ cũng không đến nỗi tan hoang. Đặc biệt, vườn trồng rau hữu cơ đều có hệ thống tường ngăn cách với những vùng không sản xuất hữu cơ cũng giảm thiệt hại đáng kể.
Còn đối với các mô hình đầu tư theo hướng hiện đại, tùy từng mức độ đầu tư mà thiệt hại của các HTX sẽ có mức độ khác nhau. Cụ thể, nếu HTX đầu tư nhà màng với mái che, phần khung đơn giản, khi gặp bão to có thể chỉ bay rách nilon, hỏng phần giá, khung. Chi phí đầu tư cho mô hình này là vào khoảng 2,5 triệu đồng/cuộn nilon 2,5mx165m. Nhưng với những HTX đầu tư nhà trồng công nghệ cao hiện đại hơn một chút, khi gặp bão, phần mái bị bay, nhà màng cũng bị sập thì tổn thất sẽ vào khoảng 250-300 triệu đồng/1000m2. Đối với HTX đầu tư làm nhà kính kiểu Nhật với đầy đủ các thiết bị, chi phí tổn thất sẽ cao hơn, vào khoảng 550 triệu đồng/1000m2.
Không chỉ bị thiệt hại về cơ sở vật chất, khi gặp bão lũ, người sản xuất chắc chắn còn bị thiệt hại về hoa màu, nông sản. Đây là điều quan trọng đối với HTX nông nghiệp vì cây cối mất thì không còn nguồn thu. Nông sản mất, HTX cũng phải đầu tư lại, sẽ kéo giảm nguồn thu.
Do đó, theo các chuyên gia, nếu HTX, nhất là HTX ở miền Bắc hay phải đối mặt với thiên tai bão lũ dù có tài chính nhưng muốn thành công trong lĩnh vực nông nghiệp, trước hết phải tính toán để làm sao có thể tối ưu hoá chi phí, giảm thấp nhất đầu tư ban đầu.
“Giảm được chi phí thấp nhất là có thể bớt thiệt hại nếu gặp rủi ro”, một chuyên gia khuyến nghị.
Ông Nguyễn Quang Kiệt, Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp công nghệ cao Quế Sơn (Quảng Nam), cho biết làm nông nghiệp sợ nhất là mô hình ứng dụng công nghệ theo kiểu lắp ghép "khập khiễng" như đầu tư nhà kính theo công nghệ Nhật Bản, trồng các giống cây của nước ngoài nhưng khi bán lại có giá thấp.
“Phải nghiên cứu kỹ khi đầu tư và cần hiểu rằng chúng ta đang làm nông nghiệp ở Việt Nam chứ không phải ở các nước khác, nên áp dụng công nghệ, đầu tư cũng cần chọn lọc, bởi dù làm nhanh đến đâu cũng khó có thể thể thay đổi ngay được điều kiện tự nhiên”, ông Kiệt nói.
Còn về vấn đề tham gia bảo hiểm nông nghiệp, có thể thấy một số chính sách chưa thực sự phù hợp để người dân, HTX tham gia loại hình này. Trong khi đó, đây là một ngành rủi ro cao nhưng ít đơn vị quan tâm thực hiện.
“Người dân, HTX phải gánh rất nhiều chi phí trong đầu tư, khó khăn trong tiếp cận chính sách hỗ trợ mà còn chi trả thêm phí bảo hiểm ở mức cao thì không thể cạnh tranh nổi trên thị trường”, Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp công nghệ cao Quế Sơn bày tỏ.
Theo: Huyền Trang(Vnbusiness)