HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 30 NĂM NGÀY THÀNH LẬP LIÊN MINH HTX TỈNH HẢI DƯƠNG (05/11/1994 - 05/11/2024).
Tin tức- hoạt động
Nông nghiệp công nghệ cao, các HTX vẫn ở thế... chạy đà?
08/08/2022 08:48:33

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao đang là hướng đi được khuyến khích ở Việt Nam nhằm nâng cao giá trị và hiệu quả của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, những vướng mắc trong cơ chế, chính sách vẫn đang cản bước các mô hình nông nghiệp công nghệ cao của HTX, doanh nghiệp.

Theo Bộ NN&PTNT, hiện nay cả nước hiện có 34 khu nông nghiệp công nghệ cao được quy hoạch tại 19 tỉnh, thành phố, đặc biệt có 6 khu có quy mô diện tích trên 400 ha tại Hà Nội, Thanh Hóa, Phú Yên, Hậu Giang và Bình Dương. Khu vực Kinh tế tập thể hiện có và 2.200 HTX ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất.

Mù mờ tiêu chí

Nông nghiệp công nghệ cao đang được Nhà nước khuyến khích vì phù hợp với quá trình đô thị hóa và giúp nâng cao giá trị cho ngành nông nghiệp cũng như thu nhập cho HTX, người dân. Tuy nhiên, theo anh Đào Ngọc Sơn, Giám đốc HTX Quyết Tâm (Lai Châu), hiện nay người làm nông nghiệp công nghệ cao rất mù mờ về thông tin, quy tắc sản xuất. Việc ứng dụng công nghệ cao phần lớn là làm theo cảm tính hoặc dựa vào đặc điểm của địa phương và năng lực có sẵn.

Điều này là vì cho đến thời điểm hiện nay, chưa có một định nghĩa nào đúng và thuyết phục về công nghệ cao cũng như nông nghiệp công nghệ cao.

Theo Luật Khoa học công nghệ 2008, công nghệ cao là công nghệ có hàm lượng cao về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, được tích hợp từ thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường…

TS Nguyễn Xuân Cảnh, Viện Cây lương thực và cây thực phẩm, cho biết theo Luật trên thì các quy định về công nghệ cao nói chung hay nông nghiệp công nghệ cao còn rất chung chung, mơ hồ và ở mức định tính nên trong triển khai rất khó để phân biệt đâu là công nghệ cao và đâu là công nghệ thường.

Nếu theo những gì luật này quy định thì bất cứ công nghệ nào thuộc các lĩnh vực như công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới đều được gọi là “cao”.

Vì chưa có đầy đủ các tiêu chí rõ ràng nên việc hiểu đúng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp của người dân, HTX còn rất mơ hồ.

Nhiều người dân, HTX thì cho rằng nông nghiệp công nghệ cao phải luôn gắn với nhà lưới, nhà kính, tưới nhỏ giọt tự động kiểu Israel kết hợp bón phân, canh tác thủy canh. Trong các nhà kính, nhà lưới phải có hệ thống điều khiển nhiệt độ, cảm biến độ ẩm... Cách này đòi hỏi chi phí đầu tư lớn, phù hợp phát triển ở các đô thị hoặc vùng quá bất thuận về điều kiện thời tiết và quan trọng hơn là không phải hộ gia đình, HTX cũng có điều kiện để đầu tư đồng bộ.

Nhưng cũng có người dân, HTX lại hiểu rằng chỉ cần ứng dụng bất kỳ một công nghệ, kỹ thuật nào đó ở một bước của quá trình sản xuất cũng gọi là nông nghiệp công nghệ cao. Nếu làm theo cách này thì chất lượng nông sản khó bảo đảm, ứng dụng công nghệ mãi chỉ nhỏ lẻ, đơn thuần.

Chính bởi chưa rõ ràng khiến người dân, HTX, doanh nghiệp sẽ có nhiều cách tiếp cận chưa hoàn toàn đúng với sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Các cán bộ địa phương cũng có những cách hiểu khác nhau dẫn đến việc hướng dẫn quy trình, thủ tục, định mức kỹ thuật chi tiết theo danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp…cũng không thống nhất.

ttxvnhoadalat11307-1659607864-4483-16596

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao vẫn khiêm tốn, chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương.

Không dừng lại ở đó, quy định để được công nhận vùng, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiện nay được cho là chưa phù hợp với thực tiễn. Chẳng hạn như đối tượng sản xuất và quy mô của vùng sản xuất hoa diện tích tối thiểu phải là là 50 ha; diện tích sản xuất rau an toàn, lúa tối thiểu phải là 100 ha, hay đối với cây ăn quả lâu tối thiểu là 300 ha…

Là một trong những mô hình đi đầu trong ứng dụng công nghệ cao nhưng theo ông Hoàng Văn Thám, Giám đốc HTX rau quả sạch Chúc Sơn (Hà Nội), các điều kiện như trên rất ít HTX có thể làm được, nhất là khi vùng sản xuất đó đòi hỏi phải liền vùng, liền thửa. Nguyên nhân là do đô thị hóa ngày càng cao, diện tích đất bị thu hẹp, HTX nào muốn thuê đất lâu dài cũng không hề dễ dàng.

“Vẫn biết là diện tích lớn là dễ dàng ứng dụng máy móc nhưng công nghệ cao hiện nay đâu nhất thiết mô hình nào cũng cần diện tích lớn. Chính vì vậy, yêu cầu về diện tích đất để được công nhận là vùng nông nghiệp công nghệ cao hiện nay vẫn quá lớn, không phù hợp với điều kiện thực tế”, ông Thám nói.

Vẫn thiếu vốn, thiếu đất

Để ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, các HTX, doanh nghiệp, tổ hợp tác và các hộ nông dân cần có tiềm lực về vốn. Theo nghiên cứu, kinh phí đầu tư xây dựng nhà lưới sản xuất rau khoảng 400.000 đồng/m2. Kinh phí về giống rau, giá thể và dinh dưỡng là khoảng từ 500 triệu đồng/ha/vụ trở lên. Đó là chưa nói đến kinh phí để duy trì, mở rộng sản xuất.

Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Thọ Thanh (Thanh Hóa) ông Lê Văn Thượng cho biết, trên diện tích 16.000m2, để đầu tư xây dựng nhà màng, hệ thống tưới nhỏ giọt, giàn treo, màng phủ lót nền, HTX đã phải bỏ ra trên 2 tỷ đồng. Vậy nhưng việc tiếp cận vốn đầu tư ưu đãi của Nhà nước lại rất khó khăn nên quá trình đầu tư nông nghiệp công nghệ cao còn theo kiểu cầm chừng.

photo-3-1593162138070191815434-4461-7487

Cần khơi thông các nguồn hỗ trợ để HTX, người dân có thể đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Theo các chuyên gia, khi người dân, HTX cần kinh phí để đầu tư, mở rộng sản xuất nông nghiệp nói chung và nông nghiệp công nghệ cao nói riêng đều gặp nhiều khúc mắc. Nếu vay vốn, dù là nguồn vốn hỗ trợ từ ngân hàng, tổ chức tín dụng với ưu đãi về lãi suất đi chăng nữa thì vẫn phải có phương án sản xuất, kế hoạch rõ ràng, thậm chí là phải thuyết minh được dự án hoặc trình qua nhiều cấp ban ngành. Không dừng lại ở đó, các trang thiết bị, vật tư, vật liệu khi mua theo diện hỗ trợ cũng cần phải hóa đơn giá trị gia tăng...

Thêm vào đó, các HTX hiện nay cũng không thể mang mảnh ruộng, chuồng trại, hệ thống nhà màng, nhà kính của mình ra để thế chấp và việc định giá tài sản trên đất nông nghiệp cũng đang gặp rất nhiều khó khăn.

Cụ thể là hiện nay, các ngân hàng chính sách đang thực hiện định giá đất nông nghiệp trên khung giá do UBND tỉnh cấp. Trong đó, việc định giá đất nông nghiệp ở mức thấp khiến việc vay vốn cũng chẳng bõ bèn.

Ông Đặng Vinh Hòa, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp số Bình Phước cho biết, ngân hàng đang định giá đất nông nghiệp địa phương ở mức 40.000 - 50.000 đồng/m2. “Với mức này, nhiều nông dân và HTX không thể đầu tư cho nông nghiệp thông thường chứ chẳng nói là nông nghiệp công nghệ cao”, ông Hòa nhấn mạnh.

Đi cùng với việc khó tiếp cận vốn, không ít HTX còn khó khăn vì thiếu đất, trong khi sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi phải có vùng sản xuất liền vùng, liền thửa.

Theo báo cáo của Bộ TN&MT, hiện Nhà nước đã tính toán quy hoạch đất nông nghiệp công nghệ cao nằm trong quỹ đất đang sử dụng cho đất nông nghiệp, nhưng mới có khoảng 4.710ha được quy hoạch để phục vụ nông nghiệp công nghệ cao. Đây là còn số quá nhỏ bé và cũng là nguyên nhân khiến các HTX, doanh nghiệp khó được giao, thuê đất để phát triển sản xuất.

Trước thực trạng trên, các chuyên gia cho rằng, ngoài việc hoàn thiện về các tiêu chí, quy định về nông nghiệp công nghệ cao trong Luật Khoa học công nghệ 2008 theo hướng rõ ràng, định tính, hợp thực tiễn thì các ngân hàng, tổ chức tín dụng cũng cần tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX dễ dàng tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi theo Chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 7/3/2017 của Chính phủ, hay Quyết định 813/QĐ-NHNN ngày 24/4/2017 của Ngân hàng Nhà nước để đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Ngoài ra, các địa phương cũng cần linh hoạt để hỗ trợ các HTX tiếp cận các nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia hay nguồn vốn của chương trình “Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025.

Trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, các nhà quản lý cần xem xét, tính toán thêm quỹ đất để phục vụ nông nghiệp công nghệ cao, từ đó giúp các hộ gia đình, HTX, doanh nghiệp có thể tạo ra các chuỗi giá trị từ nông nghiệp công nghệ cao.

“Nếu làm tốt được nhưng điều này, nông nghiệp công nghệ cao không còn ở thế chạy đà mà thực sự đi vào cuộc sống, đem lại hiệu quả thuyết phục cho tất cả mọi người tham gia vào chuỗi sản xuất”, TS Nguyễn Xuân Cảnh cho biết.

                                                                    Nguồn: Huyền Trang(VnBusiness)

Chia sẻ Facebook (0)
Bình luận (0)
Các tin mới hơn
Khai mạc Hội chợ xúc tiến thương mại cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác năm 2024- khu vực phía Bắc(19/04/2024)
Kỳ vọng từ cánh đồng trải nghiệm xã Bạch Đằng(17/04/2024)
Nuôi cá rô phi làm chả, hướng đi mới cho người nuôi cá ở Hải Dương(17/04/2024)
Liên minh HTX tỉnh Hải Dương tích cực đổi mới công tác tuyên truyền(16/04/2024)
Để HTX không 'cô đơn' trên hành trình làm nông nghiệp hiện đại(15/04/2024)
Các tin cũ hơn
Gói hỗ trợ lãi suất 2%: Ngân hàng có nên thay đổi 'khẩu vị rủi ro' với HTX?(05/08/2022)
Sửa đổi Luật HTX cần làm nổi bật vai trò của hợp tác xã(04/08/2022)
Đào tạo nghề trong khu vực HTX: 'Chìa khóa' giảm nghèo bền vững(03/08/2022)
Nhiều chính sách mới hỗ trợ cho hợp tác xã trong nông nghiệp(02/08/2022)
Giải bài toán tăng số lượng thành viên hợp tác xã(02/08/2022)
Video
na
na
na
na
na
na
na
na
na
Liên kết website