Tin tức- hoạt động
Tiếp động lực từ nguồn vốn tín dụng cho HTX trở lại 'đường đua'
02/06/2022 12:00:00

Nhiều HTX đang mong đợi rất nhiều vào gói hỗ trợ lãi suất 2% của Chính phủ. Tuy nhiên, khâu triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP của các tổ chức tín dụng với khu vực kinh tế hợp tác dường như vẫn còn chậm.

Vào cuối tháng 1/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH-15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.

Sốt ruột nhưng vẫn phải... chờ

Theo đó, mức lãi suất hỗ trợ đối với khách hàng là 2%/năm đối với khoản vay được giải ngân trong khoảng thời gian từ 11/1/2022 đến hết ngày 31/12/2023...

Đại diện các HTX cho biết, dịch Covid-19 kéo dài cùng với giá cả leo thang, chi phí vật tư tăng chóng mặt nên hầu hết HTX đều gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì và phục hồi sản xuất.

Khi biết Nghị quyết số 11 về hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2022 - 2023 và Thông tư 03 hướng dẫn các ngân hàng thương mại thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31 được ban hành, các HTX cảm nhận rất rõ được sự quan tâm của Nhà nước đối với khu vực kinh tế tập thể, HTX.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất chính là làm thế nào để HTX có thể nhanh chóng tiếp cận được chính sách này nhằm giảm bớt khó khăn.

Ông Trương Quang An, Giám đốc HTX thanh long Tầm Vu (Long An) cho biết, để phát triển chuỗi giá trị thanh long xuất khẩu, HTX đã phải vay vốn từ ngân hàng thương mại với lãi suất 8,5%/năm. Tuy nhiên, từ năm ngoái đến nay, xuất khẩu thanh long gặp rất nhiều khó khăn, chi phí đội lên nhiều lần. Nếu được hỗ trợ lãi suất 2% thì mỗi tháng, HTX có thể tiết kiệm được khoảng 100 triệu đồng.

Tuy nhiên, dù đã chủ động liên hệ và làm việc với phía ngân hàng nhưng HTX vẫn nhận được câu trả lời là “chờ hướng dẫn cụ thể”.

“Không riêng gì gói hỗ trợ lần này mà các gói hỗ trợ trước đây đối với HTX đều rất khó khăn. Chúng tôi vẫn phải vay ngân hàng với lãi suất rất cao, trong khi rủi ro trong đứt gãy chuỗi cung ứng vẫn hiện hữu. Chính vì vậy, HTX mong nhận được hỗ trợ từ Chính phủ càng sớm càng tốt. Có như vậy, việc phục hồi và phát triển sản xuất mới nhanh chóng và hiệu quả”, ông An chia sẻ.

Không chỉ chậm triển khai, một số HTX cũng cho biết các quy định để được hưởng hưởng hỗ trợ lãi suất 2% cũng cứng nhắc. Bởi, nếu theo quy định, khoản vay không được hỗ trợ lãi suất chương trình này là có số dư nợ gốc, lãi quá hạn. Sau khi HTX đã trả hết số nợ quá hạn thì mới được hỗ trợ lãi suất 2% đối với các kỳ trả nợ lãi tiếp theo.

12-9013-1653990546.jpg

HTX nông nghiệp là lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nên rất muốn nhanh nhận được chính sách hỗ trợ.

Hay nói cách khác, Nghị định 31 loại trừ hỗ trợ đối với những HTX có nợ cơ cấu, nợ quá hạn. Như vậy, chỉ những khách hàng bình thường, khách hàng tốt thuộc những nhóm ngành dịch vụ, du lịch, vận tải, hàng không, giáo dục, nông nghiệp, thủy sản... mới được hỗ trợ 2% lãi suất. Còn HTX có nợ quá hạn, nợ xấu thì không được hỗ trợ.

Ông Hứa Minh Đức, Chủ tịch HĐQT HTX Đại Thắng II (Bạc Liêu) cho biết, với điều kiện HTX không có nợ đang được cơ cấu, nợ xấu mới được tiếp cận chính sách hỗ trợ này thì rất nhiều HTX không đáp ứng được.

“Chỉ mong chính sách có thể đến gần hơn với các HTX. Bởi khó khăn kéo dài mà chính sách thì vẫn rất chậm, nhiều quy định vẫn chưa phù hợp với thực tiễn, trong khi khôi phục sản xuất kinh doanh đang là chuyện "nước sôi lửa bỏng" của các HTX”, ông Đức nói.

Ngoài các khó khăn trên, nhiều HTX cho biết, các ngân hàng thường có các thủ tục, hồ sơ phức tạp nên tốn rất nhiều thời gian của HTX. Chính vì vậy, trong gói hỗ trợ lần này, các HTX mong muốn, thủ tục hồ sơ để được nhận hỗ trợ cũng cần đơn giản để HTX đủ điều kiện có thể nhanh chóng tiếp cận và được giải ngân sớm. Từ đó, dùng nguồn vốn ưu đãi đẩy mạnh xúc tiến sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, đưa nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam ra thế giới.

Nhanh tiến độ, đúng chủ trương

Thực tế cho thấy, trải qua hơn 2 năm bị dịch Covid-19, các HTX rất mong muốn được tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2% của Chính phủ. Hiện, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, sản xuất lưu thông hàng hóa bị đội chi phí… Vì vậy, mức lãi suất giảm 2%/năm sẽ giúp HTX tiết giảm chi phí và có thêm nguồn tài chính để duy trì cũng như đầu tư cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt, nếu tiếp cận được với gói hỗ trợ lãi suất 2%, HTX sẽ có thêm cơ hội tiếp cận được dòng vốn rẻ, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Lý giải về thời gian chậm triển khai chính sách, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết gói hỗ trợ lãi suất 2% trước là dự thảo nghị định, sau đó phải chờ Chính phủ ký thông qua nghị định. Khi về Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đều phải có thông tư hướng dẫn nữa. Vì vậy mà đến 20/5/2022 vừa qua, chính sách này mới được triển khai. Như vậy, cần một thời gian ngắn nữa, các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất kinh doanh mới có thể tiếp cận được hỗ trợ.

Trước thực tế trên, các chuyên gia cho rằng, vẫn biết quy trình ban hành các văn bản pháp lý là điều cần thiết nhưng việc này vẫn còn mất rất nhiều thời gian. Kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP vào cuối tháng 1/2022 đến cuối tháng 5, chính sách mới chính thức có hiệu lực thì quả là một thời gian dài.

Đó là chưa kể trong quá trình doanh nghiệp, HTX làm hồ sơ, nếu có vướng mắc mà lại cần thông tư thay thế nữa thì thời gian để HTX được nhận hỗ trợ vẫn là chưa rõ. Trong khi thời gian kết thúc khoản vay được giải ngân từ chính sách này là 31/12/2023...

Bên cạnh đó, để chính sách có thể đến tận tay các HTX, các chuyên gia cho rằng cần phải có quá trình giám sát chặt chẽ nhằm tránh tình trạng mỗi ngân hàng hiểu một cách và thực hiện không thống nhất. Cụ thể là việc các ngân hàng tăng lãi suất một cách tùy tiện rồi mới tính cho HTX được giảm 2%.

Lý giải về điều này, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, Ts Đinh Thế Hiển, cho biết cần phải hiểu rõ rằng nếu như trước đó, HTX vay ngân hàng với lãi suất 8%/năm, thì kể từ khi được hưởng thụ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, khoản vay của HTX sẽ được giảm lãi 2% xuống còn 6%/năm.

Còn cách ngân hàng tự ý tăng lãi suất cho vay lên 9-10%/năm và sau khi được giảm 2% thì lãi suất mà HTX phải trả lại là 7-8%/năm là hoàn toàn sai. Như vậy, HTX là phía bị thiệt thòi và cách triển khai này hoàn toàn không đúng với định hướng chính sách hỗ trợ của Chính phủ.

“Đó là nguyên nhân khiến không hiếm HTX, doanh nghiệp nhỏ bi quan với các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước”, ông Hiển nói.

Có thể thấy, HTX cũng giống như các doanh nghiệp nhỏ và vừa, quá trình làm việc của HTX với các tổ chức tín dụng còn có những khó khăn nhất định. Chính vì vậy, HTX rất mong ngân hàng sẽ chủ động làm việc với HTX, có thể đưa ra các giải pháp để hỗ trợ mô hình kinh tế này rút ngắn được thời gian, thủ tục hồ sơ để tiếp cận được với chính sách hỗ trợ lãi suất một cách thuận tiện và nhanh chóng. Và khi các HTX tiếp cận được với gói hỗ trợ này sớm ngày nào thì sẽ sớm góp phần thúc đẩy kinh tế của cả nước hồi phục sớm hơn ngày đó.

                                                                       Nguồn: Huyền Trang(VnBusiness)

Các tin mới hơn
Nhiều 'rào cản' khiến tín dụng vẫn khó 'chảy' vào khu vực HTX(24/04/2024)
Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức hội thảo “Giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể”(23/04/2024)
Công bằng xã hội trong HTX chính là “chiếc giày vừa chân” cho từng thành viên(22/04/2024)
Khai mạc Hội chợ xúc tiến thương mại cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác năm 2024- khu vực phía Bắc(19/04/2024)
Kỳ vọng từ cánh đồng trải nghiệm xã Bạch Đằng(17/04/2024)
Các tin cũ hơn
Hợp tác xã, doanh nghiệp kỳ vọng phục hồi từ gói hỗ trợ lãi suất 2%(01/06/2022)
HTX Nông nghiệp xanh V-Phúc xuất khẩu lô vải Thanh Hà đầu tiên sang châu Âu (31/05/2022)
Gỡ khó để phát triển nông nghiệp xanh(31/05/2022)
Hải Dương: Đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ vải thiều, người dân phấn khởi...“được mùa, được giá"(30/05/2022)
Dư địa phát triển HTX công nghệ cao còn rất lớn(30/05/2022)
Video
na
na
na
na
na
na
na
na
na
Liên kết website