Mô hình farmstay (du lịch kết hợp giữa nông trại và homestay) được đánh giá là đang có khoảng trống về pháp lý, chưa được gọi tên rõ ràng. Trong khi rất nhiều HTX đang và rất mong muốn phát triển mô hình du lịch trên đất nông nghiệp.
Mới chỉ ở giai đoạn thí điểm
Ông Trần Tiến Dũng, Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ Trần Gia (TranGia Farmstay) cho rằng hiện chỉ có một số văn bản của các địa phương đưa ra và có nhắc tới mô hình du lịch nông nghiệp, trong đó có mô hình farmstay. Chưa có một văn bản nào được đưa ra một cách chính thống từ Trung ương về mô hình này nên chưa tạo ra cơ sở vững chắc cho các HTX yên tâm đầu tư và phát triển farmstay nói riêng, du lịch nông nghiệp, trải nghiệm nói chung.
“Chính vì chưa có văn bản pháp lý rõ ràng nên nhiều HTX cũng đang làm mô hình này theo kiểu thí điểm”, Giám đốc TranGia Farmstay cho biết.
Cụ thể là đến thời điểm này, farmstay vẫn chưa được ghi nhận là một loại cơ sở lưu trú du lịch nên chưa có quy chuẩn riêng về cơ sở vật chất, kỹ thuật. Điều này này gây khó khăn cho các HTX trong việc tuân thủ, áp dụng quy định về bảo đảm cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ của cơ sở lưu trú du lịch.
Tính pháp lý của farmstay (cả về định nghĩa, quy định kỹ thuật, chính sách hỗ trợ, quản lý) mô hình này đều chưa rõ ràng, trong khi nhu cầu về trải nghiệm mô hình du lịch nông nghiệp, du lịch farmstay đang rất lớn. Chính vì vậy, các HTX đã phải thực hiện nhiều cách khác nhau để đảm bảo tính pháp lý trong làm du lịch trải nghiệm.
Cụ thể là đến thời điểm hiện tại, nhiều HTX muốn xây dựng mô hình này đã phải xin giấy phép theo mô hình khu du lịch sinh thái. Ông Hoàng Văn Hiệp, Giám đốc HTX du lịch Đồng Dao (Bắc Giang) cho biết khi xem farmstay như khu du lịch sinh thái sẽ thuận tiện hơn vì khu du lịch sinh thái hiện đã có tiêu chuẩn cụ thể nên HTX có thể xin phép, có thể chuyển đổi đất thương mại dịch vụ để đầu tư cơ sở vật chất. Trong khi đó, mô hình farmstay chưa có tiêu chuẩn cụ thể nên rất khó xin phép cơ quan quản lý để đầu tư.
Tuy nhiên, ngay cả với dự án du lịch sinh thái, để xin phép đầu tư cũng không hề đơn giản. HTX phải đăng ký quy hoạch dự án và trải qua các khâu như đo đạc, khảo sát địa hình; xin phép chủ trương đầu tư dự án; ký quỹ, thỏa thuận đấu nối hạ tầng; lập quy hoạch chi tiết 1/500; thiết kế chi tiết, lập bản vẽ thi công; xin cấp phép thi công…
Tất nhiên, nếu đi qua được các bước như vậy, giá trị dự án của HTX được tăng lên nhiều lần nhưng đòi hỏi HTX phải có đủ hiểu biết và nguồn lực. Trong khi đó, rất ít HTX có đủ những yếu tố này.
Trước khó khăn của việc xin đầu tư theo khu du lịch sinh thái, các chuyên gia cho rằng HTX có thể chuyển hướng sang đầu tư mô hình homestay kết hợp trang trại tổng hợp. Vì homestay có thể xây dựng trên đất ở và HTX có thể đáp ứng điều kiện này. Khi làm homestay trên đất ở, HTX vẫn có thể đầu tư thêm cho các trang trại tổng hợp mà vẫn đảm bảo tính pháp lý đến thời điểm hiện tại.
|
Mô hình farmstay chưa có tính pháp lý rõ ràng để phát triển (Ảnh minh họa) |
Và để đầu tư mô hình này, HTX cũng có thể tách dự án thành 2 phần để xin phép xây dựng riêng biệt là homestay và trang trại. Vì homestay đã có quy định cụ thể. Còn về trang trại, khi HTX xin giấy phép đầu tư trang trại tổng hợp, có cả mảng chăn nuôi thì vừa tăng khả năng trải nghiệm cho khách du lịch, vừa tăng nguồn thực phẩm phục vụ khách cho HTX.
Tuy nhiên, phương án này được khuyến cáo chỉ nên áp dụng cho những HTX triển khai những dự án nhỏ vì dễ bị cứng nhắc trong quy hoạch. Nếu thực hiện theo hình thức này, HTX khó có thể tạo nên được một tổng thể hoàn thiện trên quy mô lớn.
Trước những khó khăn và thuận lợi của hai hình thức đầu tư trên, theo một số chuyên gia, vẫn có một hình thức nữa có thể bảo đảm về tính pháp lý và thay thế mô hình farmstay, đó là HTX có thể chuyển sang thực hiện mô hình bãi cắm trại kết hợp trang trại.
Với mô hình này, HTX cũng phải xin hai giấy phép là giấy phép bãi cắm trại và giấy phép làm trang trại. Giấy phép để làm bãi cắm trại đến thời điểm hiện tại được đánh giá là khá đơn giản, dễ thực hiện nên phù hợp với các HTX.
Phương pháp bãi cắm trại kết hợp trang trại có một điểm rất hay đó là tính pháp lý khá rõ ràng nên nếu thực hiện đúng quy trình, HTX rất thuận tiện trong bảo đảm tính pháp lý. Đi liền với đó, vấn đề đầu tư cho mô hình này cũng được đánh giá là được giảm bớt hơn, chi phí tiết kiệm hơn cho HTX.
Tuy nhiên, đại diện các HTX cho rằng dù là “lách” bằng cách lựa chọn phương án nào trong 3 phương án trên thì cũng đang cho thấy người dân, HTX đang gặp khó khăn trong việc bảo đảm tính pháp lý trong làm du lịch nông nghiệp nói chung và đầu tư cho mô hình farmstay nói riêng. Và thay vì để HTX phải lựa chọn phương pháp khác thì tại sao Nhà nước không chính thức có những văn bản để mô hình farmstay phát triển đúng hướng và giúp các HTX tận dụng được thế mạnh của từng địa phương.
Nhìn dưới nhiều góc độ
Theo các chuyên gia, cần có định nghĩa cụ thể, tường minh hơn nữa về đất du lịch nông nghiệp, đất làm farmstay. Cụ thể là cần bổ sung định nghĩa du lịch nông nghiệp, farmstay vào các luật liên quan như Luật Du lịch, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản... Đi liền với đó là bổ sung quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất sử dụng vào mục đích farmstay.
Theo KTS-chuyên gia về farmstay Phạm Thanh Tùng, các bộ luật đều cần nói cụ thể về vấn đề này thì mới mang lại hiệu quả, còn chỉ một luật quy định sẽ không thể giúp mô hình du lịch nông nghiệp, farmstay phát triển trôi chảy. Các quy chế về việc phối kết hợp giữa các bộ ngành, địa phương trong quản lý đất du lịch nông nghiệp, đất làm farmstay cũng cần được quan tâm.
Đặc biệt, một khi quy định về phân khúc thị trường kinh doanh farmstay được quy định cụ thể trong Luật Kinh doanh bất động sản sẽ tạo ra các giá trị về đất đai, từ đó tạo ra giá trị về kinh tế, văn hóa, xã hội.
Còn Luật Du lịch khi được bổ sung những quy định liên quan đến farmstay như quy định về tích hợp giữa quy hoạch du lịch với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp, quy hoạch phát triển nông nghiệp nhằm gắn với phát triển farmstay sẽ tạo cơ hội thuận lợi cho farmstay phát triển.
Ông Phạm Thanh Tùng cho rằng để mô hình này phát triển, các nhà quản lý cần nhìn dưới nhiều góc độ, cả dưới góc nhìn từ bất động sản, du lịch, nông nghiệp chứ không chỉ nhìn ở mỗi góc độ nông nghiệp hoặc du lịch. Có như vậy mới tạo ra hệ sinh thái, tính hệ thống cho mô hình này phát triển bền vững.
Cũng cần phải hiểu du lịch nông nghiệp nói chung, farmstay nói riêng không phải là một ngành nhỏ nên cần hoàn thiện về pháp lý, cần có những chính sách về vốn, miễn giảm thuế, có những hướng dẫn về phát triển, vận hành cụ thể để kích thích các tổ chức, cá nhân, trong đó có các HTX phát triển mô hình này.
Theo: Huyền Trang(VnBusiness)