Tin tức- hoạt động
Gỡ nút thắt để HTX tiếp cận vốn ngân hàng
03/03/2023 09:54:44

Chỉ khoảng 2% số HTX tiếp cận được vốn của ngân hàng thương mại do điều kiện mà các nhà băng đưa ra không phù hợp với khả năng của HTX. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng cần sớm sửa đổi Luật HTX 2012, đồng thời ngành ngân hàng có điều kiện vay vốn dành riêng cho khu vực HTX.

Chia sẻ tại Hội thảo khoa học "Tín dụng Hợp tác xã - Thực trạng và giải pháp" tổ chức ngày 2/3, đại diện HTX Đầu tư nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì cho biết, hiện nay, các HTX vay được vốn chủ yếu thông qua các nguồn Quỹ phát triển HTX, tuy nhiên hạn mức vay còn thấp. Trong khi đó, rất nhiều HTX có nhu cầu vay vốn ngân hàng nhưng không đủ điều kiện vay. Đây cũng là lý do chính khiến nhiều HTX rất tiềm năng nhưng không phát triển mạnh được.

Dư nợ cho vay HTX giảm mạnh

Ông Phạm Công Bằng, Tổng Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam cho biết, chỉ có khoảng 2% số HTX trong cả nước tiếp cận được vốn của các tổ chức tín dụng (TCTD). Trong khi thực tế nhu cầu vốn cho phát triển sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế hợp tác, HTX là rất lớn và cấp thiết, bởi nguồn vốn tín dụng là yếu tố quyết định để phát triển sản xuất kinh doanh.

-3368-1677765671.jpg

Thực tế nhu cầu vốn cho phát triển sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế hợp tác, HTX là rất lớn và cấp thiết (Ảnh minh hoạ: Int)

Còn theo khảo sát của hệ thống Liên minh HTX, chỉ khoảng 10% số HTX được vay vốn của các Quỹ Trung ương và địa phương; 0,5% số HTX tiếp cận được vốn vay của các TCTD.

“Điều này là do các ngân hàng thương mại và các TCTD là các đơn vị thuần túy kinh doanh với mục tiêu lợi nhuận, yêu cầu cao về điều kiện, e ngại cho vay HTX vì chi phí cho vay cao. Chính vì thế khiến cho trên 80% số HTX phải vay trên thị trường phi chính thức và tín dụng "đen" với lãi suất cao”, ông Bằng thông tin.

Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, dư nợ cho vay HTX đang giảm, đến cuối năm 2022 đạt khoảng 6.500 tỷ đồng (giảm 12,45% so với cuối năm 2021), với gần 1.200 HTX, liên hiệp HTX còn dư nợ.

Đáng lưu ý, thời hạn cho vay chủ yếu là ngắn hạn để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh (67%), cho vay trung và dài hạn chỉ chiếm 33%.

Nêu lên thực trạng chung của các HTX dẫn đến kết quả tín dụng chưa cao, ông Bằng cho biết, theo quy định để được vay vốn, HTX phải có dự án sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Tuy nhiên, quá trình khảo sát cho thấy, đa số HTX hoạt động lỗ trên sổ sách kế toán. Bên cạnh đó, HTX chưa quen sử dụng hoá đơn chứng từ theo đúng quy định của Nhà nước. Theo Luật HTX, khi HTX đầu tư phải nộp thuế VAT. Trong khi đó, để vay được vốn tại Quỹ hỗ trợ phát triển HTX rẻ được vài % lãi suất, nhưng lại phải nộp 10% thuế VAT, nên HTX đang định vay sẽ không vay nữa.

Về tài sản thế chấp, nhiều HTX không có tài sản chung, thậm chí nhiều HTX kiểu mới không có trụ sở, nên phải lấy tài sản của một thành viên HTX để thế chấp, nhưng một số thành viên trong gia đình không đồng thuận nên việc vay vốn thế chấp của HTX rất khó.

Ngoài ra, quá trình khảo sát các HTX ở vùng sâu vùng xa cho thấy, nhiều HTX phải thuê kế toán, hạch toán, báo cáo tài chính không theo quy định. Trong khi đó, các ngân hàng cho vay doanh nghiệp quy định phải có báo cáo kiểm toán độc lập. Đây là khó khăn để các ngân hàng và Quỹ hỗ trợ phát triển HTX cho vay.

“Vì vậy, chúng tôi mong muốn ngân hàng có giải pháp tháo gỡ những khó khăn này. Tôi rất hy vọng có “bàn tay” của Nhà nước nâng đỡ khu vực HTX phát triển, trong đó khơi thông nguồn vốn tín dụng phát triển”, ông Bằng kiến nghị.

Cần các giải pháp đồng bộ

Để tháo gỡ những khó khăn mà các HTX gặp phải, đại diện HTX Đầu tư nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì (Hà Nội) kiến nghị được tạo điều kiện về vốn hoặc hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, theo hướng giảm bớt các điều kiện được vay vốn; có cơ chế cho các HTX được vay vốn lãi suất ưu đãi; thời gian cho vay đối với sản xuất nông nghiệp có thời gian vay dài tối thiểu từ 10 năm trở lên…

“Thành viên hoặc HTX vay vốn ở ngân hàng hoặc các TCTD khác đề phục vụ sản xuất thời gian đầu rất khó khăn, đề nghị các cấp xem xét hỗ trợ lãi suất từ 3 năm trở lên để phần nào giảm bớt khó khăn cho thành viên và HTX”, đại diện HTX bày tỏ mong muốn.

Về phía ngân hàng thương mại, đại diện Agribank cũng cho rằng, nguyên nhân dẫn đến dư nợ tín dụng cho vay HTX vẫn còn hạn chế là do nhiều HTX chưa đáp ứng được điều kiện đăng ký vay vốn (quy mô nhỏ, phương án sản xuất không khả thi…); chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh (năng lực tài chính, cơ sở vật chất… còn kém, vốn tự có không đáp ứng được yêu cầu ngân hàng…); đối tượng vay là HTX chứa đựng nhiều rủi ro…; Chưa có tính liên kết (chủ yếu quy mô nhỏ, chưa hình thành các chuỗi liên kết sản xuất với đầu vào – sản xuất – tiêu thụ sản phẩm).

Vì vậy, đại diện Agribank kiến nghị Quốc hội nghiên cứu bổ sung, sửa đổỉ Luật HTX 2012 phù hợp với tình hình và điều kiện phát triển mới. Nghiên cứu điều chỉnh tăng tỷ lệ vốn góp tối đa của thành viên lên trên 20% để khuyến khích tăng nguồn vốn huy động cho HTX. Bổ sung các chính sách bảo hiểm cho HTX và thành viên. Đồng thời, bố trí ngân sách nhà nước trung hạn và hằng năm hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX được ghi thành khoản mục riêng trong dự toán ngân sách nhà nước…

Với Chính phủ và bộ, ngành liên quan, đại diện Agribank kiến nghị, cần thí điểm và nhân rộng mô hình HTX hiệu quả phù hợp với các điều kiện vùng, miền địa phương. Vận động HTX thu hút thêm thành viên, hợp nhất, sáp nhập HTX cùng ngành, nghề và địa bàn hoạt động để tăng tiềm lực tài chính và quy mô hoạt động của HTX. Tập trung tháo gỡ khó khăn, để các HTX yếu kém củng cố tổ chức lại hoạt động, sản xuất kinh doanh… Tăng cường đầu tư của Nhà nước và xã hội, ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến cho kinh tế tập thể, trong đó HTX là nòng cốt.

Còn theo TS. Phạm Minh Tú, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, để hỗ trợ tài chính cho HTX hình thành và phát triển, Nhà nước có thể sử dụng chính sách thuế, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, điện, nước, công trình thủy lợi…, hay dùng một phần ngân sách để tạo lập một hệ thống các quỹ hỗ trợ tài chính. Các HTX vay vốn từ các TCTD bằng hình thức thế chấp (trong đó được thế chấp bằng tài sản hình thành từ vốn vay), tín chấp và vay theo dự án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.

Đáng chú ý, tại Hội thảo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đề nghị các TCTD cân đối vốn, tập trung tín dụng cho các tổ chức kinh tế hợp tác, HTX kiểu mới, ứng dụng công nghệ cao, HTX tham gia các sản phẩm có thế mạnh, sản xuất theo chuỗi.... "Tại hội thảo này, tôi đặt hàng với Viện Chiến lược ngân hàng nghiên cứu, đưa ra các giải pháp phù hợp để HTX tiếp cận được vốn vay ngân hàng", Phó Thống đốc nhấn mạnh.

                                                                                      Theo: Thanh Hoa(VnBusiness)

Các tin mới hơn
Vai trò của Liên minh HTX tỉnh Hải Dương trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể(25/04/2024)
Nhiều 'rào cản' khiến tín dụng vẫn khó 'chảy' vào khu vực HTX(24/04/2024)
Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức hội thảo “Giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể”(23/04/2024)
Công bằng xã hội trong HTX chính là “chiếc giày vừa chân” cho từng thành viên(22/04/2024)
Khai mạc Hội chợ xúc tiến thương mại cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác năm 2024- khu vực phía Bắc(19/04/2024)
Các tin cũ hơn
Làm gì để HTX an tâm sản xuất VietGAP?(03/03/2023)
Hội nghị ký kết Chương trình phối hợp giữa Liên minh HTX tỉnh với Sở Thông tin - truyền thông và Đài Phát thanh - truyền hình tỉnh giai đoạn 2023 - 2025(03/03/2023)
HTX 'ba chìm bảy nổi' vì đất sản xuất nông nghiệp(28/02/2023)
Thêm 'chất xúc tác' để HTX tận dụng cơ hội từ xúc tiến thương mại(27/02/2023)
ĐỒNG CHÍ NGUYỄN THỊ THU HƯƠNG-CHỦ TICH LIÊN MINH HTX TỈNH VỀ THĂM MỘT SỐ HTX THÀNH VIÊN(23/02/2023)
Video
na
na
na
na
na
na
na
na
na
Liên kết website