Những năm qua, các hợp tác xã trong tỉnh Hải Dương đã có nhiều đóng góp tích cực trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Đầu tàu
Xã Cẩm Văn (Cẩm Giàng) có 149 ha chuyên canh rau màu, trong đó 140 ha trồng cà rốt theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP... Địa phương này đã sớm về đích nông thôn mới nâng cao vào năm 2020. Để đạt kết quả này, có sự đóng góp không nhỏ của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Cẩm Văn với vai trò là đầu tàu trong đổi mới sản xuất nông nghiệp.
Theo ông Nguyễn Văn Mịch, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Cẩm Văn, những năm qua, các thành viên trong hợp tác xã đã đóng góp khoảng 15 tỷ đồng để nâng cấp, mở rộng đường giao thông nội đồng; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tích tụ ruộng đất sản xuất tập trung đem lại hiệu quả kinh tế cao. Vùng trồng cà rốt, dưa hấu của hợp tác xã cho doanh thu từ 200 - 350 triệu đồng/ha/năm, góp phần cải thiện đời sống nhân dân. Hiện thu nhập bình quân của xã Cẩm Văn đạt 76 triệu đồng/người/năm. Ngoài ra, các mô hình nông nghiệp còn tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động địa phương. Đến nay, xã Cẩm Văn đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí để về đích nông thôn mới kiểu mẫu.
Tại huyện Bình Giang, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Long Xuyên luôn là đơn vị đi đầu trong việc áp dụng cơ giới hoá vào sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là đơn vị xây dựng được vùng sản xuất lúa chất lượng cao có quy mô lớn trong tỉnh. Theo ông Hoàng Hữu Bắc, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Long Xuyên, trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, địa phương không gặp nhiều khó khăn về tiêu chí tổ chức sản xuất và thuỷ lợi. Bởi từ lâu hợp tác xã đã xây dựng được vùng sản xuất hàng hoá tập trung với 161 ha trồng lúa và 69 ha nuôi thuỷ sản. Hầu hết các vùng nuôi trồng này đều được áp dụng công nghệ cao và có liên kết theo chuỗi giá trị. Bản thân đơn vị cũng được công nhận là một trong những hợp tác xã hoạt động tích cực, hiệu quả của tỉnh.
"Ngoài thế mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp, các thành viên trong hợp tác xã còn tích cực góp sức, góp của để nâng cấp, mở rộng đường giao thông, hoàn thiện các thiết chế văn hoá, giáo dục, môi trường, góp phần cải thiện đời sống nhân dân", ông Nguyễn Hữu Ngọc, Chủ tịch UBND xã Long Xuyên cho biết.
Năm 2021, xã Long Xuyên là một trong ba địa phương đầu tiên về đích nông thôn mới nâng cao của huyện Bình Giang.
Xây dựng sản phẩm đặc thù
Năm 2005, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã An Thanh (Tứ Kỳ) được thành lập với 109 thành viên. Ban đầu đơn vị này chỉ tập trung cung cấp các dịch vụ về nông nghiệp cho các hộ dân trong xã. Năm 2013, nhận thấy rươi, cáy ở vùng bãi ngoài đê có nhiều tiềm năng nên hợp tác xã đã vận động nông dân cải tạo lại đồng ruộng để rươi, cáy sinh sống. Việc cấy lúa cũng giảm từ 2 vụ/năm còn 1 vụ/năm và không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Giá trị kinh tế cao từ con rươi, cáy đã giúp đời sống nhân dân trong xã cải thiện rõ rệt. Vùng nuôi rươi cũng được mở rộng từ 137 ha lên 330 ha, sản lượng đạt trên 300 tấn/năm. Năm 2023, giá trị sản xuất nông nghiệp của xã An Thanh đạt 450 triệu đồng/ha, gấp 2,3 lần so với bình quân của tỉnh.
Ông Phạm Xuân Luận, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã An Thanh cho biết hiện đơn vị đã xây dựng được 3 sản phẩm chủ lực gồm: rươi, cáy và lúa hữu cơ. Sản phẩm rươi, cáy đã được cấp chứng nhận là sản phẩm OCOP 4 sao. Gần 140 ha trồng lúa hữu cơ cũng được doanh nghiệp liên kết bao tiêu sản phẩm và xây dựng thành thương hiệu nổi tiếng. Mỗi năm hợp tác xã cung cấp ra thị trường khoảng 410 tấn thóc trồng tại vùng nuôi rươi. Đơn vị đang tập trung hoàn thiện hồ sơ cấp mã vùng trồng lúa và vùng nuôi rươi, cáy địa phương.
Xã Đức Chính (Cẩm Giàng) được ví là thủ phủ cà rốt của Hải Dương với diện tích trồng hơn 360 ha. Cà rốt là loại nông sản xuất khẩu chủ lực của tỉnh trong những năm qua và là sản phẩm đạt OCOP 4 sao duy nhất của huyện Cẩm Giàng. Theo Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Đức Chính, tổng sản lượng cà rốt của địa phương mỗi năm đạt khoảng gần 60.000 tấn, trên 50% sản lượng được xuất khẩu, doanh thu đạt trên 250 tỷ đồng. Cũng nhờ cây cà rốt, tiềm lực kinh tế của địa phương này khá vững vàng. Năm 2021, xã Đức Chính là một trong 2 địa phương đầu tiên của Hải Dương về đích nông thôn mới kiểu mẫu.
Đại diện Liên minh Hợp tác xã tỉnh cho biết, những năm qua, các hoạt động dịch vụ, mô hình nông nghiệp của hợp tác xã phát triển đa dạng, có tính liên kết cao, nhiều ngành nghề truyền thống được khôi phục, phát triển. Các tổ hợp tác, hợp tác xã phi nông nghiệp còn thu hút, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động ở khu vực nông thôn... Đến nay, các đơn vị thành viên của Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã xây dựng được 63 sản phẩm OCOP, trong đó có 15 sản phẩm đạt 4 sao và 48 sản phẩm đạt 3 sao...
Theo: ĐQ(Báo Hải Dương)