Lấy chồng Kinh Môn, thấu hiểu nỗi vất vả của người dân để cho ra được hạt gạo nếp cái hoa vàng đặc sản, bà Nguyễn Thị Quý đã sớm nghĩ ra cách góp phần nâng tầm 'hạt vàng' của Kinh Môn.
Năm 1982, bà Nguyễn Thị Quý, sinh năm 1962, quê ở Liên Mạc (Thanh Hà) bén duyên và xây dựng gia đình với ông Lê Văn Xem ở phường Duy Tân (Kinh Môn).
Quê chồng là vùng sản xuất nếp cái hoa vàng tập trung, lớn nhất thị xã với hơn 200 ha nên bà Quý thấu hiểu nỗi vất vả của người dân “một nắng, hai sương” làm ra hạt gạo.
Bà bảo lúc nhỏ, mỗi mùa vụ tôi đều phụ mẹ đi cấy, gặt lúa, phơi thóc, cảm nhận được hương thơm của rơm phơi, mùi no ấm của những hạt thóc vàng. Mùi hương ấy in sâu vào ký ức tôi. "Đặc biệt khi được thưởng thức các món ăn từ gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn như: xôi, bánh chưng, bánh lòng, cái rượu… hương vị của hạt gạo luôn đọng mãi và thôi thúc tôi xây dựng thương hiệu gạo nếp cái hoa vàng Duy Tân”, bà Quý nói.
Vốn là người nhanh nhạy, năm 2000, bà Quý bàn với chồng đầu tư mở cửa hàng kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Việc kinh doanh diễn ra thuận lợi, cùng với 24 năm kinh nghiệm trong nghề nắm được tiến bộ kỹ thuật và thị trường, bà Quý quyết tâm tạo dựng thương hiệu cho “hạt vàng” của người dân Duy Tân.
Năm 2020, bà Quý cùng hội viên Chi hội Nông dân khu Duyên Linh thành lập Hợp tác xã Nông sản sạch Duy Tân với 35 thành viên. Bà được tín nhiệm giữ chức Giám đốc Hợp tác xã. Ban đầu Hợp tác xã thực hiện bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho 5 ha nếp cái hoa vàng của thành viên. Toàn bộ quy trình sản xuất, từ khâu chọn giống, gieo cấy, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đều được kiểm soát chặt chẽ theo hướng hữu cơ. Khâu thu hoạch, bảo quản, đóng gói thực hiện đúng quy trình bảo đảm về chất lượng, an toàn.
Ông Lê Văn Hòa, thành viên Hợp tác xã Duy Tân chia sẻ: “Khi tham gia Hợp tác xã, chúng tôi luôn chủ động và yên tâm trước mỗi mùa vụ. Được bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn so với thị trường, ai cũng phấn khởi”.
Năm 2021, bà Quý tích cực tham gia vào Chi hội Nghề nghiệp sản xuất và tiêu thụ gạo nếp cái hoa vàng an toàn phường Duy Tân, tạo thêm cơ hội để nâng cao giá trị sản phẩm. Cùng các thành viên Hợp tác xã, bà tích cực quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến với người tiêu dùng qua các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh, trên các trang mạng xã hội… Khi đi xa, bà đều mang sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng làm quà biếu tặng, ai nấy đều hết lời khen ngợi.
Vụ mùa năm nay, Hợp tác xã đã bao tiêu 14 ha nếp cái hoa vàng của 40 thành viên, sản lượng 60 tấn thóc. Hợp tác xã cũng mở rộng quy mô nhà xưởng hơn 300 m2 với hệ thống thiết bị, lò sấy công suất lớn, máy xay xát liên hoàn, đóng gói hiện đại, bảo đảm chất lượng sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Hợp tác xã tạo việc làm cho 5-7 lao động; kết nối, tiêu thụ hàng chục tấn gạo cho người dân thị xã.
Để sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng giữ được thương hiệu trên thị trường, mỗi thành viên của Hợp tác xã Nông sản sạch Duy Tân luôn chú trọng thực hiện từ khâu sản xuất, thu mua, bảo quản, đóng gói tiêu thụ, gửi trọn chữ “tâm” vào mỗi “hạt vàng”. Đồng thời tích cực góp sức xây dựng gạo nếp cái hoa vàng trở thành sản phẩm OCOP tiêu biểu của địa phương.
Đồng chí Nguyễn Hải Dương, Phó Chủ tịch UBND phường Duy Tân cho biết bà Nguyễn Thị Quý là người tâm huyết với việc nâng cao chất lượng, tạo dựng thương hiệu gạo nếp cái hoa vàng Duy Tân nói riêng và Kinh Môn nói chung. Những năm qua, Hợp tác xã nông sản sạch Duy Tân hoạt động hiệu quả, góp phần nâng cao giá trị nếp cái hoa vàng của địa phương.
Theo: NGUYỄN HẬU(Báo Hải Dương)