Tin tức- hoạt động
Sau bão lũ càng thấy rõ vai trò của hợp đồng liên kết
27/09/2024 01:56:34

 

Giá các mặt hàng rau, củ, quả tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba sau bão lũ cùng với tình trạng khan hiếm hàng hóa, nhiều người tiêu dùng phải mua thực phẩm với giá cao, từ đó gây tác dụng ngược cho HTX. Mấu chốt vấn đề ở đây là nếu nông sản vẫn được tiêu thụ theo hợp đồng liên kết giữa HTX-doanh nghiệp thì lợi ích sẽ mang lại cho cả HTX, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc HTX rau sạch Ba Chữ (Vân Nội, Đông Anh, Hà Nội) cho biết, trên thị trường, nhất là tại các chợ, giá rau xanh vẫn đang cao gấp đôi so với trước bão số 3.

Hợp đồng bao tiêu giúp bình ổn giá

HTX Ba Chữ chủ yếu sản xuất các loại rau ăn lá nên thiệt hại khá lớn trong cơn bão số 3 vừa qua bởi rau bị dập nát, ngập úng rất nhiều. Hiện, HTX tập trung khôi phục lại vùng trồng nhưng theo quy trình, cũng phải đến gần cuối tháng 10, lứa rau mới mới có thể cho thu hoạch.

Khảo sát nhanh tại một số HTX trên địa bàn TP Hà Nội như HTX Chúc Sơn, HTX Tâm Anh, HTX Đông Cao, đại diện các HTX đều chia sẻ, mưa bão đã ảnh hưởng trực tiếp tới sản lượng rau màu của HTX, từ đó làm giảm nguồn cung ra thị trường và kéo giá rau củ quả tăng cao.

Tuy nhiên, đó chỉ là đối với thị trường truyền thống, còn tại các chuỗi cửa hàng nông sản sạch, siêu thị, giá rau củ quả vẫn được giữ ổn định so với thời điểm trước bão số 3. Điều này được bà Nguyễn Thị Huyền lý giải, là do các HTX đã ký hợp đồng tiêu thụ với các đơn vị phân phối từ trước nên các siêu thị, cửa hàng rau sạch sẽ có kế hoạch phối hợp với HTX để chủ động nguồn rau củ cung ứng ra thị trường.

-7035-1727256529.jpg

Hợp đồng liên kết tiêu thụ nông sản giữa HTX và doanh nghiệp vẫn chưa thực sự bền vững.

Bên cạnh đó, vì hợp đồng liên kết đã ký kết từ trước nên giá thu mua nông sản từ HTX vẫn ổn định, giúp rau xanh, thực phẩm trong siêu thị giữ được giá bình ổn.

Ôn Phùng Anh Tuấn, Công ty Cổ phần đầu tư phát triển nông sản và dược liệu Việt, cho biết nhìn từ thực tế này có thể thấy, nếu thực hiện liên kết bằng hợp đồng giữa HTX và doanh nghiệp sẽ giải quyết được tình trạng găm hàng, tăng giá bất hợp lý sau bão lũ.

Bởi rau màu tại siêu thị thường được mua theo hợp đồng bao tiêu, giá bình ổn. Còn tại các chợ dân sinh, khi đi lấy hàng tại chợ đầu mối, tuỳ từng hôm, thời tiết tác động rất lớn tới giá rau củ quả tại chợ.

Chính vì vậy, trong thời điểm này, nhiều người tiêu dùng thông minh thay vì mua rau củ tại chợ truyền thống đã đến các siêu thị, cửa hàng nông sản sản để được mua thực phẩm với giá phù hợp, lại được bảo đảm về chất lượng.

Rủi ro vẫn hiện hữu

Điều này cho thấy, vai trò của hợp đồng liên kết là rất quan trọng trong thị trường sản xuất kinh doanh. Vậy nhưng thực trạng hiện nay, 60-70% nông sản của HTX, người dân làm ra vẫn chủ yếu tiêu thụ ra kênh truyền thống là các chợ nhỏ, chợ cóc, chợ đầu mối.

Theo thống kê của Liên minh HTX Việt Nam, mới có khoảng 4.000 HTX nông nghiệp liên kết với khoảng gần 1.900 doanh nghiệp trong sản xuất, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Mặc dù con số này đã tăng khoảng 1,5 lần so với năm 2019, nhưng còn chiếm tỷ lệ thấp, đạt khoảng 23% tổng số các HTX nông nghiệp hiện nay. Đặc biệt, lượng hàng hóa của các HTX bán cho doanh nghiệp qua hợp đồng chỉ chiếm trung bình khoảng 20-25% tổng lượng hàng hóa trên thị trường.

Nói về điều này để thấy, thực chất hợp đồng liên kết giữa HTX với doanh nghiệp đã có nhưng vẫn còn rất nhiều vấn đề cần bàn bạc, thậm chí gây tranh cãi, chưa tạo ra sự thống nhất.

Một trong những vấn đề hiện nay đó là HTX cho rằng nội dung hợp đồng liên kết thường có những yêu cầu khó khăn cho nông dân, nhưng lại giảm nhẹ những yêu cầu đối với doanh nghiệp.

Chẳng hạn như hợp đồng yêu cầu HTX phải bán hết nông sản cho doanh nghiệp, nhưng lại không ràng buộc doanh nghiệp phải mua hết nông sản cho nông dân, thành viên HTX.

Hay như giá bán nông sản là vấn đề quan trọng nhất đối với HTX khi tham gia hợp đồng liên kết nhưng chất lượng và số lượng nông sản lại là yếu tố doanh nghiệp quan tâm nhất.

Điều này thường dẫn đến sự tranh chấp, từ đó khiến thực tế có ít hợp đồng hoặc có hợp đồng liên kết giữa HTX và doanh nghiệp nhưng chưa mang lại hiệu quả bền vững.

Theo giới chuyên gia, trong kinh doanh thường có hai loại hợp đồng là hợp đồng giao ngay (trả tiền ngay khi giao hàng) và hợp đồng kỳ hạn (mua hoặc bán hàng hóa ở tương lai với một mức giá được thoả thuận ở hôm nay). Và theo cách liên kết giữa HTX và doanh nghiệp hiện nay thường nghiêng về hợp đồng kỳ hạn vì nông nghiệp thường có tính mùa vụ.

Nhưng đặc điểm của hợp đồng này là các điều khoản về tiêu chuẩn, chất lượng, số lượng … do hai bên tự thỏa thuận. Không có tính chất bắt buộc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng. Tính bắt buộc (nếu có) cũng là do hai bên tự thỏa thuận. Điều này đồng nghĩa với những rủi ro cho một bên của hợp đồng trong quá trình thực hiện

Do đó, trong thực tiễn mới có thêm một loại hợp đồng khác, đó là hợp đồng tương lai. Hợp đồng này vẫn là loại hợp đồng giao sau, nhưng các điều khoản về tiêu chuẩn, chất lượng… do Nhà nước chuẩn hóa, các bên của hợp đồng bắt buộc phải làm theo. Các bên chỉ thỏa thuận là giá cả, thời gian và số lượng. Ngoài ra, các giao dịch phải thực hiện trên Sàn giao dịch do Nhà nước quản lý…

Ts Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn II (TP.HCM) cho biết hợp đồng tương lai giúp các bên tham gia gặp ít rủi ro hơn, có sự đảm bảo của cơ quan quản lý trong quá trình thực hiện hợp đồng hơn.

Tuy nhiên, hầu hết các hợp đồng liên kết sản xuất lúa giữa doanh nghiệp với HTX với nông dân lại chưa phải là hợp đồng tương lai. Chính vì vậy, những rủi ro trong liên kết vẫn còn diễn ra trong thực tiễn. Đó là nguyên nhân nhiều HTX không tiếp cận được nguồn vốn tín dụng. Bởi ở nhiều nước, hợp đồng liên kết chính là một trong những cơ sở quan trọng để HTX thế chấp vay vốn các tổ chức tín dụng.

                                                 Theo: Huyền Trang(VnBusiness)

Các tin mới hơn
Rau vụ đông sớm ở Hải Dương thắng lớn(20/11/2024)
Người nâng tầm 'hạt vàng' Kinh Môn(20/11/2024)
Tổng kết phong trào thi đua Liên minh HTX các tỉnh cụm Trung du Bắc Bộ năm 2024(19/11/2024)
Quản lý giỏi giúp HTX nâng cao năng lực cạnh tranh(15/11/2024)
Để đi xa, nông nghiệp cần đi cùng với bảo hiểm(13/11/2024)
Các tin cũ hơn
Bộ trưởng Lê Minh Hoan biểu dương tinh thần lạc quan của nông dân Hải Dương sau bão lũ(25/09/2024)
Gỡ khó cho HTX đầu tư hậu thu hoạch(23/09/2024)
Mối lo HTX chậm bước lên 'chuyến tàu xanh hóa'(23/09/2024)
Hợp tác xã Tân Minh Đức khắc phục hậu quả của bão, chuẩn bị mùa vụ mới (23/09/2024)
Hải Dương ước thiệt hại hơn 1.500 tỷ đồng do bão số 3(19/09/2024)
Video
na
na
na
na
na
na
na
na
na
Liên kết website