Bão số 3 khiến hàng trăm ha cây rau màu vụ đông sớm ở Hải Dương bị thiệt hại, phải gieo trồng lại. Bù lại, nông dân phấn khởi vì lứa rau này được mùa, được giá.
Nông dân “trúng quả”
Ngắm qua flycam bay trên cao, vùng chuyên canh cây rau màu vụ đông ở xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) hiện lên xanh mướt. Lác đác có một số ruộng trồng su hào sớm đã bắt đầu cho thu hoạch với giá bán cao, nông dân mừng ra mặt.
Cùng chúng tôi thăm vùng trồng su hào ở thôn Ô Mễ, ông Phạm Văn Tính, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết Hưng Đạo được coi là "vựa rau" vụ đông ở huyện Tứ Kỳ với khoảng 308 ha. Sau bão số 3, toàn xã bị thiệt hại 140 ha cây rau màu vụ đông sớm. Ngay sau khi bão tan, bà con ở đây bắt tay ngay vào việc khôi phục sản xuất vì hiểu rất rõ rau vụ đông sớm có giá trị lớn như thế nào.
Chỉ từ ngày 15/9-10/10, nông dân xã Hưng Đạo đã huy động tối đa nhân lực, máy móc, ra cả tỉnh ngoài thu mua rau giống về phủ xanh toàn bộ diện tích trên. Họ lựa chọn su hào là cây trồng chủ lực trong lứa rau sớm này, mở rộng tới 70% diện tích.
Thời tiết thuận lợi, ít sâu bệnh nên cây rau này sinh trưởng tốt, mẫu mã rất đẹp. Hầu hết các ruộng trồng su hào đã được thương lái đặt mua trước thời gian thu hoạch 10-15 ngày. Đến nay toàn xã có khoảng 15 ha su hào sớm cho thu hoạch.
"Có thể nói là bà con đã “trúng quả” lứa rau này. Mỗi sào su hào trồng 3.000 gốc, thương lái trả từ 3.000-4.000 đồng/gốc. Tính ra, chỉ sau 45 ngày trồng, nông dân bỏ túi 7-8 triệu đồng/sào, cao hơn khoảng 1 triệu đồng/sào so với năm ngoái", ông Tính hồ hởi thông tin.
Hộ ông Trần Quang Bình ở thôn Ô Mễ trồng 4 mẫu su hào sớm phấn khởi nói: "Nhà tôi hiện đã thu hoạch được khoảng một nửa diện tích. Mỗi mẫu cầm chắc 70 triệu đồng tiền lãi. Kinh nghiệm cho thấy rau vụ đông sớm luôn được giá bán cao nên năm nào nhà tôi cũng trồng nhiều".
Cùng ở huyện Tứ Kỳ, nông dân các xã Tái Sơn, Ngọc Kỳ cũng “trúng quả” khi chú trọng trồng rau vụ đông sớm. Sau bão số 3, nhiều diện tích trồng rau ăn lá (cải ngọt, cải thìa...) được nông dân những địa phương này bán tại ruộng với giá từ 10.000 - 15.000 đồng/mớ. Hiện tại, giá bán rau ăn lá đã giảm một nửa song vẫn thu lãi từ 4-5 triệu đồng/sào.
Qua nhiều vùng trồng rau vụ đông ở huyện Gia Lộc thuộc các xã Đoàn Thượng, Hoàng Diệu, Gia Lương, Lê Lợi, chúng tôi thấy nhiều diện tích cải bắp sớm đã được thu hoạch. Nông dân ở những xã này cho biết cải bắp vụ đông sớm năm nay được giá nhất trong nhiều năm trở lại đây. Thương lái thu mua "vo" tại ruộng từ 10-12 triệu đồng/sào, bà con thu lãi 7-9 triệu đồng/sào.
Không cho đất nghỉ
Trên khắp các cánh đồng thuộc các xã khu C huyện Kim Thành, nông dân cũng đang thu hoạch cây vụ đông sớm với niềm vui được mùa, được giá.
Ông Nguyễn Đăng Bậc, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Đồng Cẩm cho biết nhiều diện tích dưa hấu phục hồi sau bão đã và đang được nông dân bán từ 8.000 - 12.000 đồng/kg, cao hơn 2.000-6.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái.
Sau bão, thị trường rau xanh khan hiếm, một số loại rau ăn lá như cải dưa (cải cân) ở xã Đồng Cẩm bán "vo" cho thương lái 7 triệu đồng/sào, cao hơn khoảng 2-3 triệu đồng/sào so với năm ngoái. Giá rau hiện tại đã giảm song bà con vẫn có lãi.
"Thời tiết đang rất thuận lợi. Thu hoạch rau màu sớm đến đâu, chúng tôi vận động nông dân quay vòng trồng tiếp các loại su hào, su lơ, cải bắp ngay đến đó để kịp bán vào dịp Tết sắp tới. Mục tiêu toàn xã sẽ trồng hơn 400 ha", ông Bậc cho hay.
Tại vùng chuyên canh cây rau màu ở xã Phạm Kha (Thanh Miện), nông dân cũng vừa bỏ túi khi bán 16-17 triệu đồng/sào hành lá, 4-6 triệu đồng/sào cải ngọt, cải ngồng, cải chíp, xà lách... Ảnh hưởng của bão số 3 đã khiến giá bán rau vụ đông sớm lên cao. Sau bão, có thời điểm nông dân ở đây bán được hơn 30 triệu đồng/sào hành lá.
Được mùa rau vụ đông sớm, nông dân Phạm Kha phấn khởi, hăng hái quay vòng làm đất, trồng lứa mới. Việc gieo trồng một số loại rau diễn ra nhanh, chi phí thấp bởi bà con chỉ làm lại mặt luống và gieo hạt giống.
Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Phạm Kha Vũ Viết Khang thông tin: "Bà con ở đây gần như làm liên tục, không cho đất nghỉ. Chúng tôi cũng tăng cường diệt chuột. Cứ 2 ngày 1 lần, hợp tác xã lại bơm nước phục vụ sản xuất. Có mưa to là việc tiêu úng được thực hiện ngay. Từ năm 2018 đến nay, giá điện trải qua nhiều lần tăng giá nhưng chúng tôi vẫn thu tiền dịch vụ theo mức cũ để nông dân được hưởng lợi".
Chủ tịch UBND xã Hưng Đạo Phạm Văn Tiến cho biết đã giao Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp phối hợp Hội Nông dân xã thường xuyên nắm bắt thông tin thị trường để định hướng nông dân gieo trồng các loại cây rau màu bảo đảm cân đối, hạn chế xảy ra tình trạng "cung vượt cầu", "được mùa mất giá". Chủ động liên kết với các doanh nghiệp thu mua rau ở trong và ngoài tỉnh để hỗ trợ bà con tiêu thụ rau màu.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, thời tiết hiện nay rất phù hợp với trồng cây rau màu vụ đông. Sau bão, phần lớn sâu bệnh bị tiêu diệt, cây trồng ít sâu bệnh hơn cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu rau xanh trên thị trường cuối năm lớn nên nông dân cần tranh thủ để phát triển sản xuất.
Vụ đông năm 2024 - 2025, Hải Dương phấn đấu gieo trồng 21.500ha diện tích cây rau màu. Trong đó có 18.000ha rau các loại (các loại rau chủ lực gồm 6.500 ha hành, tỏi củ, 1.200 ha cà rốt, 4.500 ha cải bắp, su hào, su lơ, 1.000 ha khoai tây), 1.500 ha ngô, còn lại là các cây trồng khác.
Vụ đông năm 2022 - 2023, toàn tỉnh gieo trồng hơn 22.000 ha cây rau màu các loại, vượt 4,8% kế hoạch; sản lượng hơn 486.000 tấn, tăng trên 3.200 tấn so với vụ đông trước đó.
Theo:TIẾN MẠNH(Báo Hải Dương)